Cận Tết, giá lợn hơi vẫn ở mức thấp, người chăn nuôi thua lỗ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Mặc dù đã cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 - cao điểm để xuất chuồng nhưng giá lợn vẫn ở mức thấp khiến người chăn nuôi lo lắng. Nhiều hộ lo “mất Tết” khi chăn nuôi thua lỗ.
Nhiều hộ chăn nuôi tái đàn lớn để cung ứng cho thị trường Tết với dự đoán là sức mua tăng, giá tăng... Ảnh: Thanh Phúc

Nhiều hộ chăn nuôi tái đàn lớn để cung ứng cho thị trường Tết với dự đoán là sức mua tăng, giá tăng... Ảnh: Thanh Phúc

Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, từ tháng 8/2022, chị Nguyễn Thị Tuyết, Thanh Lâm (Thanh Chương) đã vào đàn với 30 con lợn siêu nạc. Nếu như các năm trước, Tết Nguyên đán là dịp thu về đợt lãi nhiều nhất trong năm khi lợn hơi dễ tiêu thụ, giá tăng cao, thế nhưng, năm nay, chị mới chỉ xuất bán 13 con, số còn lại do giá thấp nên chị đang “găm hàng” chờ giá lên.

“Năm qua, hết dịch bệnh đến thiên tai nên chăn nuôi thua lỗ. Tất cả trông vào lứa lợn bán Tết để có đồng lãi, trang trải chi phí. Thế nhưng với mức giá như hiện nay (dao động từ 52.000 - 54.000 đồng/kg) thì còn lỗ 400.000 - 500.000 đồng/con. Do đó, số lợn còn lại trong chuồng, nếu vài ngày tới giá không tăng thì ra Giêng mới xuất bán”, chị Tuyết cho biết.

Vậy nhưng, trái ngược với mọi năm, cận Tết năm nay, giá lợn hơi cầm chừng ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ. Ảnh: Thanh Phúc

Vậy nhưng, trái ngược với mọi năm, cận Tết năm nay, giá lợn hơi cầm chừng ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ. Ảnh: Thanh Phúc

Chăn nuôi với quy mô lớn, trang trại của bà Vi Thị Lá (bản Xiềng, xã Môn Sơn, Con Cuông) cũng đầu tư nuôi 300 con lợn thịt xuất chuồng vào dịp Tết. “Thông thường, Tết là cao điểm để xuất chuồng, cả năm, lứa lợn này có lãi nhất khi giá tăng cao. Thế nhưng, trái với mọi năm, giá lợn hơi năm nay xuống thấp và dịp cận Tết, lứa lợn này may mắn lắm chỉ hoà vốn chứ không có lãi. So với năm 2021, chi phí chăn nuôi lợn tăng 10-15% do giá vắc-xin, thức ăn chăn nuôi tăng nhưng giá lợn xuất chuồng lại thấp, chỉ từ 52.000 - 54.000 đồng/kg”, bà Lá cho biết.

Theo như bà chia sẻ, sở dĩ trại bà không lỗ là nhờ chăn nuôi khép kín, chủ động được con giống, thức ăn ký hợp đồng với nhà máy, lấy số lượng lớn với giá ưu đãi nên tiết giảm chi phí đầu vào.

Mặc dù thương lái vẫn thu mua với lượng lớn song giá lợn ở mức thấp, dao động từ 52.000-54.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Phúc

Mặc dù thương lái vẫn thu mua với lượng lớn song giá lợn ở mức thấp, dao động từ 52.000-54.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Phúc

Xu hướng chung mọi năm, giá lợn hơi thường tăng vào thời điểm cận Tết do nhu cầu chế biến các loại thực phẩm phục vụ mùa Tết tăng cao. Vậy nhưng, năm nay, vào cao điểm Tết, giá lợn lại xuống thấp, tiêu thụ kém hơn trong khi từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 40 - 50% trong khi chi phí thức ăn chiếm 65 - 70% giá thành sản xuất, đẩy giá thành chăn nuôi tăng cao, vượt 60.000 đồng/kg. Với mức giá lợn hơi như hiện nay, người chăn nuôi chỉ có thể cố gắng cắt lỗ, thậm chí bán tháo để vớt vát vốn, nhiều người chờ sát Tết hoặc qua Tết với hy vọng giá lợn tăng.

Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, sở dĩ cận Tết, giá lợn vẫn ở mức thấp là do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng phải thu hẹp sản xuất, sa thải lao động... khiến các bếp ăn tập trung, bếp ăn công nhân giảm công suất, chưa kể thu nhập giảm khiến người dân cắt giảm chi tiêu, nhu cầu thịt lợn vì thế cũng giảm mạnh.

Trong khi đó, giá thịt tại các chợ vẫn neo mức cao, từ 100.000-140.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Phúc

Trong khi đó, giá thịt tại các chợ vẫn neo mức cao, từ 100.000-140.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Phúc

Trong khi đó, nhiều công ty chăn nuôi FDI quy mô lớn lại tăng đàn khá nhiều. Và để kích cầu, các doanh nghiệp này buộc phải hạ giá bán xuống thấp, điều này tác động đến giá lợn hơi hiện nay.

Nghịch lý là, mặc dù giá lợn hơi đang ở mức thấp, người chăn nuôi thua lỗ nhưng giá thịt lợn tại các chợ dân sinh, siêu thị vẫn “neo” cao và có xu hướng tăng nhẹ trong thời điểm cận Tết. Theo khảo sát, hiện nay, giá thịt lợn ở các chợ dân sinh dao động từ 100.000-140.000 đồng/kg; tại các cửa hàng thực phẩm sạch, giá thịt vượt 150.000 đồng/kg. Điều này cho thấy, chi phí ở khâu trung gian vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành thịt lợn, người tiêu dùng và người chăn nuôi vẫn phải “chịu thiệt”.

Nhiều chủ trại cho biết, vài ngày tới, nếu giá lợn vẫn ở mức thấp thì sẽ đợi qua Tết mới xuất chuồng với hy vọng giá lợn tăng. Ảnh: Thanh Phúc
Nhiều chủ trại cho biết, vài ngày tới, nếu giá lợn vẫn ở mức thấp thì sẽ đợi qua Tết mới xuất chuồng với hy vọng giá lợn tăng. Ảnh: Thanh Phúc
Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, tổng đàn lợn tại thời điểm tháng 12/2022 ước đạt 960.221 con, tăng 3,16% (+29.400 con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2022 ước đạt 145.668 tấn, tăng 4,02% (+5.630 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu thịt lợn dịp Tết Nguyên đán tăng khoảng 30% so với ngày thường. Với tổng đàn hiện tại, Nghệ An có nguồn lợn thịt dồi dào phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Tin mới