Chuyện Thò Bá Dìa trồng đào trên đất rẫy

(Baonghean) - Theo con đường mòn về với bản Thăm Hín, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, ông Xồng Bá Cha- Chủ tịch Hội Nông dân xã đưa chúng tôi đến thăm vườn đào của anh Thò Bá Dìa. Cả một quả đồi rộng khoảng 1,5 ha không có gì khác ngoài đào, những thân cây to xù xì, đầy rêu phong đang điểm xuyết những cánh hoa đã nở, báo hiệu một mùa Xuân đang đến rất gần, tô đẹp thêm cho bản làng người Mông nơi đây. 

Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước khuôn viên tuyệt vời này. Hỏi chuyện mới biết, gia đình anh Thò Bá Dìa đã trồng vườn đào này nhiều năm. Trước đây, cũng như bao gia đình khác trong xã, gia đình anh Thò Bá Dìa
Vợ chồng anh Thò Bá Dìa bên vườn đào hơn 1.000 gốc.
Vợ chồng anh Thò Bá Dìa bên vườn đào hơn 1.000 gốc.

chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ sản xuất các loại nông sản trên diện tích nương rẫy, rồi trải qua nhiều nghề như nuôi bò vỗ béo, trồng gừng… nhưng lợi nhuận chẳng được nhiều, vất vả tối ngày mà vẫn không khá lên được.

Loay hoay trong việc tìm cách vươn lên phát triển kinh tế ngay trên quê hương mình, anh nhận thấy trong khoảng gần chục năm trở lại đây, vào dịp Tết Nguyên đán các thương lái ở dưới xuôi lên thu mua đào ở Kỳ Sơn. Có bao nhiêu đào người ta mua hết nên người dân trong xã đã chặt những cành đào trong vườn để bán, có nhà đào luôn cả gốc đem bán, cây dáng đẹp được giá từ 2 - 3 triệu đồng.

Nhà nào có nhiều đào trong vườn cũng đủ tiền trang trải mua sắm trong ngày Tết. Nhưng chặt nhiều rồi đào không lên kịp, nhiều người vào rừng khai thác đào, và rồi đào rừng cũng ngày một hiếm. Trong suy nghĩ, Dìa tự nhủ, loại cây này hợp với khí hậu, nhiều người hỏi mua nên phải trồng mới được. Thế là anh bắt tay vào nhân rộng những gốc đào trên vườn đồi.  

Với bản tính năng động, cộng thêm niềm say mê, năm 2007, anh bàn với gia đình mạnh dạn chuyển đổi diện tích nương rẫy trước kia trồng ngô cho năng suất thấp sang trồng đào. Ban đầu anh chỉ thu gom hạt về gieo thử, thấy cây phát triển nhanh. Để nhân rộng diện tích đào, anh bán đàn bò 5 con, vay thêm vốn, thuê người cất công đi đến các bản trong xã và các xã lân cận mua cây nhỏ trong vườn người dân về trồng. Tích tiểu thành đại, đến nay anh đã trồng được 1.000 gốc đào loại từ 5 - 6 năm và vài trăm cây còn nhỏ. Sự cần cù, khéo léo của anh nay đã được đền đáp bằng một vườn đào đẹp đến không ngờ.
Khi được hỏi anh tính toán như thế nào mà trồng nhiều như thế, Thò Bá Dìa vui vẻ trả lời: “Đào là cây mà người dân quê mình trồng từ lâu rồi, người dân thường gọi là đào phai hay đào rêu, nó là cây ăn quả vừa là cây làm cảnh trong ngày Tết, rất dễ trồng, công chăm sóc ít, lại phù hợp với đất đai, điều kiện thời tiết khí hậu nơi đây, hơn nữa thú chơi đào của người dân trong những năm gần đây đã chuyển từ đào Nhật Tân sang chơi đào cành. Điều khác biệt là đào ở Kỳ Sơn trồng trong sương lạnh, nên thân xù xì mọc nhiều rêu, dáng rất tự nhiên, búp nhiều và to, khi nở cánh hoa tươi lâu, được người dân ưa thích…”. Tết năm 2012, anh đã bán tỉa một số cành lớn thu được gần 10 triệu đồng, năm nay dự kiến sẽ bán được hơn gấp đôi số tiền ấy và trong thời gian tới anh sẽ tìm hiểu các loại sách, thông tin trên mạng và đi các vùng trồng đào có tiếng để học hỏi kinh nghiệm về tạo thế, tỉa cành, cách cho đào nở hoa đúng ngày Tết… như thế giá trị của cây đào sẽ cao hơn. Mục tiêu của anh năm nào cũng trồng và với diện tích đất rộng, có thể trồng được 10.000 cây. Như vậy, năm nào anh cũng có đào để bán ra thị trường. 
Ngoài việc trồng đào với số lượng lớn, anh Dìa có chiến lược lấy ngắn nuôi dài bằng việc tiếp tục nuôi 5 con bò địa phương, vay vốn nuôi nhím, đến nay đàn nhím tăng lên 12 con và có giá trị đến 100 triệu đồng. Anh đang có ý định đầu tư vốn nuôi lợn đen và gà đen giống địa phương, những sản phẩm đang được thị trường rất ưa chuộng. Đồng chí Xồng Chống Lầu - Phó Bí thư Đảng ủy - Trưởng khối Dân vận xã Nậm Càn cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình của anh Dìa. Đây là một trong những điển hình tiên tiến, dám nghĩ, dám làm trên địa bàn vốn khó khăn của xã. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền vận động bà con có diện tích đất rẫy xấu chuyển sang các mô hình cây trồng có hiệu quả để tăng nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong đó, việc nhân rộng cây đào hàng hóa là một hướng đi có thể xây dựng thương hiệu đào Kỳ Sơn cung cấp cho thị trường mỗi khi Tết đến, Xuân về… Để các mô hình kinh tế trên địa bàn xã phát triển bền vững, chúng tôi đang rất cần các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ bà con vay thêm vốn, được tập huấn về khoa học kỹ thuật để khai thác tiềm năng đất đai của địa phương theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa”.
Tạm biệt vườn đào đang nở những cánh hoa với ánh hồng phơn phớt giữa muôn vàn nụ, chúng tôi nhận thấy trong ánh mắt của anh Dìa ánh lên niềm phấn khởi. Một mùa Xuân mới đang về với sắc đào tươi thắm. Ngày mai, những cánh hoa sẽ tỏa khắp mọi miền tô điểm cho ngày Tết, đồng nghĩa với việc gia đình anh Dìa sẽ có thêm khoản thu nhập kha khá. Đất rẫy bây giờ đang nở hoa…
Trần Văn Đức
(Huyện ủy Kỳ Sơn)

Tin mới