Chổi đót Nghi Hưng

(Baonghean) - Chẳng ai nhớ rõ nghề sản xuất chổi đót ở xã Nghi Hưng (Nghi Lộc) có từ bao giờ, nhưng cho đến nay người dân trong làng từ trẻ nhỏ đến người già đều biết làm nghề, nghề truyền thống  đem lại thu nhập, ổn định đời sống cho lao động địa phương.
Sản xuất chổi đót ở Làng nghề chổi đót Xuân Sơn (xã Nghi Hưng).
Sản xuất chổi đót ở Làng nghề chổi đót Xuân Sơn (xã Nghi Hưng).
Chúng tôi về Nghi Hưng vào một ngày giữa tháng 5 nóng bỏng. Dưới mái tôn nóng rát da thịt, chị Nguyễn Thị Bính - vợ anh Hồ Văn Nhân ở xóm 10, đang thoăn thoát đan từng chân rết để chiếc chổi thật chắc bền cho đến khi quét mòn hết tua. Gia đình anh chị cũng là hộ sản xuất nhiều chổi đót nhất nhì làng nghề này. Ngoài làm nghề, anh Nhân còn lên các huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn và sang cả nước bạn Lào để mua nguyên liệu về cung ứng cho bà con sản xuất. Nhiều hộ thiếu vốn được anh Nhân cho mua nợ nguyên liệu mãi cuối mùa mới trả. Cũng nhờ tấm lòng thơm thảo của vợ chồng anh mà nhiều hộ trong làng nghề có nguyên liệu để sản xuất, đảm bảo việc làm. Mỗi mùa anh Nhân mua 100 tấn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong gia đình và cung ứng cho bà con địa phương.  
Nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu nên gia đình anh Nhân sản xuất quanh năm. Những ngày không bận làm mùa, hai vợ chồng anh và cậu con trai lớn tập trung làm được 50 chiếc chổi/ngày, với các loại chổi giá từ 25.000 – 35.000 đồng/chiếc. Cứ khoảng 5 ngày, anh Nhân lại chở một chuyến hàng đi nhập sỉ cho các đầu mối ở Thị xã Cửa Lò, TP.Vinh và một số huyện của tỉnh Hà Tĩnh. Năm nay 44 tuổi, nhưng anh đã có thâm niên làm nghề hơn 30 năm. Cái nghề cha truyền con nối này đã giúp gia đình anh phát triển kinh tế gia đình, nuôi 4 người con ăn học. Dù chưa thật giàu sang nhưng anh Nhân cũng là người có tiếng ở Làng nghề chổi đót Xuân Sơn với quy mô sản xuất chổi hàng hoá quanh năm, chuyên nhập cho các đầu mối lớn. Năm 2013, gia đình anh làm được 10.000 chiếc chổi, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, sau khi trừ chi phí mua nguyên liệu còn lãi ròng hơn 10 triệu đồng/tháng. Những dịp cuối năm, sức tiêu thụ hàng mạnh hơn, gia đình anh có mức lãi hơn 15 triệu đồng/tháng từ làm chổi đót.
Bà Nguyễn Thị Nhự người gốc Nghi Thiết, lấy chồng về Nghi Hưng đã 40 năm cũng là chừng ấy thời gian bà gắn bó với nghề làm chổi đót để có tiền nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống. Nhà đông con, làm 8 – 9 sào ruộng cũng chỉ đủ phục vụ lương thực và chăn nuôi, nghề chổi đót đã giúp gia đình bà ổn định cuộc sống. Những năm trước, khi các con chưa lập gia đình riêng, năm nào bà cũng mua 1,5 tấn đót khô để các con làm thêm. Nay nhà chỉ còn hai ông bà làm nghề, miệt mài cả ngày được 10 chiếc chổi loại I, bán với giá 35.000 đồng/chiếc, trừ chi phí mua nguyên liệu đót, mây, còn lãi ròng 170.000 đồng/ngày. Với tay nghề lâu năm, lại làm cẩn thận, sản phẩm bền đẹp, ngày nào bà Nhự cũng có khách đến đặt hàng. Người đặt mua về dùng, người mua để làm quà cho anh em ở xa tận trong Nam, ngoài Bắc. Chiếc chổi mộc mạc, giá trị chẳng đáng là bao, song nó là món quà quê giản dị thiết thực đối với mỗi gia đình.
Với kinh nghiệm 40 năm làm nghề, bà Nhự chia sẻ: Để có một chiếc chổi đẹp bền, nguyên liệu làm chổi phải là loại đót non phơi khô, tránh ẩm mốc, nhưng sợi mây buộc phải là loại mây già, dẻo, phơi khô, đảm bảo độ bền. Người làm chổi phải cẩn trọng chau chuốt từng que đót, từng nấc đan, đan chân rết rải đều chổi, càng đan nhặt chân rết đảm bảo rải đều tua đót, chổi càng chắc bền, cán chổi phải buộc néo ong mới chắc chắn, quét cho đến lúc cùn hết tua vẫn không bị sổ.
Ông Đậu Hữu Khanh - Phụ trách Làng nghề chổi đót Xuân Sơn cho biết: Nghề làm chổi đót ở Nghi Hưng có từ lâu đời, ngày xưa người dân địa phương thường vào rừng thu hái cây đót về làm chổi, đem đi bán ở các chợ phục vụ nhu cầu của bà con địa phương và các xã lân cận… Xóm 10 có 113 hộ dân, trong đó 68 hộ làm nghề chổi đót, ưu điểm của nghề này là người già, trẻ, hay các em học sinh đều có thể làm được. Làm chổi không khó nhưng đòi hỏi người sản xuất phải tỷ mỉ, cẩn trọng trong từng nấc đan thì mới có chiếc chổi đẹp, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Chổi đót Nghi Hưng chẳng bao giờ bị ế, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, người lao động chỉ băn khoăn không có vốn mua nguyên liệu để sản xuất thật nhiều.
Xã Nghi Hưng có 2 làng nghề chổi đót gồm Làng nghề chổi đót Xuân Sơn và Làng nghề chổi đót Khe Cù, với gần 120 hộ làm nghề. Trước đây, người dân ở 2 xóm làng nghề này nghèo nhất xã, những năm gần đây nghề chổi đót phát triển,  đời sống nhân dân được nâng lên, có điều kiện xây nhà ở đảm bảo, mua sắm các phương tiện phục vụ cuộc sống, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Năm 2013, cả hai làng nghề tiêu thụ hết khoảng 380 tấn nguyên liệu phục vụ sản xuất, tổng doanh thu từ nghề chổi đót khoảng 9,4 tỷ đồng, trừ chi phí sản xuất còn lãi ròng trên 3 tỷ đồng. Tuy vậy, băn khoăn nhất của  người làm nghề hiện nay là thiếu vốn để mua nguyên liệu, cây đót chỉ có một mùa trong năm, tập trung vào vài tháng đầu năm, do đó người dân cần một lượng vốn lớn để mua dự trữ. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, nếu không có giải pháp trồng nguyên liệu thì rất khó cho phát triển làng nghề trong tương lai…
Quỳnh Lan

Tin mới