Bước chuyển mình ở vùng đất khó Thanh Tùng

Xã Thanh Tùng (Thanh Chương) kỷ niệm 70 năm thành lập, đạt chuẩn nông thôn mới:

Bước chuyển mình ở vùng đất khó Thanh Tùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn)- Những ngày tháng 4 lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương vui mừng chào đón sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày thành lập xã. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi dịp này, xã Thanh Tùng được đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

VÙNG ĐẤT GIÀU TRUYỀN THỐNG

Thanh Tùng là vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thanh Chương giàu truyền thống; là quê hương của các vị đại khoa nổi tiếng như Phó bảng Nguyễn Lâm Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Lâm Thái, Tiến sỹ Phạm Kinh Vĩ cùng nhiều nhà cách mạng, nhiều nhân sĩ trí thức trong đó nổi bật là cụ Võ Quý Huân - người trí thức Việt kiều được Bác Hồ mời về nước và trở thành người sáng lập ngành luyện kim Việt Nam, người có nhiều đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc...

2.jpg
Một góc xã Thanh Tùng. Ảnh: Nguyễn Lâm Sơn

Trước Cách mạng Tháng 8, Thanh Tùng thuộc tổng Thổ Hào rồi Bích Hào, Bích Triều. Nơi đây, từ cuối tháng 12 năm 1930, Tổng ủy Thanh Chương đã thành lập 4 chi bộ đảng đầu tiên phạm vi hoạt động trên vùng đất Thanh Tùng - Thanh Giang ngày nay gồm Chi bộ Cương Sơn, chi bộ Kim Sơn, Chi bộ Yên Thành và Chi bộ Thanh Sơn. Các chi bộ trên đã trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh chống cường hào, thực dân Pháp trong cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh và đấu tranh giành chính quyền năm 1945.

Từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng, nhiều người con ưu tú đất Thanh Tùng đã giác ngộ đứng trong hàng ngũ tiên phong. Dưới sự lãnh đạo của hai chi bộ Cương Sơn, Yên Thành và Tổng ủy, nhân dân các làng My Sơn, Cương Sơn, Nhân Thành, Yên Khánh… đã nhất tề đứng lên chống đế quốc phong kiến. Dưới sự chỉ huy của tổ chức Đảng, đảng viên và những người yêu nước như Nguyễn Lâm Hiếu, Phan Hiệu, Phan Bá Lạc,... nhân dân Thanh Tùng đã anh dũng biểu tình đấu tranh, “diệt tề, trừ ác”. Chính quyền Xô - viết ra đời chưa được bao lâu thì địch tập trung lực lượng đàn áp, khủng bố trắng nhưng những người cộng sản và nhân dân vẫn kiên cường chiến đấu hy sinh. Một vùng quê không lớn (đến năm 1954 xã Thanh Tùng mới có 2.513 người mà đã có 36 người bị bắt giam, 16 liệt sĩ (trong đó có 12 người bị tù đày từ 1 năm đến chung thân, 17 người bị xử bắn, xử chém). Ngoài ra còn có hàng chục ngôi nhà bị đốt cháy, cướp bóc, phá hoại, đã nói lên phần nào tinh thần bất khuất của một miền quê...

Sau Cách mạng Tháng Tám, trải qua 2 lần chia tách, đổi tên, đến ngày 17/04/1954, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Nghệ An có quyết định phân chia đơn vị hành chính, xã Tân Dân được phân chia thành 3 xã và tên xã Thanh Tùng chính thức ra đời cho đến ngày nay.

Kể từ ngày thành lập xã đến nay, trong mỗi giai đoạn lịch sử với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng khác nhau, Đảng bộ và nhân dân Thanh Tùng luôn đồng lòng kề vai, sát cánh cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiều cuộc cách mạng của dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hàng ngàn người con của xã Thanh Tùng lên đường bảo vệ Tổ quốc, làm các nhiệm vụ khác nhau như tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và trực tiếp chiến đấu ở các chiến trường... Hàng trăm người con của Thanh Tùng đã ngã xuống, đã bỏ lại một phần thân thể nơi các chiến trường, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của quê hương đất nước. Những tên người, tên đất, những địa danh như Đồng Vển, Cựa Đình, Cồn Chùa, Eo Vàng, Cựa Chạn, Phượng Hoàng, Cồn Sông, chợ Chuối, Bãi Già đã ghi dấu những sự kiện đấu tranh anh dũng và cả những đau thương, mất mát của quân và dân Thanh Tùng trong phong trào đấu tranh cách mạng.

Truyền thống cách mạng đã hun đúc ý chí, trở thành sức mạnh nội sinh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Tùng tự lực, tự cường, vượt lên khắc phục hậu quả sau chiến tranh, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.

NỖ LỰC VƯỢT KHÓ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Là địa phương có điều kiện tự nhiên rộng lớn, dân cư thưa thớt, địa hình vừa đồi núi, vừa thấp trũng, chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập, Thanh Tùng là một trong những xã khó khăn bậc nhất của huyện Thanh Chương, là xã tứ tắc của vùng đất khó Bích Hào...

bna_con_duong_ngap_trong_bien_nuoc_anh_quang_an2266914_2182018.jpg
thanh_tung35586327_31102020.jpg
Mỗi năm, xã Thanh Tùng chịu từ 3 - 4 đợt ngập lụt. Ảnh tư liệu.

Đầu năm 2020, trong khi rất nhiều xã của huyện Thanh Chương đã hoàn thành về đích nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao thì xã Thanh Tùng vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn. Cả xã chưa có mét đường bê tông nội xóm nào, hệ thống các trường học, trạm y tế đều xập xệ, xuống cấp; hội trường UBND xã và các thiết chế văn hóa khác được xây dựng từ hàng chục năm trước đều xuống cấp trầm trọng; các tiêu chí như môi trường, thu nhập, y tế, giáo dục, cơ sở vật chất văn hóa... đều chưa đạt.

Đây thực sự là một nhiệm vụ nặng nề bởi xuất phát điểm của xã quá thấp; đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Thiên tai, dịch bệnh thường xuyên diễn ra. Năm nào Thanh Tùng cũng hứng chịu từ 2-3 đợt lũ và nhiều đợt hạn hán... Trên địa bàn xã, không có một doanh nghiệp nào đứng chân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Thanh Tùng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đưa ra mục tiêu phấn đấu về đích NTM trong năm 2024. Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, với sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND và các phòng, ban của huyện, sự hỗ trợ của Văn Phòng điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh, Thanh Tùng đã mạnh dạn điều chỉnh mục tiêu, quyết tâm đưa xã về đích NTM trong năm 2023.

z5289900110469_c27fefcc4716e1a269c0b0abd1966aa1.jpg
Cơ sở xập xệ của Trường THCS Thanh Tùng trước đây...
z5362023514275_6c0b78a6254207c865d20cbc8a281fcd.jpg
Và cơ ngơi hiện đại của Trường THCS Thanh Tùng hôm nay. Ảnh: Nguyễn Lâm Sơn.

Đứng trước khó khăn đó, Đảng bộ, Nhân dân xã Thanh Tùng phải tìm hướng đi, cách làm phù hợp với đặc thù của mình theo hướng dễ làm trước, khó làm sau, dồn lực hoàn thành bền vững từng tiêu chí.... Ông Phan Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng cho biết, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, xã đã rà soát, đưa ra các giải pháp, các cách làm cụ thể, giao đầu việc cụ thể cho từng cán bộ phụ trách. “Xã Thanh Tùng tập trung vào 3 nguồn lực: Thứ nhất là phát huy tối đa các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của huyện để thu hút các công trình, dự án. Thứ hai là phát huy nội lực của nhân dân, vận động nhân dân hiến đất, hiến cây cối, đóng góp ngày công, tiền của theo phương châm cả nhà nước và nhân dân cùng làm. Thứ ba, vận dụng, kêu gọi sự ủng hộ của con em xã Thanh Tùng xa quê bằng những việc làm thiết thực, góp sức cùng xã nhà đổi mới....", ông Phan Văn Dũng khẳng định.

bna_image_2461614_2182018.jpg
Người dân xóm Thuần Trung (xã Thanh Tùng) xây dựng tuyến đường bê tông đầu tiên của xóm. Ảnh: P.V

Với cách làm phù hợp, với sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng của nhân dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Thanh Tùng nhanh chóng đạt được những hiệu quả tích cực. Chỉ trong một thời gian ngắn, Thanh Tùng huy động được hơn 81 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó ngân sách trung ương hơn 6,6 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hơn 21,7 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 28,7 tỷ đồng, ngân sách xã 8,7 tỷ đồng....

22.jpg
Một góc xã Thanh Tùng hôm nay. Ảnh: Nguyễn Lâm Sơn.

Thanh Tùng xác định, chủ thể trong xây dựng nông thôn mới là nhân dân, người dân là đối tượng được hưởng lợi và cũng là những người trực tiếp tham gia quá trình xây dựng nông thôn mới. Với quan điểm đó, xã đã huy động được sức mạnh toàn dân vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhân dân xã nhà đã đóng góp 15,4 tỷ đồng cùng hàng ngàn ngày công, hiến hàng ngàn mét đất để mở đường...

Trong quá trình đó, nhiều người là con em Thanh Tùng xa quê đã hướng về quê hương với những việc làm thiết thực như Anh Lê Hưng đóng góp hơn 600 triệu đồng; Anh Trần Thúc Linh hơn 200 triệu đồng; Bác Võ Văn Tửu hơn 150 triệu đồng, Phạm Đức Hoàn hơn 100 triệu đồng... cùng rất nhiều con em khác đã góp công, góp của vì sự phát triển của quê nhà.

Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân góp sức, Thanh Tùng đã nhanh chóng phủ kín bê tông hơn 23km đường liên xóm, 12,2 km đường ngõ, nhựa hóa 7,2km đường liên xã. Từ chỗ chưa có mét đường bê tông nào, đến nay 100% đường làng, ngõ xóm ở Thanh Tùng đều đã được cứng hóa theo tiêu chuẩn. Hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trên địa bàn xã Thanh Tùng cũng xuất hiện nhiều điểm sáng kinh tế, nhiều mô hình tốt đang được nhân rộng như trồng chè công nghiệp gắn với chế biến sâu; các mô hình trang trại, gia trại, vườn rừng... Năm 2023, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 48,783 triệu đồng. Cả xã không còn gia đình nào phải sống trong cảnh nhà tạm, nhà tranh; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,24%. Bà con lương giáo đoàn kết, đồng sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

z5289899645906_25124edc585fd2c56a18d31671710f55.jpg
Đến cuối năm 2023, tất cả các tuyến đường liên xóm ở xã Thanh Tùng đều được bê tông hóa. Ảnh: Nguyễn Lâm Sơn.

Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của nhân dân cũng được nâng lên. Xã đã hoàn thiện đạt chuẩn hệ thống nhà văn hóa, sân vận động, sân thể thao; khu vui chơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân. Hệ thống trường học ở 3 cấp học ở xã Thanh Tùng được đầu tư nâng cấp gắn với nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện cả ba trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở xã đều đạt chuẩn; Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xóm và cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa... Tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, trên địa bàn xã không xảy ra các vụ việc nổi cộm, công an xã Thanh Tùng đạt Danh hiệu Đơn vị quyết thắng của lực lượng công an;...

Với sự nỗ lực, sự đoàn kết, cộng sự của chính quyền và nhân dân, đến cuối năm 2023, xã Thanh Tùng đã đáp ứng 19 tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận về đích xây dựng nông thôn mới năm 2023. Đây thực sự là niềm vui, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thanh Tùng, là động lực để Thanh Tùng vươn lên. Niềm vui này càng lớn hơn, ý nghĩa hơn khi dịp này, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Thanh Tùng tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập xã.

25.jpg
Đường về xã Thanh Tùng hôm nay. Ảnh: Nguyễn Lâm Sơn.

Ông Trần Hưng Mậu - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tùng khẳng định: “Quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thanh Tùng là quá trình liên tục, có điểm đầu, không có điểm kết thúc với mục tiêu mang lại hạnh phúc cho nhân dân, đưa xã nhà phát triển toàn diện. Ngay khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Tùng tiếp tục bắt tay xây dựng nông thôn mới nâng cao với những mục tiêu cao hơn, bền vững hơn”.

Tự hào truyền thống, hướng tới tương lai, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, với quyết tâm cao độ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thanh Tùng sẽ biến khó khăn thành sức mạnh nội lực, xây dựng quê hương Thanh Tùng ngày càng giàu đẹp, trở thành một vùng quê đáng sống, là điểm sáng, là niềm tự hào của mảnh đất Thanh Chương anh hùng.

Tin mới