Cẩn trọng khi giao dịch với DN nước ngoài qua Internet

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan khuyến cáo: Các DN Việt Nam khi liên hệ với đối tác nước ngoài qua mạng Internet để kết nối làm ăn, mua bán sản phẩm... cần hết sức cẩn thận trong giao dịch và thương thảo hợp đồng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trường hợp nghi vấn, các DN nên tham khảo cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước sở tại để biết rõ thêm về tình trạng tồn tại, đăng ký, hoạt động và tính xác thực địa chỉ của các DN đối tác công bố trên trang web hoặc các giao dịch.
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, gần đây, 1 DN Việt Nam đã bị lừa đảo khi giao dịch trên mạng Internet. Bài học của DN này sẽ giúp các DN khác cảnh giác và tìm hiểu kỹ lưỡng khi tìm bạn hàng trên mạng.
Cụ thể vụ việc như sau: 1 DN Việt Nam nhận được đơn hàng của 1 DN Hong Kong mua bia Heineken với số lượng lớn 40-50 container/tháng nên đã tìm nhà cung cấp Hà Lan có tên Newwell Commodities, địa chỉ trang web là www.newwellsco.com chuyên kinh doanh và cung cấp bia, nước ngọt, thịt gà, thịt bò, sữa bột, da động vật... có điện thoại đường dây nóng. Trên website nêu công ty là do một nhóm nông dân thành lập nên.
P
DN Việt Nam đã liên hệ trao đổi qua email và thỏa thuận mua bia Heineken từ DN Hà Lan này, đặt cọc trước 30%.
Khi DN Việt Nam nhận được bộ chứng từ giao hàng (giả) thì không thấy có tên tàu vận chuyển, số container, nên đã yêu cầu công ty Newwell Commodities cung cấp các chi tiết này. Nhưng công ty Newwell Commodities trả lời: DN Việt Nam phải thanh toán tiền vận tải thì mới cung cấp các thông tin nói trên.
DN Việt Nam thấy nghi ngờ nên đã nhờ Thương vụ tìm hiểu. Thương vụ Hà Lan đã đến tận địa điểm công ty Hà Lan đăng ký trong các giao dịch với DN Việt Nam để xác minh sự tồn tại của công ty này, thì được biết, đây là địa chỉ của một công ty xây dựng có tên hoàn toàn khác.
Đại diện công ty xây dựng cho biết, trước cũng đã có người đến tìm công ty về việc tương tự. Ai đó đã lợi dụng địa chỉ của công ty xây dựng tại Hà Lan và còn lập ra một công ty như thế nữa tại Mỹ. Số điện thoại không có tín hiệu; gọi vào số fax thì là số của một cá nhân nào đó.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, DN Việt Nam cũng đã chủ quan khi chỉ giao dịch qua email và dù đã gọi điện thoại một số lần không được nhưng vẫn tiếp tục giao dịch và chuyển tiền đặt cọc. Chỉ sau khi phía nước ngoài không giao hàng đúng thời hạn và nghi ngờ về chứng từ mới nhờ Thương vụ kiểm tra.
Ngoài ra, theo suy luận của Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, thì thư hỏi hàng từ Hong Kong có thể cũng là do bọn lừa đảo đưa ra. Vì theo logic, nếu khách hàng Hong Kong có nhu cầu mua bia nhiều như vậy mà hàng hóa xuất xứ Hà Lan... thì sẽ tìm nhà cung cấp chính hãng, hoặc nhà phân phối được ủy quyền hoặc có uy tín từ Hà Lan.
Theo  Chinhphu.vn

Tin mới