Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh 5 nhóm giải pháp phát triển giáo dục - đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn)-Tham gia Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh thêm 5 nhóm giải pháp quan trọng nhằm phát triển giáo dục - đào tạo của vùng trong thời gian tới. 

Sáng 14/7, tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Về phía tỉnh Nghệ An, tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

bna_1.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hồ Lài

NHẬN DIỆN BỨC TRANH GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO VÙNG BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ

Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 29/12/2022, tại Nghị quyết số 168, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện Nghị quyết số 26. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành Chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168 của Chính phủ.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, trong thời gian qua, các địa phương trong vùng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ GD&ĐT trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

bna_img-1051-2-9489.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trình bày Báo cáo tình hình phát triển giáo dục - đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giai đoạn 2011 - 2022. Ảnh: Hồ Lài

Một số địa phương đã có các chính sách đặc thù tạo chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng giáo dục; hiệu quả giáo dục chuyển biến mạnh mẽ, trở thành trung tâm giáo dục của cả nước và từng bước trở thành trung tâm giáo dục của khu vực.

Quy mô và mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương; Tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh đi học đúng độ tuổi ở các cấp học đều gia tăng. Chất lượng giáo dục phổ thông có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh lên lớp ở cấp Tiểu học và cấp THCS có chiều hướng gia tăng và cao hơn bình quân cả nước.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tăng dần hằng năm và cao hơn so với bình quân của cả nước.

IMG_1463.JPG
Giáo dục mũi nhọn của tỉnh Nghệ An tiếp tục duy trì tốp đầu của cả nước. Trong 10 năm gần đây, Nghệ An có 36 học sinh đạt Huy chương quốc tế: gồm, 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Tổng chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo tại khu vực tăng dần qua các năm. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục phát huy có hiệu quả. Quy mô đào tạo đại học và sau đại học ổn định và tăng dần qua các năm.

Giáo dục mũi nhọn ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn vùng hiện có 17 trường chuyên và 1 khối THPT chuyên. Trong giai đoạn 2013-2023, số học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia của vùng là 5.645 học sinh, chiếm 23,3% tổng số giải trong cả nước và 84% giải tại Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.

Chất lượng lao động của vùng ngày càng được cải thiện, với tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ của vùng năm 2021 đạt 25,8%. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của các vùng kinh tế - xã hội năm 2021, khu vực miền Trung xếp thứ 3 cả nước sau đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.

bna_Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Duy Trinh. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Cơ sở vật chất dạy học trên địa bàn Nghệ An từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa. Trong ảnh: Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Mỹ Hà

Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở một số nơi còn chưa thực sự hiệu quả, chưa đảm bảo môi trường học tập cho trẻ em, học sinh.

Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học. Chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố trong vùng. Quy mô đào tạo của một số cơ sở giáo dục đại học chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương, lợi thế của vùng. Còn thiếu tính liên thông giữa các trình độ và các phương thức đào tạo.

Tại hội nghị, các địa phương trong vùng đã tập trung thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục vùng; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay trong thời gian qua; đề xuất các giải pháp để phát triển giáo dục - đào tạo vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

5 NHÓM GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO CỦA VÙNG

Trình bày tham luận “Những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và một số giải pháp phát triển giáo dục - đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trong những năm qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế - xã hội của Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Nghệ An đã từng bước hình thành các yếu tố là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.

bna_7f51d4a9b83c6862312d.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Lài

Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 về phát triển tỉnh Nghệ An, Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, tiếp tục xác định Nghệ An là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về giáo dục - đào tạo.

Nhấn mạnh một số thành tích nổi bật, những tồn tại, hạn chế trong giáo dục - đào tạo của vùng nói chung và Nghệ An nói riêng, ngoài các giải pháp của Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh 5 nhóm vấn đề để phấn đấu đưa vùng trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, có khả năng đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước.

Trong đó, tập trung tham mưu, xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách để thúc đẩy, tạo động lực phát triển giáo dục- đào tạo; xây dựng cơ chế hợp tác giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp với các khu công nghiệp, doanh nghiệp và giữa các cơ sở giáo dục đại học trong vùng.

bna_911c074ad4c0049e5dd1.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Tư lệnh Quân khu 5, Trung tướng Thái Đại Ngọc tham dự hội nghị. Ảnh: Hồ Lài

Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới quản trị cơ sở giáo dục. Xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh, thu hút nhân tài, các chuyên gia, các nhà khoa học giỏi. Quan tâm đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới, sáng tạo.

Xây dựng cơ chế, chính sách, hình thành các trung tâm nghiên cứu để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, những giá trị tốt đẹp của vùng, góp phần nuôi dưỡng khát vọng, hoài bão, cống hiến cho học sinh, sinh viên, hình thành và phát triển cho học sinh, sinh viên kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng toàn cầu, giúp các em trở thành công dân số, công dân toàn cầu, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, xã hội số và xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc.

Quan tâm đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu; ưu tiên nguồn lực đầu tư đảm bảo các điều kiện cho các cơ sở giáo dục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 26 và thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỘC ĐÁO CHO VÙNG BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, trong thời gian qua, Bộ đang ra sức thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong quá trình đó, 6 Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của 6 vùng trên cả nước có ý nghĩa quan trọng, là điều kiện thúc đẩy phát triển giáo dục - đào tạo của các vùng và đất nước.

bna_036e687789fd59a300ec.jpg
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Hồ Lài

Nhấn mạnh những định hướng phát triển - đào tạo của vùng trong Nghị quyết số 26, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có đặc điểm khác với các vùng còn lại trong cả nước, nên giải pháp phát triển giáo dục - đào tạo cũng phải có những điểm riêng, độc đáo.

Trong đó, việc tổ chức mạng lưới giáo dục và đào tạo với hệ thống phân bổ các trường đại học, trường dạy nghề, nhóm ngành đào tạo cần chú ý đến yếu tố kinh tế biển; cần tận dụng sự đa dạng trong vùng, miền của khu vực này để khi tổ chức giáo dục - đào tạo phải tính đến yếu tố vừa phát triển giáo dục mũi nhọn, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, vừa phải tính đến yếu tố công bằng trong giáo dục đối với vùng núi, vùng khó khăn, vùng hải đảo. Hơn nữa, đây là khu vực có truyền thống hiếu học, đề cao thành tích nên cần điều chỉnh cách thức phát triển nhân tài theo những mô hình mới của thời đại.

Nhấn mạnh những thách thức của vùng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục đã có nề nếp, bề dày, đảm bảo mạng lưới, nhưng nếu không có giải pháp đột phá sẽ có thể dẫn đến yếu tố bức xúc, tính công bằng. Bởi hiện nay, hơn một nửa các tỉnh trong khu vực chưa có trường, trung tâm giáo dục đặc biệt dành riêng cho đối tượng người khuyết tật về thể chất; tỷ lệ các trường ngoài công lập có sự phân bổ chưa đều.

bna_img-1043-2-7150.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hồ Lài

Bên cạnh đó, quốc tế hóa trong giáo dục - đào tạo của vùng cần phải đẩy mạnh nhiều hơn nữa. Khu vực miền Trung cũng chưa có trung tâm giáo dục và giáo dục đại học tương xứng; hệ thống trường đại học phải trở thành khâu, một giá đỡ để nâng cao chất lượng cho giáo dục toàn vùng.

Nhấn mạnh các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần tập trung công tác quy hoạch, trong đó, quy hoạch sắp xếp mạng lưới các trường đại học, cao đẳng cần hướng đến nhiệm vụ đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển; nghiên cứu phát triển một số trường đại học theo hướng đại học vùng; nghiên cứu, giải quyết việc tồn tại hoạt động của một số trường đại học, cao đẳng sư phạm ở một số địa phương.

Các địa phương cần xem xét quy hoạch đảm bảo quỹ đất cho giáo dục và quy hoạch hệ thống các trường phổ thông, mầm non một cách hợp lý; quan tâm nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để trường lớp khang trang; đảm bảo chất lượng giáo dục ở vùng miền núi sâu, vùng chia cắt, hải đảo bằng việc quan tâm nguồn nhân lực; quan tâm, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và có giải pháp về đầu ra trong giải quyết việc làm để tăng tỷ lệ người học đại học, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Mặt khác, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, cần đổi mới mô hình trường chuyên hướng đến đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài; chuẩn bị cho đổi mới giáo dục phổ thông theo chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 với 6 lớp học phổ thông; thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận (trong đó, có 3 tiểu vùng là Bắc Trung Bộ, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và vùng Nam Trung Bộ, gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Tin mới