Cấp giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp: Khó do thiếu kinh phí

(Baonghean) - Giao đất giao rừng cho người dân là một trong những chủ trương được Chính phủ ban hành với mục tiêu “làm cho mỗi khu đất, mỗi cánh rừng, mỗi quả đồi đều có người làm chủ”. Tuy nhiên, tiến độ giao đất rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế rừng...

Thời gian qua, UBND tỉnh đã có quyết định rà soát, bóc tách đất rừng tại các nông, lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ  để chuyển đổi và trả lại một phần diện tích đất rừng giao cho các huyện quản lý, giao lại cho nhân dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này tiến độ giao đất cho nhân dân ở các địa phương còn chậm. Tại xã Châu Bình-Quỳ Châu, sau khi xảy ra việc người dân tự ý vào các khu đất của các lâm trường chặt phá, lấn chiếm đất, UBND tỉnh đã chỉ đạo Lâm trường Cô Ba giao 1.800 ha đất cho địa phương quản lý, giao cho các hộ dân của 2 xã Châu Bình và Châu Hạnh. Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng bản 32 cho biết: UBND xã Châu Bình chỉ mới bàn giao tạm cho bản 32 với 89 ha/235 hộ dân. Trong khi bà con đang rất cần được chia lô, chia thửa sớm để nhận đất quản lý, sản xuất. Bất cập trong quá trình giao đất ở đây là đất không giao “thuận canh, thuận cư” mà giao cách địa điểm 3 - 4 km nên gặp không ít khó khăn. 

Ông Kim Văn Duyên, Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho hay: Xã Châu Bình đã được nhận 1.135 ha đất rừng từ Lâm trường Cô Ba, tuy nhiên mới chỉ tổ chức giao cho dân được hơn 100 ha, hiện đang làm thủ tục để giao cho 96 hộ của bản Kẻ Can. Nguyên nhân giao đất lâm nghiệp cho người dân chậm là do phải đo đạc bằng thủ công. Ngoài 2 cán bộ địa chính xã, còn lại là cán bộ các ngành khác, non yếu chuyên môn nghiệp vụ đo đạc; địa thế núi rừng rộng lớn hiểm trở, ảnh hưởng đến tiến độ. 
Theo rà soát, huyện Quỳ Châu cần bàn giao 15.000 ha đất rừng cho dân. Theo lộ trình của UBND huyện Quỳ Châu đến 30/6/2014 là hoàn tất việc giao đất cho dân, nhưng đến thời điểm này chỉ mới giao được 2000 ha/15.000 ha. Nguyên nhân là việc giao thực địa rất khó khăn, chưa có dụng cụ máy móc hỗ trợ chủ yếu phải trèo đèo lội suối đo đạc thủ công theo hình thức “tạm tính”. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và phải huy động hết các ban, phòng với nhiều cán bộ không chuyên trách nên nghiệp vụ hạn chế. Huyện đang kiến nghị với UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí để thực hiện công tác đo đất lâm nghiệp. Theo dự tính, kinh phí đo đạc khoảng trên 16 tỷ đồng. 
Hạt kiểm lâm Quế Phong phối hợp với chính quyền xã Tiền Phong (Quế Phong) giao đất lâm nghiệp cho bà con.
Hạt kiểm lâm Quế Phong phối hợp với chính quyền xã Tiền Phong (Quế Phong) giao đất lâm nghiệp cho bà con.
Hiện nay, một số địa phương đã được giao đất lâm nghiệp nhưng chủ yếu đang sử dụng sổ “lâm bạ trắng” mà chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Nguyễn Văn Bá, xóm 14, xã Diễn Đoài (Diễn Châu) cho biết: Gia đình ông có 22,1 ha được cấp sổ “lâm bạ trắng” từ những năm 1995. Hiện, rất mong được Nhà nước giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để yên tâm quản lý sản xuất. Diện tích đất trên lâu nay chủ yếu trồng keo, bạch đàn chưa phát huy hiệu quả. Mới đây đã có một số doanh nghiệp vào khảo sát muốn đầu tư để trồng rừng nguyên liệu theo hướng thâm canh nhưng do chưa có “bìa đỏ” nên họ đã không dám đầu tư. 
Ông Bùi Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Diễn Đoài phản ánh: Diễn Đoài hiện có trên 400 ha đất lâm nghiệp, trong đó có trên 200 ha giao cho nhân dân quản lý theo bìa lâm bạ được cấp từ những năm 1994-1995. Đến thời điểm này, toàn xã chỉ mới chuyển từ bìa lâm bạ sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 30 hộ dân/23,65 ha. Nguyên nhân là do vướng mắc các thủ tục, đặc biệt là thiếu kinh phí đo đạc dẫn đến tình trạng chậm cấp giấy quyền sử dụng đất lâm nghiệp. 
Toàn huyện Diễn Châu hiện có khoảng 7.400 ha đất lâm nghiệp, nhưng trên 80% diện tích người dân đang sử dụng “lâm bạ trắng” chưa được cấp bìa đỏ, chủ yếu tập trung ở các xã Diễn Lâm, Diễn Đoài, Diễn Phú… Theo ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường Diễn Châu thì lý do chậm chuyển từ bìa lâm bạ sang giấy quyền sử dụng đất cũng là do thiếu kinh phí, ước tính để đo diện tích trên tốn khoảng 11 tỷ đồng. 
Tại huyện Nghi Lộc, đến thời điểm này đã cấp được 550 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tương đương trên 2.300 ha đất lâm nghiệp, hiện còn gần 2.000 ha bà con đang sử dụng “lâm bạ trắng”. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho hay: Hiện nay toàn tỉnh còn khoảng trên 25.000 ha đất lâm nghiệp chưa bàn giao được cho dân, tập trung các huyện Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong và Kỳ Sơn. Hầu hết các huyện trên đã lập hồ sơ phê duyệt kinh phí về vấn đề giao đất lâm nghiệp nhưng tỉnh chưa có kinh phí. Chủ yếu nguồn kinh phí này phục vụ cho giao đất đo đạc, bản đồ địa chính. Để tháo gỡ vướng mắc về vốn một số huyện đang triển khai thuê các đơn vị tư vấn bỏ kinh phí ra để đo đạc trước, xin được nguồn kinh phí sẽ trả lại sau, song gặp không ít khó khăn.
Để rừng có chủ thực sự, gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo điều kiện để người dân bảo vệ được rừng, yên tâm quản lý, đầu tư phát triển rừng trên diện tích rừng được giao, thì những khó khăn, vướng mắc trên cần sớm được tháo gỡ. 
Văn Trường

Tin mới