Lạch Vạn bồi lắng, ngư dân Diễn Châu 'dở khóc, dở cười'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đã nhiều lần ngành nông nghiệp tổ chức nạo vét cửa Lạch Vạn (Diễn Châu), nhưng do chưa có giải pháp ngăn bồi lắng một cách "căn cơ", nên đâu lại vào đấy! Sự bồi lắng tại Lạch Vạn đã dẫn đến hậu quả là nhiều tàu thuyền của ngư dân bị mắc cạn, hư hỏng.

Ngư dân lo tàu mắc cạn

Tại cảng cá Lạch Vạn (Diễn Châu) vào những ngày này, tàu thuyền đánh cá của ngư dân vẫn tấp nập ra vào. Tuy nhiên, vấn đề khiến ngư dân bất an, lo lắng là luồng lạch bị bồi lắng, tàu thuyền dễ bị mắc cạn, nhất là lúc thuỷ triều xuống.

bna_Lạch Vạn mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền của ngư dân ra vào. Ảnh Xuân Hoàng.JPG
Hàng chục tàu thuyền của ngư dân ra vào Lạch Vạn mỗi ngày. Ảnh: Xuân Hoàng

Ngư dân Bùi Văn Giang bày tỏ, mỗi khi tàu thuyền về cảng cá, người cầm lái phải để ý điều khiển tàu chạy đúng luồng, sơ ý là tàu mắc cạn ngay. Đã có những con thuyền trị giá hàng trăm triệu đồng của bà con bị mắc cạn, không những làm hư hỏng tàu thuyền, tài sản mà còn mất chi phí để giải cứu.

Thực tế, cách đây ít năm, hàng trăm người dân xã Diễn Bích cùng với nhiều phương tiện máy múc, máy bơm và nhiều dụng cụ thô sơ khác đã tập trung “giải cứu” một con thuyền của ngư dân mắc cạn tại cửa Lạch Vạn. Phải sau 2 ngày nỗ lực trục vớt, con tàu mới được “giải cứu” thành công. Tuy nhiên, chủ tàu phải chi phí cả trăm triệu đồng thuê máy múc và phục vụ công tác hậu cần tại chỗ, chưa kể con tàu đó phải vào xưởng sửa chữa mất một khoản chi phí nữa.

bna_Một con tàu cá của ngư dân xã Diễn Bích bị mắc cạn tại cửa Lạch Vạn. Ảnh Quang An.jpg
Hiện tượng bồi lắng đã khiến nhiều tàu thuyền mắc cạn, hư hỏng. Trong ảnh, một con tàu của ngư dân xã Diễn Bích bị mắc cạn tại khu vực cửa Lạch Vạn. Ảnh tư liệu: Quang An

Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Cửa Lạch Vạn là nơi ra, vào của hàng trăm con tàu của huyện Diễn Châu. Vì cửa lạch bị bồi lắng nên hàng ngày chỉ có một số thuyền nhỏ cập bến và lượng hải sản đánh bắt được giá trị cũng không cao. Do bị bồi lắng cửa lạch, hàng năm đều có tàu, thuyền của ngư dân bị mắc cạn, gây thiệt hại đến tài sản của ngư dân. Bởi vậy, các tàu cá công suất lớn của Diễn Châu phải đi nơi khác cập bờ.

“Tình trạng cửa Lạch Vạn bị bồi lắng xảy ra từ trước đến nay, mặc dù đã có nhiều lần Sở Nông nghiệp &PTNT tổ chức nạo vét nhưng sau một thời ngắn thì “đâu lại vào đấy”. Cửa lạch bị bồi lắng, cũng là lý do khiến ngư dân Diễn Châu lâu nay không dám đầu tư đóng thuyền to, máy lớn.

Đâu là giải pháp căn cơ?

Để phát triển kinh tế biển thì việc nâng cấp cảng cá, nạo vét cửa lạch là rất cần thiết. Bởi khi cửa lạch được mở rộng, nạo vét thông thoáng, thì tàu to máy lớn mới hoạt động được và như thế chúng ta bảo vệ được nguồn lợi thủy sản và tăng giá trị cho ngành thủy sản. Những năm qua, Nghệ An đã triển khai thực hiện nâng cấp một số cảng cá, tạo điều kiện cho tàu cá ra vào neo đậu thuận lợi. Tuy nhiên, với cửa Lạch Vạn do chưa có giải pháp mang tính căn cơ, nên tình trạng bồi lắng vẫn cứ tái diễn.

bna_Hàng trăm người và phương tiện tham gia giải cứu con tàu mắc cạn tại cửa Lạch Vạn. Ảnh Q.An.jpg
Mỗi khi có tàu bị mắc cạn, địa phương huy động hàng trăm người cùng nhiều phương tiện "giải cứu". Ảnh tư liệu: Quang An

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Tình trạng cửa Lạch Vạn thường xuyên bị bồi lắng là do lượng phù sa theo chiều gió của gió mùa Đông Bắc thổi vào, nếu không có giải pháp ngăn phù sa thì dù có nạo vét vẫn không hiệu quả. Do vậy, hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đang trình cấp trên kế hoạch nạo vét Lạch Vạn từ nguồn vốn vay của ngân hàng Thế giới. Theo đó, cùng với nạo vét, thì sẽ xây dựng 2 mỏ kè kiên cố phía ngoài cửa lạch để ngăn phù sa. Đây chính là giải pháp căn cơ để ngăn sự bồi lắng cửa Lạch Vạn.

“Trước đây Chi cục Thuỷ lợi đã tổ chức nạo vét Lạch Vạn một số lần, nhưng do nguồn kinh phí có hạn, không có giải pháp ngăn phù sa, nên chỉ sau vài năm lại bồi lắng trở lại. Đây chính là trở ngại đối với ngư dân mỗi khi đưa tàu thuyền về cảng sau mỗi chuyến biển”, ông Trần Xuân Học chia sẻ.

bna_Một khu vực tại Cảng cá Lạch Vạn bì bồi lắng. Ảnh Xuân Hoàng.JPG
Khu vực hai bên cánh gà của cảng cá Lạch Vạn (Diễn Châu) cũng thường xuyên bị xả thải và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Xuân Hoàng

Từ thực trạng của sự bồi lắng tại cửa Lạch Vạn cho thấy, hạ tầng cảng cá, bến cá không đáp ứng được nhu cầu dẫn đến việc đầu tư cho dịch vụ hậu cần nghề cá trở nên khó khăn. Nếu không có giải pháp cho việc nạo vét, xây dựng hạ tầng tại các cửa lạch thì các chương trình đóng tàu to, máy lớn để vươn khơi bám biển sẽ khó thực hiện. Trong khi đó, xu thế của phát triển kinh tế biển là vươn ra khơi vừa khai thác tốt tiềm năng, bảo vệ nguồn lợi vùng ven bờ...

Tin mới