Chân dung Tổng thống đầu tiên của Ghana

(Baonghean) - Tổng thống đầu tiên của đất nước Ghana - ông Kwame Nkrumah đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính tròn 50 năm về trước. Những tham vọng đưa đất nước trở thành nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại và thống nhất toàn châu Phi của ông không thành hiện thực, nhưng người ta vẫn tôn kính và nhớ đến ông như nhà lãnh đạo có tầm nhìn và vị anh hùng dân tộc của Ghana.

Nkrumah sinh ra trong một gia đình làm nghề kim hoàn vào ngày 21/9/1909 tại Gold Coast, một trong những khu vực từng là thuộc địa của Anh. Thuở thiếu thời, Nkrumah từng theo học tại một ngôi trường Thiên chúa giáo và sau đó trở thành giáo viên trong một thời gian. 
1
Chân dung Tổng thống đầu tiên của Ghana. Ảnh: Getty Images.
Luôn ôm ấp giấc mơ được theo đuổi sự nghiệp học hành tại Mỹ, cậu thanh niên Nkrumah với xuất thân khiêm tốn đã quyết định tìm cách vượt Đại Tây Dương cập bến xứ sở cờ hoa bằng cách trốn vé lên tàu viễn dương. 10 năm sau đó, Nkrumah dành trọn thời gian sinh sống và học tập tại cường quốc hàng đầu thế giới.
Giữa thập niên 40 của thế kỷ XX, Nkrumah chuyển tới Anh và bắt đầu theo học chuyên ngành luật. Tại đây, ông dần trở thành một người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa liên Phi, ủng hộ một châu Phi hùng cường và thống nhất.
Năm 1947, sau nhiều năm ở nước ngoài, ông quyết định trở về vùng đất quê hương Gold Coast, và sớm đứng ra tổ chức các cuộc đình công, biểu tình, sau đó thành lập đảng cấp tiến Hội nghị Nhân dân (CPP) với khẩu hiệu “Giành độc lập ngay”.
Năm 1950, Nkrumah bị người Anh bắt giữ và tống giam. Một năm sau, đảng CPP giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử với số phiếu bầu áp đảo. Nkrumah được phóng thích khỏi nhà tù và được đề nghị đứng ra thành lập chính phủ. Ông trở thành Thủ tướng năm 1952 nhưng quyền lực tối cao đối với đất nước này vẫn nằm trong tay thực dân Anh.
Mãi đến năm 1957, Gold Coast giành được độc lập thì tình hình mới có sự chuyển biến. Ghana tuyên bố theo thể chế Cộng hòa vào năm 1960 và Nkrumah nhanh chóng được bầu làm vị Tổng thống đầu tiên. Khi ấy, Ghana là quốc gia xuất khẩu ca cao lớn nhất thế giới, song họ vẫn thiếu nhà máy, trang thiết bị để phục vụ hoạt động chế biến công nghiệp, khai thác tối đa các tài nguyên thiên nhiên sẵn có.
Tổng thống Nkrumah đã thành lập nhiều công ty quốc doanh, tiến hành xây dựng một hồ đập lớn phục vụ hoạt động sản xuất thủy điện, xây trường phổ thông, trường đại học và ủng hộ các phong trào giải phóng tại các thuộc địa châu Phi vẫn chưa giành được độc lập. 
2
Giờ đây, người dân Ghana có thể đánh giá lại những điều được và chưa được trong thời gian cầm quyền của ông Nkrumah. Ảnh: Internet.
Ông luôn tự nhận mình là người theo đuổi chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Marx, đấu tranh không mệt mỏi để vươn tới tầm nhìn về một châu Phi thống nhất chỉ có 1 quốc hội duy nhất. Nhà khoa học chính trị Đức Christian Kohrs nói về Nkrumah: “Khác với những nguyên thủ quốc gia khác ở châu Phi, quan ngại chủ yếu của ông Nkrumah thực sự là lợi ích của quốc gia”. 
Nhiều người cho rằng chính trị là cả cuộc đời của Nkrumah, ông không bao giờ hút thuốc, hay uống rượu, thậm chí khi được hỏi ông làm gì để giảm tải căng thẳng, Nkrumah đáp rằng ông thư giãn bằng cách làm việc. Người dân Ghana, nhất là những người nghèo và tầng lớp dưới của xã hội, hết mực tôn kính Nkrumah và xem ông như đấng cứu thế, viết lên những bài ca và lời cầu nguyện ngợi ca ông. 
Thế nhưng, trong thời gian tại vị, chính phủ của Nkrumah có xu hướng ngày một chuyên quyền hơn. Năm 1961, tức chỉ 1 năm sau khi giành độc lập, ông quyết định ban hành quy định cho phép chính phủ giam giữ người trong thời hạn lên tới 5 năm mà không cần thông qua xét xử. 
Trong khi đó, nền kinh tế của đất nước mới ra đời cũng không gặp thuận lợi, nhiều vấn đề phát sinh chồng chất. Đa phần trong số 50 công ty quốc doanh khi ấy đang hoạt động đều trong tình trạng quản lý yếu kém và thất thoát tiền nong. Nhiều dự án của ông Nkrumah bao gồm việc xây dựng những tòa nhà lớn để nâng tầm uy tín quốc gia, tuy nhiên khi hình thành lại ít khi được sử dụng.
Thậm chí, tại Accra, ông còn cho xây dựng tổ hợp hội nghị rộng lớn với dự định trở thành chỗ có đủ sức chứa cho chính phủ tương lai của một châu Phi thống nhất. Tuy vậy, năm 1963, Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU), tiền thân của Liên minh châu Phi (AU) sau này, đã bác bỏ những viễn cảnh của ông Nkrumah về chủ nghĩa liên Phi. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của AOU đã được tổ chức tại Addis Abba, Ethiopia, chứ không phải tại thủ đô Accra của Ghana.
Thế mạnh của Ghana - xuất khẩu ca cao cũng rơi vào khó khăn. Giá ca cao trên thị trường giảm mạnh, buộc Tổng thống Nkrumah đẩy các khoản thuế lên cao. Một số chuyên gia cho rằng tham vọng đem lại diện mạo mới cho đất nước cũng như toàn bộ châu Phi mà Nkrumah đặt ra rốt cuộc lại chính là điều làm ảnh hưởng đến danh tiếng của ông.
Như nhà khoa học chính trị Kohrs nhận định: “Nếu muốn hiện đại hóa đất nước, anh phải thuyết phục người dân làm theo mình. Đó là điều mà Tổng thống Nkrumah đã quên không làm. Nkrumah muốn đưa Ghana trở thành một đất nước hiện đại, nhưng ông lại muốn điều đó xảy ra quá vội vàng”.
Ngày 24/2/1966, quân đội Ghana lên kế hoạch tiến hành đảo chính ngay khi Nkrumah đang có chuyến công du cấp nhà nước tới Trung Quốc. Cuộc đảo chính thành công, và Nkrumah sau đó đã tới tị nạn tại Guinea. Năm 1972, ông qua đời tại thủ đô Bucharest của Romania sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư.
Giờ đây, tại đất nước Ghana, vẫn còn rất nhiều tượng đài Tổng thống Nkrumah nằm rải rác, nhiều con đường mang tên ông, chân dung ông cũng xuất hiện trên tem bưu chính và tiền giấy. Sau nhiều năm, người dân Ghana có cơ hội nhìn lại thời gian tại vị của Nkrumah, đánh giá những điều ông đã làm, được và chưa được, đặt trong mối tương quan với các chính quyền quân sự và dân sự kế nhiệm ông. Xét công bằng, ông vẫn là nhân vật chính trị được mến mộ và được hậu thế nhớ đến như vị anh hùng dân tộc giải phóng đất nước Ghana./.
Phú Bình
(Theo DW)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới