Những chuyến đò ngang sông Lam ở Thanh Chương luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do khách không mặc áo phao. Ảnh: Hải An

Cảnh báo nguy cơ mất an toàn tại các bến đò ngang ở Thanh Chương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tình trạng người dân khi đi trên các chuyến đò hiện vẫn thường “ngó lơ” áo phao dù tại các bến đò ngang sông Lam thuộc địa bàn Thanh Chương có trang bị đầy đủ càng làm tăng nguy cơ mất an toàn, đặc biệt khi nước sông dâng, chảy xiết mùa mưa lũ.

Clip: Hải An

Ghi nhận tại bến đò Cung bắc qua sông Lam thuộc 2 xã Cát Văn, huyện Thanh Chương và xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, thời điểm này, mưa ở thượng nguồn lớn, nước sông Lam dâng cao chảy xiết ngầu đỏ, tuy nhiên hầu hết các hành khách trên thuyền không mặc áo phao, trong khi trên thuyền đều được trang bị áo phao.

bna_van truong 3.JPG
Tại bến đò Cung bắc qua sông Lam thuộc 2 xã Cát Văn, huyện Thanh Chương và xã Trung Sơn, huyện Đô Lương hầu hết khách không mặc áo phao. Ảnh: Hải An

Chị Nguyễn Thị Lâm ở xã Cát Văn, huyện Thanh Chương - một khách qua đò cho biết: “Đò không chở quá nặng, nước sông cạn nên không muốn mặc áo phao”.

Chủ thuyền chở khách bến Đò Cung chia sẻ: Bến đò này nhu cầu đi lại của nhân dân 2 xã khá đông, mỗi ngày chở từ 35-40 chuyến qua lại. Trước khi lên thuyền chúng tôi cũng nhắc nhở khách nên mặc áo phao qua sông, nhưng cũng người mặc, người không”.

Theo quan sát, con đò không có đai lan can phòng hộ 2 bên mạn đò, nếu sóng to xe máy và người có thể tuột xuống sông rất nguy hiểm. Cơ sở hạ tầng bến đò 2 bên được đầu tư tạm bợ, bởi đến năm 2024 khi cầu Đò Cung đi vào hoạt động thì bến đò này sẽ bị xoá. Tại bến không có biển nội quy, bảng niêm yết giá công khai.

bna_van truong 4.JPG
Nhà chờ bến đò Cung không có bảng nội quy, bảng niêm yết giá công khai. Ảnh: Hải An

Điểm lên xuống của bến đò này chỉ được lát tấm ván gỗ thô sơ, mỗi khi đò cập bến, tấm ván chòng chành. Người lên xuống đò đi xe máy xuống bến phải vững tay lái nếu không có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào.

Ông Trần Văn Thảo - Chủ tịch UBND xã Cát Văn cho biết: “UBND xã Cát Văn chỉ đạo các lực lượng, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tại bến đò Cung, tuy nhiên do ý thức của một số hành khách qua sông còn kém, khi có lực lượng kiểm tra thì mặc áo phao, khi không kiểm tra thì không ai mặc áo phao”.

Cũng nằm trong tình trạng trên, bến đò Nguộc ngang sông Lam phục vụ nhu cầu cho 2 xã Ngọc Sơn và xã Thanh Chi tuy khách có ít hơn, nhưng các điều kiện đảm bảo an toàn cũng đáng báo động. Có mặt tại bến đò này, chúng tôi thấy tại đây được đầu tư sơ sài, nhà chờ tạm bợ xiêu vẹo, biển nội quy tại bến đò Nguộc đã hoen rỉ, bị bụi cây che khuất. Các chuyến đò chở khách qua lại trên sông Lam hầu như không có hành khách mặc áo phao.

bna_van truong 2.JPG
Những chuyến đò ngang sông Lam ở Thanh Chương luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do khách không mặc áo phao. Ảnh: Hải An

Đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thanh Chương cho biết thêm: Toàn huyện Thanh Chương có 4 bến đò ngang sông Lam, mới đây ngành chức năng đóng cửa bến đò Già, nên hiện chỉ còn 3 bến đò gồm: Bến đò Nguộc xã Ngọc Sơn, bến đò Cung xã Cát Văn, bến đò Phuống xã Thanh Yên. Theo kế hoạch năm 2024, sau khi cầu Đò Cung đi vào hoạt động, ngành chức năng sẽ đóng cửa bến Đò Cung xã Cát Văn.

bna_van truong 5.JPG
Bến đò Nguộc xã Ngọc Sơn, Thanh Chương được đầu tư tạm bợ. Ảnh: Hải An

Thời gian tới, huyện Thanh Chương sẽ chỉ đạo các ngành chức năng và các xã tăng cường công tác tuyên truyền cho hành khách và chủ đò thực hiện nghiêm việc mặc áo phao. Tiếp tục hướng dẫn, nhắc nhở các chủ đò sớm bổ sung, khắc phục những thiếu sót, tồn tại. Bên cạnh đó các lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động nếu bến đò nào vi phạm quy định, nhằm hạn chế TNGT đường thuỷ từ hoạt động chở khách gây ra./.

Tin mới