Chuyện buồn của một cựu chiến binh

(Baonghean) - Cuối tháng 6/2016, Báo Nghệ An nhận được đơn kiến nghị của một cựu chiến binh ở xã Mỹ Sơn (Đô Lương) liên quan đến chế độ thương binh.

Nỗi niềm cựu binh

Người thương binh có đơn gửi đến Báo Nghệ An tên là Hoàng Bá Khoa, SN 1946, nguyên quán xã Nghi Tiến (Nghi Lộc); hiện trú tại xã Mỹ Sơn (Đô Lương). Theo đơn, tháng 5/1965, ông Hoàng Bá Khoa lên đường nhập ngũ (biên chế tại Đại đội 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324). Tháng 3/1968, ông bị thương nặng trong khi tham gia chiến đấu tại mặt trận đường 9,.

Cựu chiến binh Hoáng Bá Khoa kể lại quá trình tham gia quân đội và bị thương trong khi chiến đấu tại mặt trận đường 9.
Cựu chiến binh Hoáng Bá Khoa kể lại quá trình tham gia quân đội và bị thương trong khi chiến đấu tại mặt trận đường 9.

Thời điểm đó, do yêu cầu của chiến trường nên sau khi điều trị, được giám định mất 19% sức khỏe, ông quay trở lại đơn vị với nhiều mảnh đạn còn sót lại trong cơ thể.

Năm 1974, ông Hoàng Bá Khoa xuất ngũ trở về địa phương; lập gia đình và ổn định cuộc sống tại xã Mỹ Sơn năm 1979. Vào năm 2002, xét thấy các vết thương trong người thường xuyên đau nhức do các mảnh đạn sót lại trong người, ông Khoa nghiên cứu hướng dẫn  Nghị định 28 về chế độ chính sách cho người có công sau đó làm hồ sơ xin giám định lại thương tật và được Ban Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Phòng Chính sách Quân khu 4 tiếp nhận hồ sơ. Qua giám định, ông mất 37% sức khỏe, và được hưởng chế độ thương binh hạng 4/4 từ thời điểm này.

Qua gần 14 năm trời, đến giữa tháng 4/2016, ông Hoàng Bá Khoa nhận được Quyết định số 1637/QĐ-NCC ngày 11/4/2016 của Sở LĐTB&XH về việc đình chỉ trợ cấp thương binh và các chế độ ưu đãi liên quan. Thấy sự việc quá trớ trêu nên ông đã viết đơn kiến nghị…

Xem xét hồ sơ của ông Hoàng Bá Khoa gửi kèm đơn, ngoài những tài liệu chứng tỏ việc ông tham gia, bị thương tại chiến trường có kèm Quyết định 1673 của Sở LĐTB&XH. Tại Quyết định 1673, Sở LĐTB&XH nêu rõ là căn cứ Nghị định số 31, Thông tư số 05 và kết luận thanh tra số 178/KL-TTr của Chánh thanh tra Bộ LĐTB&XH về việc thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng tại tỉnh Nghệ An, quyết định “đình chỉ trợ cấp thương tật và các chế độ ưu đãi thượng binh” của ông Khoa với hai lý do: “không có tên trong sổ theo dõi quân nhân dự bị của Ban Chỉ huy quân sự huyện Đô Lương; Đã giám định hưởng trợ cấp một lần”.

Nhà riêng của ông Hoàng Bá Khoa cách Khu tưởng niệm các liệt sỹ Truông Bồn không xa. Tại đây, ông Khoa kể cho chúng tôi nghe quá trình tham gia chiến đấu và bị thương; và cho biết năm 2014, ông được Thanh tra Bộ LĐTB&XH mời lên làm việc tại xã để xác minh lại các vấn đề liên quan đến chế độ thương binh; năm 2015, ông lại được Ban Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh mời lên huyện để làm rõ nguyên nhân tại sao “không có tên trong sổ theo dõi quân nhân dự bị của Ban Chỉ huy quân sự huyện Đô Lương”.

Vì nguyên quán tại huyện Nghi Lộc, nhập ngũ và xuất ngũ đều tại địa phương này nên ông đã về Ban Chỉ huy quân sự huyện Nghi Lộc; và đến đơn vị cũ là Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 để đề nghị được cấp giấy chứng nhận. Sau đó, ông đã gửi trực tiếp những giấy tờ này cùng giấy chứng thương tại chiến trường cho đại diện Ban Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. “Người của Ban Chính sách sau khi tiếp nhận giấy tờ có nói với tôi “trường hợp của bác vậy là được rồi”, thế nên tôi yên tâm ra về. Vậy mà đến tháng 4/2016, tôi lại  bị đình chỉ chế độ thương binh…” – ông Khoa nói.

Trao đổi về nội dung “đã giám định hưởng trợ cấp một lần”, theo ông Khoa, đó là cụm từ đề trên giấy chứng thương ông được cấp năm 1968 sau khi chữa lành các vết thương. Ông trao đổi: “Sau khi điều trị, tôi cũng như các đồng đội khác đều được cấp giấy chứng thương để trở lại đơn vị. Giai đoạn đó đâu có ai để ý, cứ thế nhận giấy tờ chứ có được hưởng gì đâu…”.

Biên bản phẫu thuật của Viện Quân y 4 và mảnh đạn có đường kính 0,5 cm được lấy ra trong người cựu chiến binh Hoàng Bá Khoa.
Biên bản phẫu thuật của Viện Quân y 4 và mảnh đạn có đường kính 0,5 cm được lấy ra trong người cựu chiến binh Hoàng Bá Khoa.

Về chuyện điều trị tại Viện Quân y 4, theo ông Khoa là bởi các vết thương cũ bị đau nhức do những mảnh đạn sót lại; hơn nữa, ông cũng muốn chụp chiếu, mổ lấy mảnh đạn để minh chứng cho việc tham gia chiến đấu và bị thương tại chiến trường.

Kiểm tra các giấy tờ của Viện Quân y 4 (gồm bản trích sao bệnh án, biên bản phẫu thuật, giấy ra viện), ông Hoàng Bá Khoa nhập viện ngày 20/5/2016; được chụp X quang, chẩn đoán còn các mảnh kim khí 1/3 dưới cánh tay phải, 1/3 trên cẳng chân phải di chứng chiến tranh; ngày 31/5/2016, ông Khoa được phẫu thuật lấy mảnh kim khí 1/3 dưới cánh tay phải; đến ngày 6/6/2016 thì được ra viện. “Tôi chỉ được Viện Quân y 4 mổ lấy mảnh đạnh ở tay; còn 2 mảnh đạn ở chân phải, do sát động mạch nên Viện Quân y 4 hướng dẫn ra Viện Quân y 108 phẫu thuật mới đảm bảo. Sự thật việc của tôi là như thế…” – ông Khoa xót xa.

Cần xem xét lại

Theo Trung tá Nguyễn Trọng Ngân (Cán bộ Ban Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thực hiện xác minh hồ sơ của ông Hoàng Bá Khoa), sự việc của ông Khoa bắt nguồn từ Kết luận thanh tra số 178/KL-TTr của Chánh thanh tra Bộ LĐTB&XH về việc thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng tại tỉnh Nghệ An. Với cá nhân ông Hoàng Bá Khoa, tại Kết luận thanh tra 178 có nêu việc ông cư trú tại xã Mỹ Sơn, Đô Lương nhưng “không có tên trong sổ theo dõi quân nhân dự bị của Ban Chỉ huy quân sự huyện Đô Lương” nên phải thực hiện xác minh lại.

Sau khi được Ban Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh mời lên làm việc, ông Hoàng Bá Khoa đã về những nơi liên quan cũ xin xác nhận và bổ sung được vào hồ sơ các giấy tờ gồm: Giấy xác nhận số 14/GXN ngày 15/9/2015 của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324; bản gốc giấy xác nhận thương tật không đọc rõ dấu hiệu của đơn vị; bản sao lý lịch đảng viên khai lại năm 1995 và biên bản lý lịch đảng viên. Với những giấy tờ đã bổ sung thì khẳng định ông Khoa có thời gian tham gia bộ đội và bị thương tại chiến trường.

Ban Chính sách sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ của ông Khoa sang Sở LĐTB&XH. Tuy nhiên, do giấy chứng thương có cụm từ “đã giám định hưởng trợ cấp một lần” nên Sở LĐTB&XH đã đình chỉ trợ cấp theo quy định.

Trung tá Nguyễn Trọng Ngân trao đổi rằng, xét hoàn cảnh thời chiến, máy móc thiết bị không có nên việc giám định không đảm bảo chuẩn xác; hơn nữa trên địa bàn có một số trường hợp tương tự ông Khoa nên Ban Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã có văn bản kiến nghị cấp thẩm quyền cho các đối tượng được giám định lại; ai đảm bảo thì phục hồi chế độ để không bị thiệt thòi.

Là người ký Quyết định 1673, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, ông Nguyễn Đăng Dương cho biết sau khi kiểm tra hồ sơ bổ sung của ông Hoàng Bá Khoa, cán bộ của Sở phát hiện ông này đã được giám định hưởng trợ cấp một lần. Vì vậy phải thực hiện đình chỉ chế độ thương binh theo quy định tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP (quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng).

Ông Dương trải lòng, như hồ sơ hiện nay, khẳng định ông Khoa là bộ đội thật, bị thương tại chiến trường thật; và nếu ông chỉ bổ sung những hồ sơ để làm rõ nội dung “không có tên trong sổ theo dõi quân nhân dự bị của Ban Chỉ huy quân sự huyện Đô Lương” như Kết luận thanh tra 178 của Bộ LĐTB&XH thì mọi việc sẽ dừng tại đây; tuy nhiên, “do ông Khoa đã quá thật thà, bổ sung thêm giấy chứng thương nên cán bộ Sở biết việc đã giám định hưởng trợ cấp một lần”.

 Phó Gián đốc Sở LĐTB&XH, ông Nguyễn Đăng Dương: Qua hồ sơ, xác định ông Khoa là bộ đội thật; bị thương tại chiến trưỡng cũng là thật.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, ông Nguyễn Đăng Dương: Qua hồ sơ, xác định ông Khoa là bộ đội thật; bị thương tại chiến trường cũng là thật.

Kết lại sự việc, ông Dương trao đổi: “Thực tế ở chiến trường khoảng năm 1968, công tác giám định khó đảm bảo chính xác, nên dẫn đến có những người bị thương có những mảnh đạn sót lại nhưng không phát hiện được. Như trường hợp của ông Khoa, nếu kiểm tra phát hiện ra những vết thương còn sót thì vẫn có thể giám định lại thương tật để hưởng chế độ. Ông Khoa cần đến Phòng LĐTB&XH của huyện Đô Lương để được hướng dẫn…”.

Như Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, ông Nguyễn Đăng Dương và Trung tá Nguyễn Trọng Ngân trao đổi, thì cựu chiến binh Hoàng Bá Khoa hoàn toàn có hy vọng để được công nhận lại là thương binh.

Liên quan đến chế độ chính sách cho người có công, trên bình diện cả nước, trong đó có Nghệ An, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm giả hồ sơ, được công nhận thương binh. Vì lẽ này, Bộ LĐTB&XH đã phải tiến hành kiểm tra, rà soát lại.

Với những đối tượng giả mạo, phải xử lý theo quy định của pháp luật; tuy nhiên, với những người có thời gian tham gia quân đội, từng chiến đấu và đổ máu tại chiến trường thì cần cân nhắc để có quyết định hợp lý, hợp tình. Bởi nếu có oan ức, ngoài mất chế độ thì đau lòng hơn là việc tổn thương đến danh dự, nhân phẩm. Như trường hợp của ông Khoa, các cơ quan liên quan cần có hướng dẫn để ông được kiểm tra, giám định lại thương tật.

Nhật Lân – Việt Long

TIN LIÊN QUAN

Tin mới