'Coi trọng bảo vệ môi trường để doanh nghiệp phát triển bền vững'

(Baonghean) - Sau khi một số người dân có ý kiến về công tác bảo vệ môi trường ở các khu vực của Công ty CP xi măng Sông Lam, ông Đinh Quốc Quyền - Tổng Giám đốc đã trao đổi về vấn đề này.

PV: Thưa ông, có một số cử tri ở xã Bài Sơn (Đô Lương), nơi Nhà máy Xi măng Sông Lam đứng chân phản ảnh: “Quá trình vận hành, nhà máy mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương, nhưng có hiện tượng khói, bụi gây ô nhiễm”. Ông lý giải như thế nào về vấn đề này?

Ông Đinh Quốc Quyền - Tổng giám đốc Công ty Xi măng Sông Lam trong lễ phát động trồng cây bảo vệ môi trường đầu năm 2017. Ảnh: N.S
Ông Đinh Quốc Quyền - Tổng giám đốc Công ty Xi măng Sông Lam trong lễ phát động trồng cây bảo vệ môi trường đầu năm 2017. Ảnh: N.S

Ông Đinh Quốc Quyền: Trước tiên, chúng tôi ghi nhận tất cả ý kiến của người dân xung quanh vùng nhà máy đứng chân, từ đó tăng cường kiểm tra tất cả các công đoạn sản xuất để làm rõ.

Về vấn đề khói, bụi mà một số người dân phản ánh, chúng tôi thấy rằng quá trình thi công xây dựng nhà máy trước đây, đôi lúc có thể có hiện tượng khói, bụi, tuy nhiên chưa đến mức gây ô nhiễm.

Thực tế khi đi vào sản xuất clinker từ đầu năm 2017 đến nay, khói bụi được khống chế. Bởi công nghệ sản xuất của nhà máy được nhập từ Châu Âu, trong đó, hệ thống lọc bụi tĩnh điện rất hiện đại, hiệu suất lọc bụi đạt 98,8%. Như thế, lượng bụi phát tán ra môi trường gần như không có.

Lượng bụi mà lọc bụi thu được đưa về silo liệu, bởi đó chính là bột liệu làm nên clinker. Theo tính toán, mỗi ngày, các túi lọc bụi của nhà máy thu được lượng bụi (silo) trị giá trên 20 triệu đồng. Vì vậy, quá trình sản xuất, chúng tôi luôn quan tâm, quán triệt nâng cao hiệu suất của lọc bụi vừa bảo vệ môi trường, vừa không bị thất thoát nguyên liệu, đem lại nguồn thu cho công ty.

Cùng đó, hàng ngày, trong khuôn viên nhà máy, chúng tôi có đội vệ sinh công nghiệp, dọn dẹp sạch sẽ, tưới nước nhiều lần trên hệ thống giao thông nội bộ nhằm giảm tối đa bụi khi các xe ra, vào nhận clinker. Công ty cũng đang đẩy mạnh trồng cây xanh trong khu vực để cải thiện môi trường sinh thái. Nếu người dân nào còn phân vân những vấn đề trên, chúng tôi sẵn sàng mời vào tham quan nhà máy để thấy được những nỗ lực của đơn vị.

Và để được đi vào hoạt động, nhà máy đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn. Một lần nữa chúng tôi khẳng định rằng, Tập đoàn Xi măng The Vissai đầu tư trên 13.000 tỷ đồng xây dựng cụm nhà máy và kế hoạch hoạt động trên địa bàn hàng chục năm. Vì vậy, chính chúng tôi phải lo lắng và triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. 

Nhà máy xi măng Sông Lam ở Đô Lương (Nghệ An) đi vào hoạt động ổn định sản xuất Clinker cuối tháng 11/2016.
Nhà máy xi măng Sông Lam ở Đô Lương (Nghệ An) đi vào hoạt động ổn định sản xuất Clinker. Ảnh: Nhật Minh

PV: Một số ý kiến cũng cho rằng, quá trình vận hành, nhà máy xi măng khai thác mỏ có nhiều tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân quanh vùng?

Ông Đinh Quốc Quyền: Về tiếng ồn, trong hoạt động công nghiệp, nhất là liên quan đến khai thác mỏ nguyên liệu như xi măng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, như chúng tôi nêu trên, những chỉ số này trong ngưỡng cho phép đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt khi đánh giá tác động môi trường. Định kỳ có đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thanh tra.

Về khai thác mỏ, tất yếu sử dụng mìn để bóc vỉa các tầng đá. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi xây dựng quy trình chặt chẽ và yêu cầu các đơn vị chia nhỏ các gói nổ để đảm bảo an toàn và giảm tiếng ồn cũng như chấn động. Và mỗi lần nổ mìn đều phối hợp chặt chẽ với chính quyền để thông báo cho người dân quanh vùng biết. Thông qua đó, người dân cũng có thể kiểm soát, đánh giá được thực tế.

Như tôi đã khẳng định, Nhà máy Xi măng Sông Lam hoạt động lâu dài trên địa bàn, trở thành một “thành viên” của xã Bài Sơn nói riêng và của cả tỉnh nói chung, nên chúng tôi luôn chú trọng đảm bảo an toàn cao nhất trong sản xuất và đảm bảo hài hòa lợi ích, môi trường xung quanh.

Công tác vệ sinh công nghiệp và tưới nước trong khuôn viên Nhà máy Xi măng Sông Lam. Ảnh: N.S
Công tác vệ sinh công nghiệp và tưới nước được thực hiện hàng ngày trong khuôn viên Nhà máy Xi măng Sông Lam. Ảnh: N.S

PV: Xin ông cho biết thêm, về lâu dài, công tác bảo vệ môi trường của nhà máy có được duy trì, cải thiện như thế nào?

Ông Đinh Quốc Quyền: Điều đó, chúng tôi cam kết nỗ lực thực hiện. Bởi công nghệ sản xuất của nhà máy rất hiện đại và được bảo dưỡng thường xuyên. Cùng đó, những giải pháp trồng cây xanh, tăng cường vệ sinh công nghiệp được chú trọng.

Một vấn đề nữa bà con các xã Bài Sơn (Đô Lương) và Nghi Thiết (Nghi Lộc) có thể yên tâm, là cụm nhà máy trên địa bàn có sự tách biệt, một nơi sản xuất clinker và một nơi nghiền xi măng (một số nhà máy khác cả 2 lĩnh vực tập trung 1 chỗ). Chính sự tách biệt đó sẽ giảm tải được sức ép khói bụi, tiếng ồn.Tất nhiên, như tôi đã khẳng định, điều quan trọng nhất là ý thức của công ty luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Qua đây, chúng tôi cũng phản bác một số ý kiến cho rằng, hệ thống xe vận tải clinker của công ty giữa hai khu vực sản xuất qua đường N5 quá tải. Điều này hoàn toàn không xảy ra. Bởi thực tế, trên tuyến đường có các lực lượng Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, lực lượng liên ngành thường xuyên kiểm soát. Cùng đó, quá trình xuất hàng hóa, chúng tôi có trạm cân, phiếu xuất chặt chẽ nên không để tình trạng chở quá tải. Cái này, hàng ngày ở trạm cân của nhà máy đều lưu nhật ký, phiếu cân cho từng chuyển xe phù hợp với tải trọng ô tô theo phiếu đăng kiểm của lực lượng chức năng.

Các nhà máy của Công ty Xi măng Sông Lam mới đi vào hoạt động năm đầu tiên và sẽ còn sản xuất hàng chục năm tới, vì vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền và nhân dân các địa phương tiếp tục đồng hành như thời gian vừa qua để cùng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Nghệ An.

PV: Cảm ơn ông về những trao đổi trên!

Nguyên Nguyên (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới