Thí sinh Nghệ An tìm nhiều phương án xét tuyển khi cửa vào đại học bằng điểm thi tốt nghiệp ngày càng hẹp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đây dường như là điều đã được báo trước khi trong những năm gần đây chỉ tiêu của các trường đại học dành cho thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT ngày càng thu hẹp lại. Thay vào đó, việc xét tuyển bằng các kỳ thi riêng lại được “lên ngôi”.

Nhiều phương thức xét tuyển

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh mới đây đã phát thông báo trúng tuyển cho khoảng 1.200 thí sinh bằng hình thức chủ yếu là xét tuyển theo kết quả học bạ hoặc theo kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực.

Số còn lại hơn 1.000 chỉ tiêu (khoảng 60%) sẽ được dành cho thí sinh đăng ký xét tuyển theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở cả hai hệ đại học và cao đẳng. Ông Cao Danh Chính – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do số lượng chỉ tiêu không nhiều nên điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp vào các ngành khá cao, trong đó cao nhất là ngành công nghệ ô tô và điện - điện tử. Điểm trúng tuyển năm ngoái thấp nhất là 17 điểm và cao nhất là 19,20 điểm.

z4510549012751_8ecaa82950af44df72bc614a87f02a2d.jpg
Thí sinh huyện Nam Đàn tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Mỹ Hà

Trường Đại học Vinh cũng đã công bố kết quả trúng tuyển xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm vào đại học chính quy đợt 1 năm 2023. Thí sinh tuyển thẳng được xét tuyển theo 4 phương thức: theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét ưu tiên tuyển thẳng theo quy định của nhà trường; số còn lại được xét tuyển thẳng theo kết quả thi tốt nghiệp và kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực. Hiện nhà trường sẽ dành khoảng 50% chỉ tiêu cho thí sinh xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.

So với nhiều năm trước, chỉ tiêu dành cho thí sinh xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT ngày càng ít hơn. Thay vào đó, cùng một lúc, các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khác, thậm chí có trường có đến 10 phương thức xét tuyển. Trong các phương thức, phổ biến nhất hiện nay đó là xét tuyển theo kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, theo chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế kết hợp với kết quả học tập. Ở những trường tốp dưới, phương thức phổ biến là xét trúng tuyển theo kết quả học bạ.

z4509060744553_88708a316a7f94bdb7e31297b74f75f9.jpg
Học sinh Bùi Thị Minh Huyền (lớp 12D – Trường THPT Diễn Châu 3) đã có giấy báo trúng tuyển nhiều trường đại học, dù chưa sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC

Bằng phương thức này, tại thời điểm này, nhiều thí sinh đã có giấy báo trúng tuyển đại học. Với chứng chỉ IELTS 7.5, giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Tiếng Anh, giải Nhì Kỳ thi Khoa học kỹ thuật và điểm tổng kết 9,6 điểm và một loạt giải thưởng phụ từ các cuộc thi kinh tế, kinh doanh khu vực và quốc tế, đến thời điểm này Bùi Thị Minh Huyền, học sinh lớp 12D – Trường THPT Diễn Châu 3 đã có thông báo nhập học của 4 trường đại học hàng đầu của cả nước, đó là Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Đại học Kinh tế quốc dân và học bổng hơn 70% của một trường đại học quốc tế với trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Các thông báo trúng tuyển đến với Huyền trước thời điểm em tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT khoảng 2 tuần. Bản thân Huyền không quá bất ngờ với kết quả này, bởi em đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng với nhiều phương án đăng ký xét tuyển thẳng.

Không riêng gì Huyền, đến thời điểm này, tại lớp 12D đã có hơn 15 học sinh có thông báo trúng tuyển đại học vào các trường đại học trong và ngoài nước bằng hình thức xét tuyển kết quả đại học hoặc chứng chỉ ngoại ngữ. Cô giáo Chu Thúy Bình – giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết: Từ vài năm trở lại đây, điểm trúng tuyển vào đại học rất cao. Vì vậy, chúng tôi đều xác định nếu lấy kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh sẽ rất khó khăn. Riêng năm nay, cơ hội có thể sẽ khó hơn, vì với đề thi của năm 2023, để có điểm 8 trở lên sẽ không dễ dàng. Để tăng cơ hội trúng tuyển, học sinh có nhiều cơ hội khác để tuyển sinh đầu vào như lấy kết quả học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ hoặc là kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực.

hoc sinh.jpg
Để sớm trúng tuyển vào đại học, học sinh Nguyễn Danh Dũng đã tham dự 2 kỳ thi đánh giá năng lực. Ảnh: NVCC

Học sinh Nguyễn Danh Dũng – lớp 12A1, Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn) năm nay cùng một lúc sử dụng 4 phương thức xét tuyển vào đại học và 3 trường đại học đã có thông báo trúng tuyển. Theo đó, em sử dụng kết quả với số điểm 968/1200 của Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh để trúng tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương và Đại học Kinh tế quốc dân. Ngoài ra, Dũng lấy kết quả điểm học bạ và giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Toán để xét theo hệ tài năng trúng tuyển vào ngành Điện tử viễn thông – Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện tại, với điểm bài thi đánh giá năng lực là 71/100 điểm và chờ điểm thi tốt nghiệp THPT, Dũng đang hi vọng mình sẽ trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin cũng của Trường Đại học Bách khoa.

Giảm chỉ tiêu dành cho thí sinh lấy kết quả thi tốt nghiệp

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được sử dụng để công nhận tốt nghiệp và lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học. Tuy vậy, trên thực tế hiện nay, số thí sinh dự thi và sử dụng phương thức này để xét tuyển vào các trường đại học không còn nhiều như trước đây nữa. Lý giải về điều này, nhiều giáo viên cho rằng, có hai lý do, thứ nhất là bởi hiện nay có rất nhiều cơ hội, nhiều phương thức khác nhau để thí sinh xét tuyển vào đại học.

Trong khi đó, cơ hội trúng tuyển bằng kết quả bài thi tốt nghiệp lại không nhiều bởi các trường “siết” chỉ tiêu cho phương thức này. Hơn nữa, điểm trúng tuyển lại quá cao khi vài năm gần đây, học sinh trúng tuyển thường phải trên 27, 28 điểm mới có cơ hội trúng tuyển vào các trường tốp đầu.

BNA_Đức Anh-6471.jpg
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Đức Anh

Việc các trường dành ít chỉ tiêu cho thí sinh xét tuyển thi bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT khiến cho cuộc đua vào các trường đại học, đặc biệt là các trường tốp đầu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong cuộc đua này, phần vất vả hơn lại rơi nhiều vào những học sinh ở những vùng khó khăn, vùng xa trung tâm khi các em không có nhiều điều kiện để tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực, thi chứng chỉ ngoại ngữ. Hơn thế, điều kiện học của các em cũng có nhiều thiệt thòi hơn so với các thí sinh ở vùng thuận lợi…

Với xu thế hiện nay, nhiều người cũng bắt đầu đặt câu hỏi về việc có cần tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT vì mục đích chính hiện nay chủ yếu là để xét công nhận tốt nghiệp. Thay vào đó, nên có một kỳ thi riêng, dành cho học sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, tránh tình trạng có quá nhiều kỳ thi do các trường tự tổ chức khiến học sinh cuối cấp cùng một lúc phải chạy đua vừa mệt mỏi, áp lực, vừa tốn kém với rất nhiều kỳ thi như hiện nay.

Tin mới