Chính sách trên giấy!

(Baonghean) - Phát triển bền vững đối với ngành Nông nghiệp nói chung và Nghệ An nói riêng không thể tách khỏi việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó phải kể đến việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống. Sở Khoa học & Công nghệ, Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Nghệ An đã dày công nghiên cứu, cũng như ứng dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trên địa bàn toàn tỉnh. 
Như “nắng hạn gặp mưa rào”, ngày 9/12/2011, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ra Nghị quyết số 31/2011/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm sinh học Compost Maker để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tiếp đến, ngày 17/2/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục có Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm sinh học Compost Maker để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 – 2014.
Theo đó, trong 3 năm (2012 - 2014), người nông dân mua chế phẩm sinh học Compost Maker để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh được hỗ trợ lần lượt vùng núi cao 70%, vùng núi thấp 60%, vùng đồng bằng là 50% với giá cả ổn định 24.000 đồng/kg. Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc dày công nghiên cứu của các nhà khoa học là vậy, song nghị quyết, quyết định có hiệu lực đã qua 3 năm nhưng người nông dân đâu có biết. Trong lúc cơ chế thị trường các loại phân bón, vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp liên tục tăng giá, nông dân lao đao, sản xuất nông nghiệp thua lỗ, dẫn đến tình trạng nông dân chán ruộng, bỏ hoang... Đã gọi là chính sách thì nó chỉ có thời hạn, kích cầu không thể kéo dài mãi được.
Theo số liệu của Sở KH&CN, Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Nghệ An trong 3 năm chỉ được nông dân 2 huyện Anh Sơn và Tân Kỳ áp dụng và đưa vào sản xuất, đem lại hiệu quả nhưng số tiền được giải ngân quá khiêm tốn, xấp xỉ khoảng 200 triệu đồng. So sánh trên thị trường 1 tấn phân hữu cơ sinh học các doanh nghiệp sản xuất có giá không dưới 2,5 triệu đồng, trong lúc đó 1 tấn phân do nông dân dùng chế phẩm sinh học Compost Maker cùng với tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất chỉ dao động từ 400 – 500 ngàn đồng, chất lượng được đối chứng là như nhau, chưa nói là vượt trội hơn. 
Người viết bài này đã có dịp đi rất nhiều nơi trong tỉnh, hỏi bà con nông dân thì họ bảo không biết nghị quyết, quyết định nào về hỗ trợ chế phẩm sinh học cho nông dân cả. Trong khi đó, chính sách về hỗ trợ chế phẩm sinh học Compost Maker chỉ còn một năm nay nữa là hết thời hiệu. Một chính sách sát với thực tế, được coi là hiệu quả nhưng rốt cục không phát huy hiệu quả, chỉ nằm trên giấy. Lỗi này thuộc về ai? 
Anh Sơn

Tin mới