Câu chuyện về chàng kỹ sư mang sứ mệnh 'gỡ rối' cho nông dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Mang trong mình trăn trở làm sao để cây mía có thể đem lại cuộc sống ấm no cho bà con nông dân trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh, kỹ sư trẻ Cao Chiến Thuật (Công ty TNHH Mía đường Nghệ An) đã nỗ lực hoàn thành nhiều công trình khoa học chất lượng về cây trồng này. Từ thành quả đó, anh trở thành cá nhân tiêu biểu được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2022.

Đam mê gắn liền với nông nghiệp

Sinh ra tại huyện Diễn Châu, nhưng có thời gian dài sinh sống và làm việc tại huyện Quỳ Hợp, bản thân, gia đình Cao Chiến Thuật sống dựa vào cây mía, mảnh vườn nên hơn ai hết, chàng trai sinh năm 1991 này hiểu được bao vất vả, khó nhọc của bà con nông dân khi gắn sinh kế của mình vào sản xuất nông nghiệp. Yêu và đam mê với nông nghiệp, Cao Chiến Thuật thi đậu vào ngành Khoa học cây trồng tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Kỹ sư Cao Chiến Thuật (áo trắng) kiểm tra tình hình sâu bệnh và hướng dẫn người dân cách diệt trừ sâu bệnh tại vùng trồng mía xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: NVCC

Kỹ sư Cao Chiến Thuật (áo trắng) kiểm tra tình hình sâu bệnh và hướng dẫn người dân cách diệt trừ sâu bệnh tại vùng trồng mía xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: NVCC

Những ngày còn là sinh viên, Cao Chiến Thuật đã tự trang bị cho mình kiến thức về cây trồng bằng những chuyến đi thực tế dài ngày, cùng ăn, cùng ở với bà con ở các địa phương trong cả nước. Ở đâu, anh cũng chú ý đến cây mía với những đặc tính, cách thức chăm bón, quy trình thu hoạch.

Năm 2015, Cao Chiến Thuật thi tuyển vào Công ty TNHH Mía đường Nghệ An và được bố trí làm việc tại bộ phận Nghiên cứu và Phát triển. Đây là cơ hội để chàng kỹ sư trẻ thể hiện khả năng của mình, hỗ trợ và gắn bó lâu dài cùng bà con trồng mía.

Thuật và bộ phận của anh được giao nhiệm vụ khảo nghiệm các giống mía, xây dựng các mô hình phát triển giống mía tại địa phương, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật giúp nông dân tăng năng suất, lợi nhuận trên cơ sở chi phí bỏ ra thấp nhất. Đây là công việc khó, đòi hỏi kinh nghiệm lẫn kiến thức chuyên môn vững.

Nhìn cây mía phát triển khỏe mạnh, đạt năng suất cao là niềm vui và động lực để kỹ sư Cao Chiến Thuật và đồng nghiệp cố gắng đồng hành cùng bà con mỗi ngày. Ảnh: NVCC

Nhìn cây mía phát triển khỏe mạnh, đạt năng suất cao là niềm vui và động lực để kỹ sư Cao Chiến Thuật và đồng nghiệp cố gắng đồng hành cùng bà con mỗi ngày. Ảnh: NVCC

Thời điểm đó, bà con trồng mía trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn vẫn đang canh tác các giống cũ như MY 5514, QD 93-159 hoặc ROC 10. Theo thời gian, những giống mía này dần bộc lộ nhiều khuyết điểm như năng suất kém, độ đường giảm, thời gian lưu gốc chỉ có 2 - 3 năm và còn dễ bị sâu bệnh.

Thực trạng này khiến cho bà con trồng mía gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, đã có những hộ dân phá bỏ cây mía để trồng cây khác. Cùng với đó, giống mía khảo nghiệm KK3, dù được nhiều người kỳ vọng khi đưa vào sản xuất đại trà nhưng cũng không đạt được kết quả như ý muốn.

Kỹ sư Cao Chiến Thuật (thứ 2 phải sang) nhận Bằng Lao động sáng tạo năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng. Ảnh: Thanh Quỳnh

Kỹ sư Cao Chiến Thuật (thứ 2 phải sang) nhận Bằng Lao động sáng tạo năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng. Ảnh: Thanh Quỳnh

Trước thực tiễn đó, Ban Giám đốc Công ty hết sức trăn trở và giao cho bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Thuật cần tìm ra những giải pháp khắc phục tình trạng trên. Bằng những kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức đã học được, Cao Chiến Thuật nhận ra, bản thân giống mía này có rất nhiều ưu điểm và phù hợp với điều kiện của các huyện miền núi Nghệ An.

Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch, cách thức bón phân để mang lại hiệu quả cao cho các diện tích canh tác lại chưa được khoa học. Từ nhận định này, Thuật đã cùng đồng nghiệp trực tiếp trồng và nghiên cứu giống mía KK3 tại vùng trồng của công ty. Sau 2 năm miệt mài với công trình của mình, kỹ sư Cao Chiến Thuật đã tìm ra lời giải cho bài toán cải tiến quy trình chăm sóc giống mía này. Từ đó, anh đồng hành với bà con để chuyển giao khoa học, kỹ thuật, từng bước hướng dẫn cho người nông dân phương án tối ưu trong cách chăm sóc, thu hoạch cây trồng để mang lại lợi ích tối đa.

Bằng Lao động sáng tạo năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng kỹ sư Cao Chiến Thuật. Ảnh: Thanh Quỳnh
Bằng Lao động sáng tạo năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng kỹ sư Cao Chiến Thuật. Ảnh: Thanh Quỳnh

Nhờ vậy, trong những năm qua, giống mía KK3 đã đạt năng suất bình quân từ 80 - 100 tấn mỗi ha canh tác. Thậm chí, tại một số địa bàn thuộc vùng bãi của xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Đàn) đã đạt năng suất lên tới 160 tấn mỗi ha. Khả năng lưu gốc đã lên tới 5 - 6 năm. Chi phí mỗi lần trồng mía là rất cao nên việc đạt được thời gian lưu gốc dài như vậy đã đem đến niềm vui lớn cho bà con nông dân. Nhìn những nụ cười, những vụ mía bội thu về với bà con, Cao Chiến Thuật cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm. Bởi mình đã thực hiện được những tâm nguyện mà bản thân đã tự hứa ngay từ lúc bước vào nghề.

Công trình nghiên cứu của kỹ sư Cao Chiến Thuật cùng các đồng nghiệp đã đạt giải A cuộc thi Sáng kiến cải tiến năm 2021 của Công ty TNHH Mía đường Nghệ An tổ chức. Đồng thời, đây cũng là đóng góp quan trọng giúp anh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2022.

Người chuyên “gỡ rối” cho nông dân

Cao Chiến Thuật tâm sự, những ngày đầu nhận công tác, xuống tận vùng trồng tư vấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho bà con, nhiều nông dân còn e dè, ngại trao đổi khi thấy mình trẻ tuổi. Bên cạnh đó, nhiều người trồng mía vẫn duy trì các phương pháp canh tác truyền thống chứ chưa mặn mà với việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Vì vậy, mình phải chịu khó gần gũi, thường xuyên xuống tận mô hình để tận tình hướng dẫn, giải thích cặn kẽ những lợi ích thiết thực của việc ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất.

Nhờ bám vườn, lội ruộng nên Cao Chiến Thuật đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân để kiến nghị tới công ty tìm ra phương hướng giải quyết. Theo thời gian, Cao Chiến Thuật đã dần có được niềm tin của bà con và được gọi bằng một cái tên hết mực gần gũi: “Kỹ sư gỡ rối cho nông dân”.

Kỹ sư Cao Chiến Thuật (giữa) cùng các đồng nghiệp tại diện tích canh tác giống mía KK3. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Kỹ sư Cao Chiến Thuật (giữa) cùng các đồng nghiệp tại diện tích canh tác giống mía KK3. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sự “gỡ rối” ấy được thể hiện rõ nhất vào vụ mía năm 2018 tại vùng trồng mía của bà con xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Đàn). Năm đó, sau khi thu hoạch xong diện tích canh tác giống mía KK3 gần 2 tháng mà không thấy mầm mía lên, bà con đã rất lo lắng. Nghĩ rằng, giống mía có vấn đề, không thể tiếp tục lưu gốc nên nhiều người đã rất buồn và có ý định phá bỏ diện tích này. Nếu phá bỏ, sẽ tiêu tốn một lượng kinh phí lớn để đầu tư cho vụ mới khi thời gian lưu gốc chưa hết. Và buồn hơn, đó chính là một sự chối bỏ một giống mía chất lượng như KK3.

Ngay sau khi nắm được tình hình, Cao Chiến Thuật lập tức có mặt tại vùng trồng mía của bà con để làm rõ những đặc tính của giống mía này. Đồng thời, phân tích những lý do khiến cho cây ra mầm chậm để tìm phương pháp giải quyết. Cùng với đó, anh cùng các đồng nghiệp đứng ra cam kết rằng, những diện tích này có thể tiếp tục lưu gốc. Và rồi, niềm vui đã đến, sau gần 3 tháng chờ đợi, những diện tích mía đã được phủ xanh bởi những chồi non tươi tốt. Vụ mía ấy tiếp tục thắng lợi, đem về sản lượng trên 100 tấn mỗi ha. Nhờ được kỹ sư hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật và “bắt mạch” được nhiều chứng bệnh gây hại trên cây mía nên bà con ngày càng an tâm canh tác.

Sau những chuỗi ngày gắn bó cùng người trồng mía, Cao Chiến Thuật bộc bạch: "Sau một vụ mùa dù thành công hay thất bại thì người nông dân vẫn luôn tin vào một khởi đầu mới. Niềm tin đó giúp cho tôi có thêm động lực để cống hiến từng ngày cùng với bà con trên mảnh đất này".

Tin mới