Cơm cháy Quỳnh Bá

(Baonghean) - Tang tảng sáng, đường làng Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) đã rậm rịch bước chân các chị, các mẹ đi làm cơm cháy. Họ tranh thủ lúc nông nhàn đến xưởng chuyên sản xuất cơm cháy ở xã Quỳnh Bá làm thêm. Người chiên cơm, người đóng gói, người pha chế gia vị, người làm ruốc bông, mỗi người đảm nhận một phần việc với niềm vui bình dị.
Một công đoạn làm cơm cháy ở Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu).
Một công đoạn làm cơm cháy ở Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu).
Chị Phạm Thị Hải (43 tuổi) ở xóm 4, xã Quỳnh Bá, ngày nắng cũng như mưa, đúng 6 giờ 30 phút sáng đã có mặt ở cơ sở sản xuất cơm cháy. Chị Hải bảo: "Từ ngày chú Hải đầu tư mua sắm dây chuyền làm cơm cháy, không còn làm thủ công như trước, chị em đỡ vất vả hơn nhiều. Trước đây, khâu nấu cơm mệt lắm. Bình quân một người một ngày nấu dăm bảy cân đến 1 yến gạo, chủ yếu nấu bếp củi khói nhèm cả mắt. Một lần nấu chỉ được 5 lượng gạo, ngày hè, có người thức dậy từ 3h sáng nấu cơm rồi". "Sao không nấu bằng nồi to cho tiện hả bác?", "Cơm để làm cơm cháy không nấu được bằng nồi. Thứ nhất, gạo nở không đều hạt, nơi khô nơi ướt. Nấu khay i nốc mới không bị cháy cơm, hạt cơm trắng đều và ngon như nhau. Lúc đầu vào làm, tui cứ ngỡ làm cơm cháy là cơm phải nấu cho cháy vàng, hóa ra không phải. Trước khi làm cơm cháy phải là cơm trắng tinh, sau khi xới cơm ra từng cái mâm, đợi nguội, dùng môi, ước lượng lấy số lượng cơm vừa đủ để dặt một khuôn tròn to độ cái miệng của chiếc bát tô. Người thợ cơm cháy phải dàn cơm cho thật chặt, tạo hình tròn rồi mới đem chiên. Trước khi chiên phải gia giảm độ mặn vừa ăn, không quá nhạt cũng không được quá mặn, rồi mới bỏ cơm vào chảo dầu chiên cơm. Người nấu cơm, chiên cơm quan trọng bao nhiêu thì người chế biến ruốc bông để rải lên hai mặt miếng cơm đã chiên trước khi đóng gói càng quan trọng. Ruốc bông cũng phải chọn thịt ngon, nước mắm đặc biệt, làm được như vậy cơm chiên có để mấy tháng cũng không bị hỏng, ăn vẫn thơm ngon...".
Chị Hải thoăn thoắt chiên cơm, 1 phút chị đã chiên xong một tấm cơm cháy. Từ tấm cơm trắng phút chốc đã vàng ươm, thật bắt mắt. Chị Hải bảo: "Mười chị em với tui trước khi đến với công việc cơm cháy không ai quen biết ai. Từ khi vào làm việc cùng nhau, trở nên thân thiết như chị em một nhà. Làm nghề ni quý là ở chỗ đó. Ai có khó khăn, thuận lợi đều sẻ chia cùng nhau”. Vừa rồi, cu Hoàng (con chị Liên, cùng làm cơm cháy) đi thi đại học, tuy chưa có kết quả nhưng thầy cô giáo khảo bài biết chắc chắn là đậu, mừng quá mấy chị em góp tiền lại mua tặng cho cháu 2 chiếc áo sơ -mi, mẹ con chị Liên cảm động lắm. Cu Hải bảo sẽ cố gắng học tập thật tốt, mai này làm chỗ dựa cho các dì. Tôi đọc được trong ánh mắt chị Hải sáng ngời niềm vui và lấy làm tự hào khi trong đội thợ làm cơm cháy có những người con chăm ngoan, học giỏi. Thảo nào, ngày nào đi làm cơm cháy, các chị cũng rôm rả chuyện nhà, chuyện con rồi chuyện gia đình...
Bà Liên, người được gọi là "chị cả", đảm nhận làm ruốc bông. Bà cặm cụi xé từng thớ thịt, giã cho đến khi thịt tơi, khô rồi mới đem lên bếp rang lần cuối cho thịt và gia vị ngấm vào nhau, rồi đổ ra rá để nguội, rải từng thìa lên miếng cơm cháy đã chiên vàng.
Những người đến với công việc làm cơm cháy ở Quỳnh Bá một phần vì họ muốn kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình lúc nông nhàn, một phần những người già tìm thấy niềm vui trong công việc, có tiền ăn quà, ăn bánh, nhai trầu, thưởng cho con cháu. Quan trọng hơn, họ được làm công việc mà mình yêu thích. Bà Liên bảo: "Mình được tự tay làm những miếng cơm cháy quê nhà, được người ăn họ khen, vui lắm chứ. Làm nghề chi cũng cần có cái tâm, khi mình đặt cái tâm vào công việc thì sẽ nhận được niềm vui".  
Ở Quỳnh Bá có 2 cơ sở chuyên làm cơm cháy bán cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Một tuần một lần xe ô tô về lấy hàng nhập các đại lý, rộn ràng một làng quê. Nghề làm cơm cháy, cả chủ lẫn người lao động  tuy không giàu nhưng họ có một môi trường làm việc vui vẻ, ấm áp. Tầm 5 giờ sáng mùa hè và 7 giờ sáng mùa đông, chị em lại rủ nhau đi làm cơm, tiếng nói cười rôm rả. Đến trưa, chủ và thợ sum vầy bên mâm cơm.
Thu Hương

Tin mới