Cập nhật kiến thức về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại cho các doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Nhằm cập nhật kiến thức và kỹ năng pháp luật về giải quyết tranh chấp cho các doanh nghiệp, sáng 04/11, tại TP Vinh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị đối thoại về cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.

Dự hội nghị có bà Phan Thị Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy Khối.

Cùng dự có đại diện các ban, sở ngành cấp tỉnh, các ủy viên Uỷ ban kiểm tra và gần 200 đại diện cấp ủy cơ sở, lãnh đạo và cán bộ pháp chế doanh nghiệp; văn phòng Luật sư trên địa bàn.

bna_Ngô Đình Viện.jpg
Đồng chí Ngô Đình Viện - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Nguyễn Hải

Phát biểu khai mạc hội nghị, đại diện Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh nêu rõ sự cần thiết của việc bổ sung kiến thức và quy định của pháp luật về cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại khi nước ta ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.

Tại Nghệ An, với chính sách thu hút đầu tư ngày càng rộng mở, tỉnh đang thu hút nhiều dự án FDI vào kinh doanh nên nguy cơ các doanh nghiệp đối mặt với các tranh chấp thương mại quốc tế hay có yếu tố nước ngoài ngày càng tăng… Kiện tụng, tranh chấp là điều không doanh nghiệp nào muốn nhưng các doanh nghiệp cần chủ động, sẵn sàng lựa chọn cách giải quyết.

bna_đai biểu dự.jpg
Các đại biểu dự hội nghị đối thoại. Ảnh: Nguyễn Hải

Tiếp đó, hội nghị được Tiến sĩ Trần Minh Sơn - Thành viên Ban quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành (Bộ Tư pháp), Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giới thiệu các tình huống cụ thể về tranh chấp nội bộ hay bản quyền sở hữu trí tuệ, giá trị thương hiệu… mà các doanh nghiệp thường gặp phải trong thực tiễn; Giải đáp các nội dung thực hiện pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại; Quá trình thụ lý, giải quyết các yêu cầu liên quan đến trọng tài thương mại; Pháp luật trọng tài thương mại về tổ chức và tố tụng trọng tài; Hệ thống pháp luật về hòa giải thương mại tại Việt Nam; Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trực tuyến trong lĩnh vực thương mại điện tử…

bna_Trần Minh Sơn.jpg
TS. Trần Minh Sơn - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cập nhật kiến thức cho các đại biểu, doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh giải đáp các tình huống thực tiễn mà các doanh nghiệp kiến nghị, chuyên gia cũng phân tích làm rõ hơn mặt được và chưa được trong xét xử tranh chấp bằng trọng tài thương mại hiện nay.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi xảy ra tranh chấp có 3 con đường giải quyết là tòa án xử, qua hòa giải và qua trọng tài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam thường chọn Tòa án xét xử nên mất thời gian chờ đợi. Mặt khác, một số Trung tâm trọng tài còn thiếu tính chuyên nghiệp và chưa hiệu quả; doanh nghiệp còn lúng túng khi xảy ra tranh chấp, nhất là giải quyết bằng con đường trọng tài; hiện các giao dịch thương mại điện tử phát triển ngày càng đa dạng nhưng các doanh nghiệp dường như chưa sẵn sàng…

Luật Trọng tài thương mại được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2010. Sau 12 năm thực hiện, cả nước có 42 Trung tâm trọng tài thương mại với khoảng 700 trọng tài viên, trong đó có 1 số trọng tài viên nước ngoài; 01 văn phòng đại diện của Uỷ ban trọng tài thương mại Hàn Quốc đăng ký tại Việt Nam./.

Tin mới