Chưa hết hạn hán, nông dân Nghệ An lại lo xâm nhập mặn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Nếu như việc thiếu nước sản xuất, thiếu điện đã khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh không thể canh tác thì nay lại xuất hiện tình trạng nước bị nhiễm mặn nồng độ cao, có nước nhưng không thể bơm tưới vì sẽ khiến cây trồng bị chết.

Có mặt tại sông Rum, nhánh sông Lam chảy qua địa phận xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên trong sáng 23/6, P.V ghi nhận mực nước tại sông rất thấp, ước chừng khoảng 1 mét, lòng sông cạn trơ, người dân có thể lội qua con sông này dễ dàng.

Clip: Quang An

Sông Rum phụ trách nước tưới cho nhiều xã huyện Hưng Nguyên như Châu Nhân, Hưng Lợi, Hưng Phúc, Hưng Nghĩa… mực nước cao nhất tại con sông này có thể lên đến 7 mét (thời điểm chạm nước vào thành cầu), tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, lúc thuỷ triều lên cao nhất, mực nước cũng chỉ đạt 2 – 3 mét, không đủ nước tưới cho cây trồng, nhiều trạm bơm trên địa bàn cũng giảm thời lượng bơm rõ rệt vì không đủ nước.

bna_nhánh sôn.jpg
Mực nước lòng sông Rum trong sáng 23/6 đã cạn kiệt, không đủ bơm tưới cho gần 1.000ha lúa. Ảnh: Quang An

Tuy nhiên, hiện nay, người dân xã Châu Nhân cũng như các địa phương phụ cận lại đang đối mặt với nỗi lo mới, đó là tình trạng xâm nhập mặn, nồng độ nhiễm mặn của nước đã vượt quá mức cho phép, khiến bà con lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi có nước nhưng không dám bơm tưới vì nếu bơm vào lúa sẽ chết khô ngay lập tức.

Trạm bơm Hưng Châu thuộc Xí nghiệp Thuỷ lợi Hưng Nguyên là trạm bơm lớn bậc nhất trên địa bàn huyện với 6 tổ máy trục ngang (công suất 1.000m3/giờ/máy) và 8 tổ máy trục đứng (công suất 8.000m3/giờ/máy). Trạm bơm này bao gồm 3 chức năng chính là chống hạn, chống úng và tạo nguồn nước, phụ trách tưới tiêu cho gần 1.000ha lúa tại các xã ven đê huyện Hưng Nguyên. Tuy nhiên, từ thời điểm nguồn nước bị xâm nhập mặn, việc bơm tưới đã không thể diễn ra nhuần nhuyễn như trước.

bna_trạm.jpg
Trạm bơm Hưng Châu lớn nhất trên địa bàn huyện Hưng Nguyên không thể bơm tưới liên tục vì nước nhiễm mặn. Ảnh: Quang An

Ông Lê Văn Hùng - Trạm phó trạm bơm Hưng Châu chia sẻ: “Từ giữa tháng 6 đến nay, nồng độ mặn đo được hàng ngày tại sông Rum dao động từ 2 – 3 phần nghìn. Trong khi nồng độ cho phép tưới cho cây trồng là dưới 1 phần nghìn. Chỉ khi thuỷ triều lên, nồng độ mặn mới giảm đôi chút, khi thuỷ triều xuống, nguồn nước lại nhiễm mặn. Do đó, không thể bơm tưới cho cây trồng vì cây sẽ chết nhanh hơn so với nắng hạn.

bna_IMG_4089.JPG
Việc lấy nước để đo độ mặn được các cán bộ thực hiện hàng ngày. Ảnh: Quang An

“ Từ tháng 5 đến nay, mực nước xuống thấp, thêm vào đó là lịch cắt điện luân phiên khiến việc bơm tưới bị ngắt quãng, các máy bơm sử dụng hoàn toàn bằng điện lưới nên bơm dầu hay máy nổ dã chiến không cải thiện được. Giờ đây nước lại nhiễm mặn, không có cách nào khác để có thể tiếp nước cứu được lúa hè thu thời điểm này” - Ông Hùng nhấn mạnh.

bna_đo độ mặn.jpg
Nồng độ mặn tại sông Rum dao động từ 2 - 3 phần nghìn, trong khi mức cho phép để bơm tưới cây trồng phải dưới 1 phần nghìn. Ảnh: Quang An

Không chỉ tại Hưng Nguyên, tình trạng xâm nhập mặn cũng diễn ra trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Đặc biệt là hệ thống Sông Cấm, từ hạ nguồn cầu sông Cấm (đường N5) xuống ba ra Nghi Quang độ mặn trên 1 phần nghìn, không thể bơm tưới cho cây trồng.

Ngày 22/6, huyện Nghi Lộc đã có Công văn số 1805/UBND-NN về việc triển khai các biện pháp chống hạn và chống xâm nhập mặn vào nội đồng. Theo đó, UBND tỉnh đã cho phép Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam tiến hành đắp đập tạm ngăn sông Cấm tại điểm cầu đường N5 (xã Nghi Thuận) và tiến hành bơm luân phiên giữa các địa phương: Từ 19h ngày 21/6/2023 đến 19h ngày 26/6/2023, các trạm bơm dọc kênh Thấp (Nam Đàn, Hưng Nguyên) sẽ dừng bơm để dồn nước xuống kênh Gai nhằm cải thiện nguồn nước bơm cho huyện Nghi Lộc và đẩy ép mặn không cho lấn sâu vào hệ thống.

bna_gỉ sét.jpg
Việc nước nhiễm mặn cũng khiến cho máy móc tại các trạm bơm bị gỉ sét. Ảnh: Quang An

Do đó, huyện Nghi Lộc đã chỉ đạo các địa phương dọc sông Cấm có trạm bơm từ cầu N5 trở xuống cống Nghi Quang tuyệt đối không bơm nước để phục vụ sản xuất vì nồng độ mặn đã vượt quá 1 phần nghìn.

Các địa phương dọc sông Cấm, kênh Gai từ đường N5 trở lên, kênh Khe Cái huy động tối đa nhân lực, máy móc, phương tiện để vận hành các trạm bơm do xã quản lý và phối hợp tốt với Xí nghiệp Thủy lợi để vận hành các trạm bơm của Xí nghiệp bơm nước tưới dưỡng cho lúa, tranh thủ tối đa nguồn nước được cải thiện khi đắp đập tạm ở sông Cấm và trong thời gian các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên dừng bơm. Trước, trong khi bơm phải thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn của nguồn nước, tuyệt đối không được bơm khi độ mặn vượt quá mức cho phép.

Được biết, vụ hè thu năm nay huyện Nghi Lộc cơ cấu gần 6.000ha, tuy nhiên, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn đang là mối lo lớn, đặc biệt là tại các địa phương như: Nghi Thuận, Nghi Hưng, Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Quang...

Theo một số cán bộ thuỷ lợi, tình trạng xâm nhập mặn rất khó xử lý, chỉ có 2 cách giảm thiểu tình trạng này. Một là chờ nước mưa sẽ khiến nồng độ mặn trong nước giảm đi. Hai là khi nước từ thượng nguồn đổ về cũng sẽ góp phần giảm độ mặn cho các địa phương vùng hạ du, tuy nhiên đây là khả năng rất thấp vì hiện nay, nước tại các sông, hồ thuỷ điện ở thượng nguồn cũng đang rất thấp. Do đó, việc giảm độ mặn khả thi nhất là trông đợi vào các đợt mưa lớn.

bna_khô.jpg
Nhiều diện tích lúa tại Hưng Nguyên, Nghi Lộc không thể canh tác do không có nước. Ảnh: Quang An

Vụ hè thu - mùa năm nay, Nghệ An sẽ gieo trồng 81.000 ha lúa. Theo nhận định, đây là vụ sản xuất đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệt độ phổ biến cao hơn trong khi tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm. Nước trong các hồ đập, sông, suối và các công trình đầu mối đang ở mức thấp, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng lớn. Dự kiến toàn tỉnh có đến trên 6.500 ha có nguy cơ hạn, thiếu nước.

Tin mới