Các nước Baltic tuyên bố ý định cô lập Nga, còn Mỹ bí mật yêu cầu Ukraine thể hiện sẵn sàng đàm phán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hãng tin RT đưa tin, các nước thành viên của Hội đồng Baltic, bao gồm Litva, Latvia và Estonia đã tuyên bố ý định "cô lập Nga khỏi xã hội châu Âu". Trong khi đó, báo Washington Post đưa tin, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang bí mật khuyến khích các nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra tín hiệu về việc để ngỏ khả năng đàm phán với Nga.

Các nước Baltic tuyên bố ý định cô lập Nga khỏi châu Âu

Theo nội dung văn bản nghị quyết được thông qua vào cuối kỳ họp của Hội đồng Baltic lần thứ 41, "Hội đồng Baltic nhấn mạnh nhu cầu to lớn về sự thống nhất của các nước trong khu vực nhằm hỗ trợ Ukraine, cô lập Liên bang Nga khỏi cộng đồng châu Âu".

Nghị quyết còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các nước Baltic và các đồng minh ở Bắc Âu và Benelux (một vùng ở châu Âu gồm 3 nước lân cận nhau là Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) "để đối phó với các mối đe dọa an ninh trong lĩnh vực chiến tranh thông thường và trên không gian mạng".

Ngoài ra, các nghị sĩ nhấn mạnh "tầm quan trọng và sự cần thiết của việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực".

Hội đồng Baltic là cơ quan tư vấn hợp tác giữa nghị viện các nước Latvia, Litva và Estonia. Cơ quan này được thành lập vào năm 1991.

Thủ đô Vilnius (Litva). Ảnh: AP

Thủ đô Vilnius (Litva). Ảnh: AP

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố chính sách kiềm chế và làm suy yếu nước Nga là chiến lược lâu dài của phương Tây, và các lệnh trừng phạt đã giáng đòn mạnh vào toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Theo nhà lãnh đạo Nga, mục tiêu chính của Mỹ và châu Âu là làm cho cuộc sống của hàng triệu người trở nên tồi tệ.

Mỹ bí mật yêu cầu Ukraine thể hiện sẵn sàng đàm phán với Nga

Báo Washington Post ngày 5/11 đưa tin, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang bí mật khuyến khích các nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra tín hiệu về việc để ngỏ khả năng đàm phán với Nga cũng như ngừng công khai khước từ tham gia đàm phán hòa bình chừng nào Tổng thống Vladimir Putin còn nắm quyền.

Báo này dẫn lời những nguồn giấu danh tính am hiểu về các cuộc thảo luận nói rằng đề nghị của quan chức Mỹ không nhằm ép Ukraine đến bàn đàm phán, mà là một nỗ lực có tính toán nhằm đảm bảo Kiev duy trì được sự ủng hộ của các nước phương Tây đang đối mặt với những cử tri mệt mỏi trước viễn cảnh phải viện trợ nhiều năm cho cuộc chiến.

Theo Washington Post, các cuộc thảo luận cho thấy mức độ phức tạp trong lập trường của chính quyền Biden về Ukraine: một mặt Mỹ công khai cam kết ủng hộ Kiev với những khoản viện trợ khổng lồ “lâu đến chừng nào cần thiết”, nhưng mặt khác vẫn hy vọng đạt được giải pháp cho xung đột đã kéo dài hơn 8 tháng qua gây áp lực nặng nề cho kinh tế toàn cầu cùng đe dọa về chiến tranh hạt nhân.

Báo này cho rằng, các quan chức Mỹ có cùng quan điểm với những người đồng cấp Ukraine về việc Tổng thống Putin hiện không nghiêm túc với việc đàm phán, nhưng Washington cũng thừa nhận rằng quyết định của Tổng thống Volodymyr Zelensky bác bỏ đàm phán với nhà lãnh đạo Nga đã gây quan ngại tại nhiều nước châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh, những nơi cảm nhận rõ rệt nhất tác động từ cuộc chiến đến lương thực và nhiên liệu.

Trong chuyến thăm Kiev ngày 4/11, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã tuyên bố Washington vẫn dành sự ủng hộ “không lay chuyển và dao động” cho Ukraine sau bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ trong tuần tới./.

Tin mới