Cây sắn dây "bén" đất Tân Kỳ

(Baonghean) - Cây sắn dây mặc dù đã được người dân Tân Kỳ trồng cách đây hàng chục năm, nhưng do không được áp dụng KHKT nên hiệu quả thấp, chất lượng không đảm bảo. Từ năm 2013, UBND huyện Tân Kỳ có chủ trương phát triển cây sắn dây thành hàng hóa, với mục tiêu thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm…

Vượt qua trên 5 km từ ngã tư Đồng Lau, chúng tôi đến gia đình ông Đinh Văn Tùng ở xóm Tiến Đồng, xã Đồng Văn, là một trong những mô hình trồng cây sắn dây của huyện. Ngôi nhà của ông Tùng nằm giữa một khoảng đất ven đồi khá rộng, xung quanh là rừng núi. Quanh nhà ông có hàng loạt cây cảnh, ao cá, rau xanh và một vườn sắn dây. 
Ông Tùng hồ hởi cho biết, ông vào ở đây từ năm 1984, với diện tích đất được Nhà nước giao cho ông quản lý, gồm 4 ha đất sản xuất, bảo vệ 8,7 ha rừng tự nhiên và 8,3 ha đất lâm nghiệp, nay đã trồng rừng khép tán. Với cây sắn dây, đầu năm 2014, ông nhận 380 cây giống từ Hội Làm vườn huyện để trồng trên diện tích 0,5 ha đất bãi ven đồi. Đây là thực hiện mô hình trồng sắn dây của huyện nên được huyện hỗ trợ cây giống và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Cách trồng sắn dây, theo như ông Tùng cho biết là khá đơn giản. Trước khi đưa cây giống về, ông đào 380 cái hố, mỗi hố rộng vuông viên 1,2 m, sâu 60 cm. Đào hố xong, bỏ bã mía, trấu, lá cây và 40 kg phân chuồng vào mỗi hố. Trên cùng, dùng 4 kg phân NPK trộn với đất, sau đó vun thành ụ đất lên mặt đất, cao khoảng 70 cm. Khi đặt cây giống, không để rễ tiếp xúc với phân.
Trong quá trình trồng và chăm sóc, nếu thời tiết nắng khô, cứ 2 ngày tưới một lần nước. Sau khi cây phát triển được 1 tháng trở lên, không cần tưới nữa. Trong quá trình cây sắn dây phát triển, phải làm giàn ngay từ khi dây bắt đầu leo. Làm giàn chỉ cần 3 - 4 cái cọc, có nhiều nhánh để dây dễ leo. Trong quá trình chăm sóc, mình phải thường xuyên theo dõi sâu bệnh và nếu phát hiện dây nào bò xuống mặt đất, phải nhấc lên giàn, mục đích là không cho cây nuôi nhóm rễ đó, mà tập trung chất dinh dưỡng nuôi củ. Qua 1 vụ cho thấy, đặc điểm của cây sắn dây là dễ chăm sóc, hầu như không có sâu bệnh gì.
Thu hoạch sắn dây tại gia đình ông Đinh Văn Tùng, xóm Tiến Đồng, xã Đồng Văn (Tân Kỳ).
Thu hoạch sắn dây tại gia đình ông Đinh Văn Tùng, xóm Tiến Đồng, xã Đồng Văn (Tân Kỳ).
Nói rồi, ông Tùng vác cái mai lên vai, dẫn chúng tôi đến vườn sắn dây để đào thử mấy ụ. Ông vạch lá, đào thử 3 ụ, dưới lớp đất tơi xốp, chỉ cần đào ít nhát là tới củ. Mỗi gốc một chùm 4 - 5 củ, củ nào cũng to bằng bắp tay trở lên, dài tới 30 - 70 cm. Ông Tùng cho biết thêm, không phải bây giờ mới đào thử, cách đây 1 tháng ông đã từng đào thử nhiều gốc ở nhiều điểm khác nhau, qua đào thử, gốc nào cũng nhiều củ, ước tính, mỗi gốc như vậy khoảng 15 kg củ. Giá bán củ sắn dây hiện nay 10.000 đồng/kg, vậy thì vườn sắn dây của ông Tùng năm nay ước thu hoạch khoảng 5 tấn củ, tương đương 50 triệu đồng. 
Cây sắn dây được huyện Tân Kỳ đưa vào chủ trương phát triển kinh tế hộ từ năm 2013, với mục tiêu thu hoạch 100 triệu đồng/ha/năm. Năm 2013, huyện tổ chức cho Hội Làm vườn huyện và một số gia đình đi tham quan học hỏi kinh nghiệm và đặt mua cây giống ở huyện Nam Đàn, sau đó về trồng thử 4 ha, cho thu nhập khá cao. Sang năm 2014, huyện mở rộng trồng ở 6 xã, với quy mô 8 ha, gồm: Đồng Văn 1 ha, Nghĩ Phúc 0,5 ha, Giai Xuân 0,5 ha, Kỳ Tân 1 ha, Nghĩa Bình 0,5 ha và Nghĩa Hợp 4,5 ha. Còn 2 tháng nữa là đến vụ thu hoạch sắn dây, theo báo cáo của Hội Làm vườn huyện (là đơn vị thực hiện mô hình), cây sắn dây phù hợp với đất đai vùng ven đồi của huyện Tân Kỳ, đạt năng suất, sản lượng cao, ước tính trồng 1 ha sắn dây có thể đạt từ 120 - 150 triệu đồng/năm. 
Với năng suất, sản lượng và diện tích như vậy, cây sắn dây ở Tân Kỳ đã dần hình thành mặt hàng nông sản có giá trị cao. Trước khi trồng, một số chủ cơ sở chế biến bột sắn dây ở huyện Nam Đàn đã đặt bao tiêu sản phẩm củ sắn dây cho huyện Tân Kỳ. Thấy được hiệu quả của cây sắn dây, năm tới huyện sẽ chỉ đạo tăng diện tích lên 20 ha, trồng ở 10 xã và tiếp tục mở rộng diện tích vào những năm tiếp theo.
 Hoàng Xuân

Tin mới