Cận cảnh vài vườn còn sót lại ở 'thủ phủ' cam Vinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Trước đây, vào thời điểm này, cam Vinh đã được người dân bày bán hai bên Quốc lộ 48, đoạn qua xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp. Nhưng nay, tuyệt nhiên không có cảnh này. Chạy xe dọc các trục đường vào “thủ phủ” cam Vinh, thật hiếm mới gặp được những vườn cam còn sót lại.

bna_Vườn cam còn sót lại của gia đình anh Nguyễn Đình Phong. Ảnh Xuân Hoàng.jpg
Vườn cam Vinh còn sót lại của gia đình anh Nguyễn Đình Phong ở xóm Thọ Thành, xã Minh Hợp. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo chân một cán bộ của Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Xuân Thành, chúng tôi tìm đến một số vườn cam Vinh còn sót lại trên vùng đất Minh Hợp. Phải mất gần 1 buổi, chúng tôi mới tìm được đường đến với vườn cam của anh Nguyễn Đình Phong ở xóm Thọ Thành.

Anh Phong cho biết: Ở đất này, cây cam trước đây không có cây nào sánh nổi, nhưng do cam nhiễm bệnh, thoái hóa nên phải chặt bỏ gần hết. Năm 2020 về trước, cả vườn cam trên 300 cây, thu nhập cả trăm triệu đồng/năm, nhưng gia đình đành phải chặt bỏ trong tiếc nuối, vì cây đã bị nhiễm bệnh, cứ đến vụ là rụng hết quả. Hiện gia đình tôi chỉ để lại gần 100 cây cam Valencia (V2) trồng xen cây ngắn ngày, nhưng cam vẫn kém chất lượng; khi vào vụ, thương lái chỉ mua với giá trên dưới 5.000 đồng/kg.

bna_vườn cam của gia đình ông Nguyễn Chí Hoà. Ảnh Xuân Hoàng.jpg
Ông Nguyễn Chí Hòa tiếp tục chăm sóc vườn cam, dù chất lượng kém, hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Ảnh: Xuân Hoàng

“Những diện tích cam đã chặt bỏ, gia đình trồng đu đủ, cà dừa, bí xanh… hàng năm thu nhập cả trăm triệu đồng. Tuy so với trồng cam trước đây thì không thể bằng, nhưng giờ cây cam thoái hóa nên buộc phải chuyển đổi sang cây trồng khác.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Chí Hòa ở xã Minh Hợp đang cố gắng chăm sóc 65 cây cam V2 còn lại. Quan sát cho thấy, vườn cam dù được gia đình chăm sóc khá chu đáo từ hệ thống tưới nước, bón phân, làm cỏ… nhưng cây cam vẫn còi cọc, ít quả và quả nhỏ.

bna_người dân trồng đu đủ xen những trong vườn cam còn sót lại. Ảnh Xuân Hoàng.jpg
Trong những vườn cam còn sót lại ở "thủ phủ" cam Vinh, bà con trồng xen nhiều loại cây khác nhau, trong đó có đu đủ. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Chí Hòa cho hay, biết là hiệu quả kinh tế thấp, nhưng gia đình vẫn để lại chăm sóc. Đến mùa thu hoạch, thương lái vào tận vườn thu mua với giá 3.000 - 5.000 đồng/kg, mỗi vụ thu về chỉ khoảng 15 triệu đồng. “Trồng không ăn thua, có thể cuối năm nay gia đình tôi cũng sẽ chặt bỏ hết vườn cam để trồng mía như người ta” - ông Nguyễn Chí Hòa chia sẻ.

Trên các trục đường nội vùng cam, những đám ngô sinh khối, mía nguyên liệu, dưa chuột, bí xanh, cà dừa… xanh tốt, nhiều hộ đầu tư cả hệ thống tưới phun mưa để chăm sóc. Ông Nguyễn Công Biên - chủ một vườn ngô cho hay, sau khi chặt hết vườn cam bị nhiễm bệnh, gia đình chuyển sang trồng ngô sinh khối. Tận dụng giếng nước đào sẵn và máy bơm trước đây, gia đình lắp đặt hệ thống tưới phun mưa hết hơn 10 triệu đồng để tưới cho ngô. Do trồng ngô sinh khối thời gian chăm sóc ngắn, nên mỗi năm thu hoạch 3 vụ bán cho doanh nghiệp. Với gần 1 ha này, mỗi năm thu về trên 150 triệu đồng.

bna_cam.jpg
Những vườn ngô sinh khối thay thế vườn cam trước đây. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo số liệu của Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Xuân Thành, cao điểm đơn vị có gần 1.000 ha cam, nhưng hiện tại chỉ còn lại 8 ha cam và 40 ha quýt. Tuy nhiên, số diện tích cam này có chất lượng kém, để tìm ra một vườn cam đúng nghĩa cam Vinh thì không có nữa.

Ông Quán Vi Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp khẳng định: Là “thủ phủ” của cam Vinh, từ chỗ 3.000 ha năm 2020 xuống còn 1.500 ha năm 2021, đến thời điểm này, cả huyện chỉ còn vài chục ha. Vấn đề ở chỗ là những vườn cam còn sót lại không có chất lượng, mặc dù bà con vẫn chăm sóc. Do vậy, huyện không khuyến khích bà con duy trì những diện tích cam kém chất lượng, mà nên chuyển sang trồng cây khác hiệu quả hơn.

Tin mới