Cải cách giáo dục - Cuộc cách mạng trường kỳ gian khổ!

(Baonghean) - Đọc tin báo mạng đưa, hình như sách giáo khoa phổ thông sắp có cuộc cải cách lớn! Mình bán tín bán nghi. Cải cách đến cả sách giáo khoa tức là thay đổi tận gốc rễ chương trình giáo dục chứ có phải đùa đâu! 
Hồi mới ra nước ngoài, mình khệ nệ ôm cả bộ sách giáo khoa Việt Nam sang, phòng khi không hiểu mô tê gì thì còn có cái để tham khảo. Kết quả: xếp xó cho mối mọt gối đầu tuốt! Cả tiếng đồng hồ lật hết chương sách này đến chương sách khác mà chẳng tìm ra mối liên hệ nào giữa thứ tự bài giảng trong sách Việt Nam và sách nước ngoài, mình ngồi tra từ điển luôn cho đỡ mất thời gian. Để thấy, cách phân bố, tổ chức sách giáo khoa của mình và nước ngoài có sự khác biệt lớn, chính là khác biệt trong phương pháp truyền tải kiến thức và khuôn mẫu của nền giáo dục.
Một định kiến ăn sâu vào nhận thức của người Việt mình: giáo dục Việt Nam có phần cứng nhắc và giáo điều, nặng về lý thuyết hơn giáo dục nước ngoài. Vậy thì phương án cải cách sách giáo khoa Việt Nam theo xu hướng gần với phong cách giáo dục cởi mở và phóng khoáng của các nước phát triển cũng là điều dễ hiểu và dễ dàng được xã hội chấp nhận. Vấn đề là, người Việt mình thường cường điệu hoá những thứ thuộc về văn hoá nước ngoài mà quên rằng, áp dụng một khuôn mẫu ngoại nhập vào xã hội, tư duy và lối sống của người Việt không phải lúc nào cũng dễ dàng và hiệu quả. 
TIN LIÊN QUAN
Cải cách sách giáo khoa theo hình mẫu nước ngoài hẳn sẽ được nhiều người ủng hộ, nhưng có lẽ ít ai trong số họ từng được tận mắt nhìn thấy và trải nghiệm qua nền giáo dục phổ thông của nước ngoài. Thực ra, vai trò của sách giáo khoa trong phong cách giáo dục của các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ không hoàn toàn giống với chức năng của sách giáo khoa trong giáo dục Việt Nam. Học sinh Việt Nam đi học quên sách chẳng khác nào đi cày quên trâu, đây là câu nói ưa thích của các thầy cô đối với những cô cậu học trò đãng trí (điển hình là mình).
Còn ở nước ngoài? Mình đã rất ngạc nhiên khi thầy giáo bảo trừ khi thầy thông báo trước, nếu không thì học sinh chẳng cần mang sách giáo khoa đi làm gì. Vì sao vậy? Thứ nhất, sách giáo khoa của họ được tổ chức theo chủ đề chứ không theo tiết học, vì thế vai trò dẫn dắt của giáo viên sẽ lớn hơn nhiều, bởi họ phải chủ động quyết định giáo trình thay vì ỉ lại vào nội dung, thứ tự sách giáo khoa vạch sẵn. Như vậy, sách giáo khoa chỉ phục vụ cho việc cung cấp thông tin bổ sung, dẫn chứng thay vì làm “khung xương” chống đỡ tiết học.
Thế nên, việc “nhảy cóc” từ trang mười mấy sang trang một trăm mấy chục là chuyện hoàn toàn bình thường! Một lý do khác nữa cho việc vì sao học sinh nước ngoài không mang theo sách giáo khoa mọi lúc, mọi nơi là vì...sách giáo khoa nước ngoài được in bằng giấy chất lượng cao, bìa cực dày nên nặng trịch, sức đâu mà vác! Nghe qua cứ tưởng là lý do tầm phào nhưng thực chất lại phản ánh tầm nhìn xa của giáo dục nước ngoài: chất lượng in ấn tốt nghĩa là hạn sử dụng của sách dài, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đòi hỏi sự ổn định và bao quát của nội dung sách. 
Như vậy, để học sinh và giáo viên làm quen và bắt nhịp với phương pháp học mới, sách giáo khoa mới không phải là điều hiển nhiên. Những tiết học mà học sinh không cần học cũng biết được nội dung, giáo viên không cần soạn bài mà chỉ cần cầm sách giáo khoa lên đọc chính tả sẽ không còn nữa, khi mà sách giáo khoa không còn được tổ chức theo tiết học với các mục một lớn, một nhỏ, hai lớn, hai nhỏ, vanh vách từ đầu đến cuối. Thiết nghĩ, những khoá tập huấn phương thức giảng dạy mới cho giáo viên sẽ là cần thiết để đảm bảo khai thác triệt để sách giáo khoa cải cách. Bởi nếu đưa cho người nông dân cái máy cày mà không chỉ dẫn cách sử dụng, thì thà cứ để con trâu đi trước, cái cày theo sau còn hơn! 
Suýt nữa thì quên liệt kê các bậc phụ huynh vào danh mục những người bị ảnh hưởng bởi cải cách sách giáo khoa. Chả là hồi mình đi học, bố mẹ mình chuyên môn lấy sách giáo khoa của mình ra làm sách gối đầu giường để nghiên cứu, giải thích cho mình. Ấy thế mà vẫn có khi cãi nhau, giận nhau vì bất đồng phương pháp, ghê không? Nếu cải cách sách giáo khoa rồi, các bố mẹ cũng phải chào thua trước sách giáo khoa kiểu mới, lúc ấy lấy ai giải bài tập hộ các cháu học sinh đây? Ôi chao là nan giải!
Hải Triều (Email từ Paris)

Tin mới