Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Xu hướng phổ biến

Năm học này, con trai chị Nguyễn Thị Hường ở xã Nghi Phú (TP.Vinh) đang học lớp 11D3, Trường THPT Hà Huy Tập. Tuy nhiên, thay vì tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, chị quyết định làm hồ sơ cho con đi du học ở Canada. Mặc dù phải đầu tư số tiền lớn, hơn 300 triệu đồng, nhưng cả chị Hường và con trai đều rất kỳ vọng vào chương trình này và đang hoàn thiện các thủ tục để chờ đến ngày được nhập học.

“Tôi lựa chọn Canada vì ở đó cơ hội việc làm sau khi hoàn thành chương trình học rất cao. Trước mắt, chúng tôi sẽ cho cháu hoàn thành chương trình phổ thông và sau đó sẽ đăng ký một trường cao đẳng học nghề. Nếu thuận lợi, chỉ sau vài năm cháu đã có thể kiếm việc làm với thu nhập cao hơn trong nước rất nhiều”, chị Hường chia sẻ.

bna_Giờ học của học sinh Trường THPT Nghi Lộc 4.jpg
Giờ học của học sinh Trường THPT Nghi Lộc 4. Hiện nay, nhiều học sinh của trường có nhu cầu du học sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Mỹ Hà

Qua tìm hiểu nhiều chương trình du học, chị Hường cũng cho biết, khi đang học lớp 11 đi du học là thời điểm tốt nhất, bởi nếu du học Canada từ bậc THPT, học sinh có thể dễ dàng hơn trong việc được cấp visa so với bậc cao đẳng và đại học.

Điều kiện để du học cũng dễ dàng, bởi gia đình chỉ cần một mức chứng minh tài chính hợp lý và học lực trung bình khá. Sau khi học xong phổ thông, các em có thể lựa chọn liên thông lên cao đẳng, đại học đúng ngành nghề mà mình yêu thích.

Quan trọng hơn, đi du học Canada, học sinh không quá nặng về vấn đề ngoại ngữ, vì hiện nay hầu hết các trường công lập đều có chương trình hỗ trợ tiếng Anh miễn phí cho học sinh quốc tế và phụ huynh có thể được đi cùng với con.

Học sinh tìm hiểu về chương trình du học tại Australia.JPG
Học sinh tìm hiểu về chương trình du học tại Australia. Ảnh: Mỹ Hà

Cũng lựa chọn du học, em Đinh Bạt Tài – cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Thanh Chương), đã quyết định chọn du học Hàn Quốc sau hơn 1 năm tốt nghiệp THPT. Tài cho biết: “Em đã tìm hiểu khá nhiều chương trình du học của các nước và em nghĩ Hàn Quốc phù hợp với em nhất, bởi nền văn hóa Hàn Quốc có nhiều tương đồng với Việt Nam. Em chọn du học hệ cao đẳng nghề, vì với chương trình này chỉ cần học 2 năm. Trong thời gian học, mỗi tuần chúng em được làm thêm 20 tiếng nên có thể trang trải một phần kinh phí. Nếu du học hiệu quả, em sẽ sớm có việc làm và không phải lo lắng thất nghiệp sau khi ra trường”.

Xu hướng du học đang trở nên khá phổ biến ở nhiều trường học tại Nghệ An trong khoảng 5 năm trở lại đây. Đáng nói, nếu như trước đây, khi nhắc tới du học, đối tượng thường là những học sinh có học lực khá, giỏi, có học bổng hoặc có điều kiện kinh tế, thì nay, rất nhiều học sinh lựa chọn du học lại là con em ở các vùng nông thôn, kinh tế còn nhiều khó khăn. Bản thân các em khi lựa chọn du học cũng xác định, mục đích chính là để có cơ hội tìm kiếm việc làm ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp.

Tại Công ty CP Du học và Tư vấn xuất khẩu lao động Doubleh (thành phố Vinh), được biết từ đầu năm đến nay, công ty nhận được rất nhiều cuộc gọi của các phụ huynh để nhờ tư vấn cho con đi du học. Thậm chí, số lượng hồ sơ đăng ký có thời điểm rơi vào quá tải. Những học sinh đi du học, trước đây thường đã hoàn thành chương trình lớp 12; nhưng hiện nay, không ít học sinh đã quyết định đi sớm hơn để có thể tiếp tục học phổ thông ở nước ngoài.

“Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Đức là những thị trường được nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn. Hiện nay, việc du học cũng không quá khó khăn và có nhiều lợi thế. Ví dụ, nếu học sinh đi du học tại Nhật Bản, những đối tượng như học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh gia đình chính sách các em sẽ được vay vốn để chi trả học phí. Vì thế, chỉ cần khoảng 70 triệu đồng, các em đã có thể sang Nhật Bản để học nghề. Học 6 tháng là các em đã chuyển sang visa lao động và có cơ hội được gia hạn visa, được làm việc lâu dài sau khi tốt nghiệp”.

bà Hà Mai Hương – Giám đốc Công ty CP Du học và Tư vấn xuất khẩu lao động Doubleh

Tuân thủ quy định

Cũng theo trao đổi của bà Hà Mai Hương, hiện nay, thủ tục đi du học không quá khó khăn. Vì thế, nhiều học sinh chọn du học thay vì đi theo các con đường khác, bởi quy trình, thời gian để được đi du học rất nhanh và tỷ lệ thành công có khi lên đến 90%.

Tuy nhiên, do mục đích chính của các du học sinh đi theo con đường này chủ yếu là để sau này đi làm, nên sau khi sang nước sở tại, nhiều em lại không muốn kéo dài thời gian học tập. Thế nên, tình trạng du học sinh đi du học nhưng sau đó lại tự ý bỏ học, đi làm thêm quá nhiều hoặc trốn ra ngoài là điều rất dễ xảy ra. Từ thực tế trên, theo bà Hương: “Học sinh trước khi đi du học cần cân nhắc kỹ càng. Nếu không tuân thủ theo đúng các quy định có thể gặp nhiều cạm bẫy như bị bắt, trục xuất về nước hoặc sau này sẽ ảnh hưởng đến quá trình xin visa khi đi nước ngoài”.

Tư vấn cho các học sinh chương trình du học ở nước ngoài.JPG
Tư vấn cho các học sinh chương trình du học ở nước ngoài. Ảnh: Mỹ Hà

Về vấn đề tuân thủ các quy định du học, mới đây, một thông tin không vui khi Sở Giáo dục bang Nam Úc và Sở Giáo dục bang New South Wales (Australia) đã ra quyết định tạm dừng nhận học sinh Việt Nam đến từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và một số tỉnh, thành khác đang muốn theo học chương trình phổ thông.

Động thái này được đưa ra sau khi các bang này nhận được báo cáo một số du học sinh Việt ở đây “mất tích”. Tuy nhiên, theo nhà chức trách, không có thông tin hoặc bằng chứng nào cho thấy các học sinh gặp nguy hiểm và họ "dường như chủ động lẩn trốn chính quyền".

Tư vấn về chương trình du học cho học sinh.JPG
Học sinh tìm hiểu về các chương trình du học. Ảnh: Mỹ Hà

Việc tạm dừng tuyển sinh du học sinh qua học phổ thông tại Australia cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đưa học sinh đi du học của Việt Nam, trong đó có Nghệ An. Trường hợp của học sinh Nguyễn Lê N.L. (phường Bến Thủy, thành phố Vinh) là một trong số đó. Nữ sinh này bắt đầu làm thủ tục du học sang Úc từ tháng 7/2023. Tuy nhiên, đầu tháng 1 năm nay em đã nhận được thông báo tạm dừng cấp visa vì liên quan đến quy định mới đây của Australia.

Tương tự, học sinh Khánh Duy - lớp 12, Trường THPT Nghi Lộc 4 cũng đã dự định sẽ đi du học theo diện phổ thông của Úc trong năm học này. Thế nhưng, khi quy định mới đưa ra, em buộc phải thay đổi quyết định này và từ du học phổ thông em chuyển sang du học nghề và bỏ lỡ nhiều kế hoạch khác của bản thân.

Việc du học sinh Việt Nam sang nước ngoài học tập nhưng sau đó bỏ trốn không chỉ xảy ra tại Australia, mà còn xảy ra ở nhiều nước khác, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và đã ảnh hưởng rất nhiều đến cộng đồng người Việt đang học tập và làm việc tại nước sở tại.

Hơn thế, còn ảnh hưởng đến cả những học sinh, người lao động ở Việt Nam đang có nhu cầu sang học tập và làm việc tại nước ngoài. Từ thực tế này, hiện nay, ngoài công tác tuyên truyền để các học sinh nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định của nước sở tại thì việc thẩm định hồ sơ học sinh đi du học cũng hết sức được chú trọng.

Nhiều ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du học cũng cho rằng, việc các nước “siết chặt” đầu vào đối với học sinh du học, ở một khía cạnh khác có ý nghĩa tích cực.

bna_Số hồ sơ xin đi du học tăng nhanh trong dịp cuối năm học.JPG
Số hồ sơ xin đi du học tăng nhanh trong dịp cuối năm học. Ảnh: Mỹ Hà

Qua đó, để lựa chọn được những học sinh có nhu cầu đi du học, đi làm việc một cách thực sự, làm cho thị trường du học được trong sạch với người thật, hồ sơ thật, hạn chế tình trạng lách luật, đưa người lao động sang làm việc một cách trái phép.

Bên cạnh đó, bản thân các du học sinh từ sự việc này cũng sẽ nhận thức được việc tự ý bỏ trốn, đi làm lao động chui và không tuân theo các quy định hiện nay sẽ dẫn đến những hệ lụy và hệ quả lâu dài, không chỉ cho riêng bản thân mà còn cho đất nước.

Tin mới