Các nước cho phép Mỹ bố trí tên lửa có thể trở thành mục tiêu hạt nhân

(Baonghean.vn) - Ngày 5/8, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachev nhấn mạnh, các đồng minh của Mỹ - vốn cho phép Washington bố trí tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên lãnh thổ các nước này - đang nhất trí trở thành một mục tiêu hạt nhân tiềm tàng.
Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachev. Ảnh: AP
Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachev. Ảnh: AP

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh cần phải nối lại đàm phán về việc bảo đảm ổn định chiến lược và an ninh giữa Nga và Mỹ.

Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ: "Bất chấp những gì đã xảy ra (như việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF), chúng tôi vẫn tin vào lý lẽ thông thường, tin vào cảm giác rằng đối tác và đồng minh của Mỹ vẫn duy trì trách nhiệm trước người dân và toàn bộ cộng đồng quốc tế. Để tránh hỗn loạn, ở đó không có quy tắc, hạn chế hay luật lệ, một lần nữa chúng ta cần cân nhắc mọi hậu quả nguy hiểm và bắt đầu đối thoại nghiêm túc theo cách rõ ràng và thực chất".

Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS, ông Kosachev giải thích: "Chúng tôi cần nói rõ ràng, trước khi chiến dịch tuyên truyền bắt đầu lu loa "Tại sao lại là chúng tôi? Chúng tôi đã cho phép Mỹ bố trí tên lửa trên lãnh thổ của chúng tôi, nhưng các tên lửa này lại nhằm mục tiêu đích xác vào các phần tử khủng bố (Iran, Triều Tiên, Syria...)". Không, điều này sẽ không hiệu quả. Những nước này nhất trí bố trí tên lửa một cách tự động và sẵn sàng trở thành mục tiêu hạt nhân chỉ sau vài phút triển khai". 

Ngày 2/8 vừa qua, Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước INF với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này và từng ít nhất một lần triển khai loại tên lửa bị cấm trong hiệp ước dù Moskva luôn bác bỏ những cáo buộc này.

Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Tin mới