Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nghệ An cần có giải pháp hiệu quả huy động các nguồn lực, tạo động lực cho phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Nghệ An cần có giải pháp hiệu quả huy động các nguồn lực, tạo động lực cho phát triển, rà soát, cập nhật các danh mục dự án để kêu gọi đầu tư phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày tham luận về nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Bộ Chính trị.

bna_IMG_0831.JPG
Toàn cảnh Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị tại điểm cầu chính Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghệ An có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, đóng vai trò cực tăng trưởng, trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, đồng thời là cầu nối quan trọng trong hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây. Các chủ trương, chính sách về phát triển trong thời gian qua xác định rõ vai trò quan trọng của tỉnh Nghệ An.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để phát triển, phát huy hết tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho phát triển tỉnh Nghệ An. Năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết và đánh giá thực hiện và sau đó đã ban hành Nghị quyết số 39. Đây là nghị quyết hết sức quan trọng, vừa là định hướng, vừa là những quan điểm, mục tiêu mới, tầm nhìn, nhiệm vụ, giải pháp, vừa là nền tảng cho sự phát triển giai đoạn mới của tỉnh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với tỉnh Nghệ An, đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới trong nước đang diễn biến phức tạp, khó lường.

BNA_9367-01.jpeg
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận tại hội nghị .Ảnh: Thành Cường

Về kết quả nổi bật, với sự nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Nghệ An, sự hỗ trợ của Trung ương, Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn thấp, chưa tự cân đối ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Chênh lệch phát triển giữa các huyện vùng phía Tây và vùng phía Đông vẫn còn xu hướng gia tăng. Một bộ phận người dân vùng phía Tây còn nhiều khó khăn. Liên kết vùng còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả những tiềm năng, lợi thế phát triển vùng.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 39, đạt được mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phải tập trung triển khai và thực hiện nghiêm túc 5 quan điểm, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 39. Cần nghiên cứu xây dựng, thực hiện các chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An.

Mặt khác, cần tích cực triển khai Nghị quyết số 36 của Quốc hội, đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách mới trên các ngành, lĩnh vực như đầu tư, tài chính, phân cấp, quản lý... cho phát triển các cơ sở hạ tầng trọng yếu như cảng hàng không, cảng biển, phát triển các khu công nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng miền Tây.

BNA_9195-01.jpeg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Tổ chức công bố và triển khai ngay Quyết định số 1059 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, đồng thời, biến các khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển.

Trong đó, các quy hoạch này mang tính định hướng lĩnh vực, ngành trong thời gian tới; Phân bổ không gian phát triển, nguồn lực phát triển, tạo ra các không gian mới, động lực, giá trị mới cho tỉnh.

Lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển; phát triển hài hòa, gắn kết chặt chẽ kinh tế - văn hóa, thực hiện tiến độ công bằng xã hội, trong đó, văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh, nhấn mạnh đổi mới tư duy phát triển, lấy đổi mới là trọng tâm, tạo động lực cho phát triển.

Tập trung phát triển vào 2 động lực tăng trưởng chính là thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam mở rộng. Phát triển bền vững vùng miền Tây, nâng cao đời sống người dân, phát triển hệ thống giao thông gắn kết trong khu vực và các khu vực khác.

Thực hiện 3 đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế, chính sách; xây dựng, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, gắn với phát huy giá trị văn hóa con người xứ Nghệ.

Hạ tầng Khu Kinh tế Đông Nam dần hoàn thiện chào đón các nhà đầu tư Ảnh Thành Cường.jpg
Hạ tầng Khu Kinh tế Đông Nam dần hoàn thiện chào đón các nhà đầu tư. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Tập trung 5 ngành, lĩnh vực: Phát triển công nghiệp trọng điểm, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; Phát triển thương mại, dịch vụ, giáo dục, đào tạo, y tế chất lượng cao; Phát triển du lịch 3 loại hình chính: du lịch văn hóa lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch sinh thái, mạo hiểm, gắn với cộng đồng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả cao; phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Cần có giải pháp hiệu quả huy động các nguồn lực, tạo động lực cho phát triển, rà soát, cập nhật các danh mục dự án để kêu gọi đầu tư phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt là thu hút các dự án trọng điểm vào các khu vực kinh tế động lực, khai thác lợi thế các khu kinh tế, cảng biển để phát triển các hành lang kinh tế và kết nối vùng, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thủ tục hành chính, nâng cao nguồn nhân lực.

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng cải thiện chất lượng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ, bao gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, nút thắt trong giao thông vận tải, đầu tư hạ tầng số, nâng cấp hạ tầng đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà ở xã hội; kết nối thị trường lao động; cải thiện môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đối khí hậu, qua đó, làm giảm chi phí xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội.

Thu hút nguồn vốn trực tiếp đầu tư nước ngoài theo 4 định hướng lớn: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ, lao động có trình độ cao; tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đầu tư các dự án có tính trọng điểm, liên vùng, có tính lan tỏa, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, tập trung vào các Khu Công nghiệp: VSIP, WHA, Hoàng Mai, Đông Hồi để thu hút các dự án chọn lọc, gắn với các tiêu chí quy mô lớn, công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm đất, năng lượng.

bna_1. Toàn cảnh Khu Công nghiệp thuộc VSIP Nghệ An. Ảnh Thành Cường..jpg
Toàn cảnh Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Chú trọng công tác liên kết phát triển với các địa phương nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ, bền vững; tăng cường hợp tác phát triển liên kết vùng, phát triển vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An gắn với Khu Kinh tế Nghi Sơn và các ngành công nghiệp động lực tại đây; phát triển vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, phát triển đô thị; tích cực phối hợp chặt chẽ, với TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các địa phương khác theo các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương khác trong và ngoài nước.

Tập trung nguồn lực để hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế ven biển, gắn với trục Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, đường sắt Bắc - Nam và đường biển; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Quốc lộ 7; Hành lang kinh tế Quốc lộ 48A, trong đó, chú ý phát triển hành lang kinh tế ven biển và đường giao thông.

Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trong xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch vùng.

Tin mới