Giáo viên phải đủ bao dung, đủ sâu sắc, khả năng bao quát và hỗ trợ học sinh để phòng chống bạo lực học đường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đây là nội dung được kỳ họp 14, HĐND tỉnh khoá XVIII đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ giáo viên trong nội dung chất vấn lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo.

BNA_4243-01.jpeg
Đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Trang bị kỹ năng phòng vệ cho học sinh trước bạo lực học đường

Ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XVIII tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành liên quan đến thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Trong đó làm rõ mục tiêu, yêu cầu của giáo dục là phát triển toàn diện cho học sinh và trách nhiệm từ nhiều phía: nhà trường, cộng đồng, gia đình và chính các em học sinh.

Đã có 6 đại biểu HĐND tỉnh trực tiếp nêu câu hỏi chất vấn đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Đại biểu Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương) nêu thực trạng bạo lực học đường xảy ra ở mọi lứa tuổi, cấp học và giới tính; gây bất an, sợ hãi cho học sinh và lo lắng của phụ huynh.

BNA_3963-02.jpeg
Đại biểu Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương) đặt câu hỏi chất vấn về giải pháp khi các em rơi vào bạo lực học đường. Ảnh: Thành Cường

Đại biểu Trình Văn Nhã cũng đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Các em học sinh cần được cung cấp kiến thức, kỹ năng gì để phòng chống bạo lực học đường? Khi trở thành nạn nhân của bạo lực học đường thì bản thân các em cũng như phụ huynh cần làm gì để thoát khỏi tình trạng bạo lực học đường.

Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành nhấn mạnh giải pháp phòng ngừa chính là phải quan tâm giáo dục, trang bị kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng toàn cầu cho học sinh. Bao gồm kỹ năng tin học, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm; kỹ năng xử lý các tình huống; kỹ năng quản lý xúc cảm của bản thân; kỹ năng tự vệ trước những tác động có thể gây bạo lực cho học sinh...

Bày tỏ đồng tình nội dung đại biểu Trình Văn Nhã nêu và thừa nhận có những trường hợp cá biệt sau khi bị bạo lực học đường có tâm lý lo âu, sợ hãi không dám đến trường; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin, hiện ở các nhà trường đều xây dựng quy trình giải quyết bài bản khi có học sinh bị bạo lực học đường với mối quan hệ phối hợp giữa ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh và học sinh để nắm bắt tình hình ảnh hưởng thể chất, tâm lý và hành vi để tư vấn, tạo sự an tâm; đồng thời phối hợp với các cơ sở y tế để bác sỹ tâm lý hỗ trợ tư vấn cho học sinh bị tác động tâm lý mạnh. Đồng thời đối với giáo viên chủ nhiệm và các tổ chức đoàn, hội trong nhà trường sâu sát, gần gũi và đồng hành cùng với các em trong những ngày đến trường.

BNA_4014-01.jpeg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Thiếu đội ngũ tư vấn tâm lý học đường chuyên nghiệp

Đề cập đến Nghị định số 80 của Chính phủ quy định rõ về yêu cầu, nội dung phải thực hiện để đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; đại biểu Phan Thị Minh Lý (huyện Yên Thành) nêu thực tiễn triển khai trong các nhà trường ở Nghệ An còn nhiều bất cập, đồng thời đặt câu hỏi đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An là giải pháp cho vấn đề này trong thời gian tới?

Trả lời nội dung đại biểu Phan Thị Minh Lý đặt ra, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành thừa nhận, các trường học đã xây dựng kế hoạch theo đúng mục tiêu, nội dung và các giải pháp mà Nghị định 80 của Chính phủ đề ra; tiến hành thành lập các tổ tư vấn học đường.

BNA_3974-01.jpeg
Đại biểu Phan Thị Minh Lý (huyện Yên Thành) đặt vấn đề quan tâm việc triển khai Nghị định số 80 của Chính phủ trong các trường học ở Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Tuy nhiên, trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay thì chưa có đội ngũ chuyên trách làm nhiệm vụ này mà do giáo viên chủ nhiệm, bí thư hoặc phó bí thư đoàn, phó hiệu trưởng trường kiêm nhiệm. Trong điều kiện vừa thực hiện hoạt động chuyên môn, vừa kiêm thêm nhiệm vụ tâm lý học đường mà số lượng học sinh ở mỗi trường lớn, có trường 1.500 - 2.000 học sinh; nên chưa đáp ứng được mong muốn trong các nhà trường, của phụ huynh học sinh và học sinh.

Về giải pháp, thời gian tới ngành sẽ tập trung tích hợp các mô hình tổ tư vấn học đường và công tác xã hội thành một mô hình để đảm bảo hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển phẩm chất, nhân cách đúng đắn, đúng yêu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay.

BNA_3981-01.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Anh Hoa (huyện Diễn Châu) đặt câu hỏi về giải pháp đảm bảo mô hình tổ tư vấn học đường hoạt động thực chất, hiệu quả, góp phần ngăn chặn bạo lực học đường? Ảnh: Thành Cường

Quan tâm đến các đến các mô hình tư vấn, hỗ trợ học sinh trong nhà trường, trong đó có tổ tư vấn học đường; đại biểu Nguyễn Thị Anh Hoa (huyện Diễn Châu) đặt câu hỏi chất vấn về giải pháp đảm bảo các mô hình này hoạt động thực chất, hiệu quả, góp phần ngăn chặn bạo lực học đường?

Vấn đề này, đại biểu Thái Văn Thành cho rằng, ngành sẽ chỉ đạo các nhà trường tăng cường phối hợp, kết nối với các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để cùng với nhà trường trong hoạt động này, bởi nếu chỉ có giáo viên chủ nhiệm và một số bộ phận khác trong nhà trường chưa có kinh nghiệm, chuyên môn chuyên sâu về tư vấn thì không thể hiệu quả, nhất là khi học sinh bị khủng hoảng tâm lý vượt qua kiến thức của giáo viên.

BNA_4032-01.jpeg
Đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc (huyện Quỳ Châu) đặt câu hỏi chất vấn về hiệu quả triển khai mô hình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trên phạm vi toàn tỉnh. Ảnh: Thành Cường

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cũng đã trả lời nội dung chất vấn của các đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc (huyện Quỳ Châu) liên quan đến hiệu quả triển khai mô hình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trên phạm vi toàn tỉnh; đại biểu Vi Văn Quý (huyện Quỳ Hợp) về giáo dục bộ môn lịch sử và giáo dục công dân trong nhà trường; đại biểu Lục Thị Liên (huyện Con Cuông) về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng theo Quyết định số 1895 của Thủ tướng Chính phủ.

Đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Kết thúc phần chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá, tinh thần chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh sôi nổi, nêu câu hỏi chất vấn trúng, đúng trọng tâm phạm vi và nội dung chất vấn. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nắm chắc lĩnh vực phụ trách và trả lời đầy đủ, thẳng thắn các ý kiến chất vấn.

Trên cơ sở kết quả chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Bạo lực học đường; kỹ năng sống, phòng chống tai nạn thương tích, chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đây là 4 vấn đề xã hội lớn và khó, bởi đối tượng liên quan là học sinh, trẻ em đang thay đổi rất nhanh về thể chất, tâm sinh lý, dễ bị kích động, dễ bị tổn thương…

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh, trách nhiệm để chăm lo 4 vấn đề nêu trên rất rộng: từ gia đình – ông, bà, bố, mẹ, dòng họ, anh em; đến trường học (thầy, cô giáo, các tổ chức trong nhà trường kèm cặp, định hướng, giáo dục); đến cộng đồng xã hội (làng xóm, cơ quan, đơn vị, các ban ngành); đến chính các em học sinh.

BNA_4223-01.jpeg
Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần quan tâm nhằm giải quyết 4 vấn đề đặt ra. Trọng tâm là tuyên truyền nâng cao nhận thức, từ đó chuyển biến thành hành động cho tất cả tầng lớp Nhân dân về giải quyết các vấn đề được đặt ra tại kỳ họp; trong đó nâng nhận thức cho phụ huynh, giáo viên - giáo viên, ngoài làm tốt chuyên môn dạy học, cần phải đủ lòng bao dung, đủ sâu sắc và khả năng bao quát để nắm bắt tâm lý, hỗ trợ học sinh kịp thời. Xác định cả hệ thống chính trị phải vào cuộc vì tương lai con em của chúng ta, chứ không phải “khoán” cho các nhà trường và ngành giáo dục - đào tạo.

Tập trung chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường gắn với việc xây dựng kịch bản cụ thể để kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề, tình huống xảy ra. Trong đó, chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Phải làm thật sự, không chỉ làm trong nhà trường mà ông bà, bố mẹ phải làm gương và cộng đồng xã hội, xóm làng quan tâm tạo môi trường để giáo dục các cháu. Phải phát hiện sớm và tư vấn kịp thời, không để xảy ra xung đột về thể chất và tinh thần cho con em. Phải tăng cường phối hợp để đảm bảo trường học an toàn, an ninh trong trường học để học sinh, giáo viên yên tâm dạy và học. Quan tâm giáo dục kỹ năng sống, nhất là kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng ứng xử và giải quyết các mâu thuẫn, kỹ năng sử dụng mạng và xử lý các tình huống trên mạng xã hội.

Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với từng gia đình trong công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà"./.

Tin mới