Cảnh báo cháy rừng đến cấp cực kỳ nguy hiểm tại Nghệ An từ ngày 6 - 15/7

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn)- Đây là giai đoạn nắng nóng cao độ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt, trong thời điểm đã xảy ra vụ cháy rừng trên địa bàn xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu đêm 3/7 vừa qua.

Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 vừa có Công văn số 593/TB-BCĐ về cảnh báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết khu vực tỉnh Nghệ An từ ngày 6/7/2023 đến ngày 15/7/2023 cường độ nắng nóng tiếp tục kéo dài, trời nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao, nền nhiệt phổ biến từ 36-39 độ C, có nơi cao hơn 39 độ C, độ ẩm tương đối thấp.

Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 (BCĐ) cảnh báo cấp cháy rừng trên các khu vực rừng địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 6/7/2023 đến ngày 15/7/2023: Từ Cấp IV- Cấp nguy hiểm đến Cấp V- Cấp cực kỳ nguy hiểm.

bna_cháy_ảnh qa.jpg
Nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An lên cấp cực kỳ nguy hiểm từ ngày 6- 15/7. Ảnh: Q.A

Trước nguy cơ hiện hữu, Ban Chỉ đạo đề nghị UBND các huyện, thành, thị; lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng tập trung cao nhất, chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng theo các Nghị định, Công điện, Chỉ thị của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Nghệ An về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các địa phương, lực lượng chức năng triển khai tốt công tác cảnh báo cháy rừng tại chòi canh lửa trên địa bàn tỉnh, theo dõi hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm. Làm tốt công tác cảnh báo, dự báo cấp cháy rừng sớm đến chính quyền địa phương, chủ rừng và nhân dân để nâng cao cảnh giác, chủ động triển khai các biện pháp phù hợp để phòng cháy và chữa cháy rừng.

Chủ động tổ chức việc ký kết hiệp đồng lực lượng và phương tiện với các đơn vị quân đội, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, để thống nhất cơ chế huy động lực lượng chữa cháy rừng trong các tình huống cháy rừng lớn xảy ra; Không để xảy ra tình trạng đốt nương, rẫy, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng trên địa bàn vào những ngày có nguy cơ cháy rừng ở cấp IV và cấp V.

Khi cháy rừng xảy ra, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thành, thị có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy theo phương án đã được phê duyệt. Đối với các khu rừng gần với khu dân cư, kho tàng, khi xảy ra cháy, phải chủ động có phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và các lực lượng khi tham gia chữa cháy rừng.

bna_dọn 2.jpg
Lượng thực bì dày tại các cánh rừng là một trong những nguyên nhân khiến đám cháy lan rộng. Ảnh: Q.A

Sau khi dập tắt đám cháy, đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy và xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm theo đúng quy định.

Mới đây nhất, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra cháy rừng tại xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu vào đêm 3/7. Rất may lực lực chức năng và chính quyền địa phương đã có mặt kịp thời để dập tắt đám cháy, không để lây lan rộng. Điều đáng nói, đây cũng là địa phương đã xảy ra vụ cháy rừng quy mô lớn vào tháng 7/2020 gây thiệt hại đáng kể về rừng trên địa bàn tỉnh, do đó, công tác đảm bảo PCCC rừng luôn được đặt lên hàng đầu.

Tin mới