Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An: Đảm bảo "ăn điều trị" cho bệnh nhân

(Baonghean) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của “ăn điều trị”, Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An không những duy trì tốt hoạt động của Khoa dinh dưỡng mà còn hết sức quan tâm đầu tư mọi mặt để phát triển khoa  này…

Đảm bảo bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh luôn được Bệnh viện đặt lên hàng đầu.
Đảm bảo bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh luôn được Bệnh viện đặt lên hàng đầu.

Vai trò của “ăn điều trị” 

Hypocrat, một danh y thời cổ đại đã rất quan tâm đến vấn đề điều trị bằng ăn uống, từng viết: “Thức ăn cho người bệnh phải là phương tiện điều trị và các phương tiện điều trị của chúng ta phải là các chất dinh dưỡng”. Theo ông, công tác điều trị chủ yếu phải điều hòa các dịch; cần biết chọn thức ăn về chất lượng cũng như về số lượng phù hợp với từng giai đoạn của bệnh và việc hạn chế hoặc cho ăn thiếu chất bổ rất nguy hiểm đối với người bệnh mắc bệnh mạn tính.

Sidengai người Anh có thể coi là người thừa kế những di chúc của Hypocrat đã vạch ra là “Để nhằm mục đích phòng bệnh cũng như điều trị trong nhiều bệnh chỉ cần cho những chế độ ăn thích hợp và sống một đời sống có tổ chức hợp lý”. Sidengai chống lại sự mê tín thuốc men và yêu cầu phải lấy bếp thay phòng bào chế. Sinh thời với Sidengai còn Hacvay cũng rất chú ý đến chế độ ăn điều trị, đã xây dựng những chế độ ăn trong đó còn truyền lại chế độ ăn hạn chế mỡ cho một số bệnh nhân, đến nay thường được gọi là chế độ ăn Bentinh (tên một bệnh nhân của Hacvay sau khi điều trị có kết quả đã tuyên truyền nhiều cho chế độ ăn này).

Từ cuối thế kỷ thứ 19, vấn đề ăn điều trị lại được các nước trên thế giới chú ý đặc biệt. Nổi bật lên là vấn đề tiêu hao năng lượng. Ăn phải đảm bảo tiêu hao, do đó cần xây dựng các chế độ ăn nhất là các chế độ ăn để bồi dưỡng cho các bệnh nhân thiếu ăn, hoặc chế độ ăn hạn chế cho các bệnh nhân ăn quá nhiều. Ở nước ta, nhân dân  từ lâu do kinh nghiệm thực tế  đã thấy vấn đề ăn điều trị rất quan trọng đối với người ốm. Bát cháo cảm gồm thịt, trứng, hành tỏi, tía tô và các loại rau gia vị khác thực chất là nhằm cung cấp cho người ốm những chất đạm, vitamin, muối khoáng và kháng sinh thiên nhiên cần thiết.

Các kinh nghiệm về ăn uống của nhân dân ta còn được ghi lại trong các sách. Nói đến y học cổ truyền Việt Nam, tất cả mọi người đều nhắc đến Tuệ Tĩnh (thế kỷ XIV) và Hải Thượng Lãn Ông (thế kỷ thứ XVIII). Cả hai vị đại danh y này có thể đều được coi là những nhà dinh dưỡng học đầu tiên ở nước ta.Trong số 586 vị thuốc nam do Tuệ Tĩnh sưu tầm, tổng kết, có gần một nửa gồm 246 loại là thức ăn và gần 50 loại có thể dùng làm đồ uống. 

Từ vai trò quan trọng của ăn điều trị, người bác sỹ điều trị đều thấy cần phải tổ chức ăn điều trị bởi những lý do sau: 

Ăn điều trị có tác dụng trực tiếp tới căn nguyên bệnh và căn nguyên sinh bệnh như đối với các bệnh nhiễm khuẩn, ngộ độc thức ăn, hôn mê do đạm huyết cao (protit máu cao), thiếu vitamin, suy dinh dưỡng, viêm loét dạ dày, hành tá tràng, viêm gan, vữa xơ động mạch, đái tháo đường … Ăn điều trị còn nhằm nâng cao sức đề kháng chung của cơ thể chống lại bệnh tật. Y học hiện đại đánh giá rất cao vai trò phản ứng của cơ thể trước các bệnh tật.

Cán bộ nhân viên khoa dinh dưỡng chế biến món ăn.
Cán bộ nhân viên khoa dinh dưỡng chế biến món ăn.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh là sự phát triển của các quá trình sinh bệnh trong tất cả các bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm độc phụ thuộc một phần lớn vào phản ứng của cơ thể. Ai cũng biết là cơ thể suy nhược;  ăn, uống kém, dễ bị lao. Sự phát triển của bệnh lao phụ thuộc phần lớn vào phản ứng của cơ thể hơn là sự thâm nhập ào ạt của trực khuẩn lao.  

Ăn điều trị cũng rất ảnh hưởng đến các cơ chế điều hòa thần kinh thể dịch. Sự rối loạn của cơ chế điều hòa này ảnh hưởng đến quá trình diễn biến của bệnh và thường gây ra các rối loạn chức năng ở một số cơ quan và hệ cơ quan. Sự rối loạn chức năng này thường kèm theo các thay đổi cơ thể học. Từ lâu, các bác sỹ lâm sàng đã thấy là những rối loạn chức năng dạ dày và ruột kéo dài thường dẫn đến những thay đổi thực thể của cơ quan đó. Trong số các cơ chế điều hòa, đặc biệt phải kể đến sự điều hòa nội tiết và hệ thần kinh. 

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh là chất và lượng thức ăn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt tính của các nội tiết tố: Cho ăn nhiều glucid làm tăng hoạt tính adrenalin; ăn nhiều protid làm tăng hoạt tính của thyroxin. Hoạt tính của adrenalin còn phụ thuộc vào lượng vitamin C ở thượng thận. Bất cứ một kích thích, một xung động nào của hệ thần kinh thực vật đều kèm theo các quá trình hóa học. Cường độ và tính chất của quá trình này phụ thuộc trước hết vào trạng thái chức năng của thần kinh trung ương và tình trạng chuyển hóa giữa các tế bào, thành phần hóa học của máu.

Tóm lại, phụ thuộc vào tính chất và chế độ ăn uống. Trong ăn điều trị, điều cần chú ý là không thể tiến hành ăn điều trị một cách máy móc. Phải căn cứ vào đặc điểm của bệnh, vào phản ứng của cơ thể người bệnh. Phải dựa vào quá trình phát triển và sự diễn biến của bệnh mà có một chiến thuật ăn điều trị thích hợp. Ăn điều trị hiện đại là phải tổ chức ăn căn cứ vào nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh, vào tình hình lâm sàng và diễn biến của bệnh.

Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An thu hút đông bệnh nhân đến chữa bệnh.
Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An thu hút đông bệnh nhân đến chữa bệnh.

Đồng thời phải chú ý tới điều trị bảo vệ, nghĩa là làm tăng khả năng của các bộ máy điều hòa, thích nghi và bảo vệ của cơ thể. Để kết luận, khi nói ăn uống là một yếu tố điều trị thì cần thấy so với các yếu tố điều trị khác, bản thân bệnh nhân, dù người ta có chú ý tới ăn điều trị hay không, vẫn phải ăn. Vì nếu không ăn thì bệnh nhân không thể sống được. Nhưng nếu ăn không hợp lý thì sẽ có ảnh hưởng không tốt hoặc làm giảm tác dụng của các yếu tố điều trị khác.

Thực tế trên toàn thế giới cũng như ở nước ta hiện nay đều đã chứng minh là ăn uống hợp lý có tác dụng lớn trong việc tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, còn ăn uống không hợp lý lại có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh. Nổi bật nhất và cũng là vấn đề thời sự là vai trò của ăn uống trong việc phòng chống xơ vữa động mạch, phòng chống ung thư, phòng chống già trước tuổi.

Như vậy, ăn điều trị là một bộ phận không thể thiếu trong các biện pháp điều trị tổng hợp. Do đó nơi nào không có tổ chức ăn điều trị thì nơi đó không thể có điều trị hợp lý được.

Đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh

Nhận thức rõ tầm quan trọng của “ăn điều trị”, Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An đã không những duy trì tốt hoạt động của Khoa dinh dưỡng mà còn hết sức quan tâm vào việc đầu tư mọi mặt để phát triển Khoa dinh dưỡng tại bệnh viện. Hiện tại Khoa dinh dưỡng có 7 cán bộ biên chế và 10 hợp đồng thời vụ. Trung bình khoa phục vụ gần 300 suất ăn/bữa vào hai buổi trưa và tối.  

Chúng tôi đến khoa đúng vào thời điểm cán bộ, nhân viên đang kiểm tra nguồn hàng thực phẩm trước khi chế biến bữa ăn buổi trưa cho bệnh nhân. Bác sỹ Nguyễn Phi Khanh - Phó trưởng Khoa dinh dưỡng cho biết: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như đảm bảo bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh, khoa xác định phải chọn lựa những loại thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các đồ dùng như bát, đũa, thìa... của bệnh nhân được diệt khuẩn trước khi sử dụng. Những bệnh nhân bị bệnh lý có chế độ ăn riêng tùy theo phương pháp điều trị.

Mỗi ngày khoa dinh dưỡng phục vụ gần 300 suất ăn cho bệnh nhân.
Mỗi ngày khoa dinh dưỡng phục vụ gần 300 suất ăn cho bệnh nhân.

Bệnh nhân nào sức khỏe yếu khoa sẽ chia khẩu phần thức ăn theo yêu cầu đem đến tận giường bệnh. Bệnh nhân ăn tại khoa chủ yếu là người cao tuổi, bệnh lý nhiều nên khâu chế biến rất quan trọng. Các thức ăn phải được nấu mềm, dẻo, thực đơn được thay đổi thường xuyên hợp khẩu vị. Để phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất, khoa dinh dưỡng chia thành các bộ phận như: kỹ thuật chế biến, phục vụ bàn, kho, nhận hàng và bộ phận hành chính. Tất cả các bộ phận đều làm việc các ngày trong tuần kể cả thứ Bảy và Chủ nhật.

Ông Nguyễn Đình Minh (bệnh nhân đến từ xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn) cho biết, ông bị bệnh thoái hóa cột sống nhiều năm nay, được chuyển vào Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh để điều trị. Ở xa nên hầu như mọi sinh hoạt cá nhân ông được đội ngũ điều dưỡng, bác sỹ, nhân viên phục vụ tận tình, chu đáo. Đặc biệt bệnh viện đã phối hợp giữa điều trị và chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng cho bệnh nhân nên bệnh của ông đỡ rất nhiều.

Khoa dinh dưỡng của bệnh viện cũng được đầu tư thiết bị, vật dụng, trang phục làm việc theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng phù hợp cho từng diện bệnh và từng người bệnh cụ thể. Khoa dinh dưỡng phục vụ người bệnh hoàn toàn do bệnh viện phải tự hỗ trợ chi trả, không thu tiền công tiền phí từ người bệnh vì có trong giá dịch vụ y tế và do đó BHYT cũng không chi trả về khoản chi phí này. 

Bà Thái Thị Xuân - Giám đốc Bệnh viện cho biết: Bệnh viện có đầy đủ nhân lực để đảm bảo tiết chế dinh dưỡng, kỹ thuật chế biến sản phẩm ăn uống…nhân viên làm ở Khoa dinh dưỡng được đào tạo bài bản tại các trường chính quy của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ người bệnh, Bệnh viện còn tăng cường giáo dục y đức, tinh thần thái độ phục vụ, tác phong thái độ giao tiếp… cho đội ngũ nhân viên làm việc tại khoa Dinh dưỡng để đảm bảo “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”. 

Hội đồng khoa học kỹ thuật - Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An: Với tinh thần “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”, là “Nơi người bệnh gửi gắm niềm tin”; Mô hình: “Bệnh viện - Khách sạn xanh, sạch, đẹp đầu tiên tại Nghệ An; 

Địa chỉ: Số 220, đường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, Nghệ An;

ĐT liên hệ: ĐT Phòng khám: 0383.949.709; ĐT  trực 24/24: 0383.952.020;  ĐT nóng: 0966.251.414; ĐT hotline: 0912.002.210; ĐT Giám đốc: 0912.487.568.

Bài, ảnh: P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới