Công trình thủy lợi xuống cấp: Khó đảm bảo tưới tiêu

(Baonghean) - Để đảm bảo thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho vụ xuân 2014, huyện Nghi Lộc tích cực chỉ đạo toàn dân chung sức làm thủy lợi nội đồng, khơi thông kênh mương, tu bổ, gia cố những điểm sạt lở… Tuy nhiên, do hạ tầng kênh mương trên địa bàn xuống cấp trầm trọng nên công tác thủy lợi vẫn còn những bất cập, ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nghi Lâm là xã vùng bán sơn địa ở cuối nguồn  nước, nhiều diện tích ruộng bậc thang nên gặp khó khăn về nước tưới, 50% diện tích tưới tiêu không chủ động. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm đảm nhiệm công tác thủy lợi trên địa bàn xã với 9 trạm bơm, 3 hồ đập, 52 km kênh bê tông cấp 1, cấp 2, trong đó Công ty Thủy lợi Nam phục vụ tưới 230 ha. Hàng năm, HTX đều khảo sát hệ thống kênh mương tưới tiêu toàn xã để kịp thời tu bổ, bồi đắp những đoạn kênh mương xuống cấp. Hiện nay, xã đang phát động toàn dân làm giao thông, thủy lợi, khoảng 60 km kênh N1, N2 đã được nạo vét.
Cùng với công tác dồn điền đổi thửa, toàn xã đã đào đắp 20.000m3 đất bờ vùng, bờ thửa kênh mương. Được biết, 52 km kênh mương bê tông của xã được thi công từ năm 2002 theo chương trình tỉnh đầu tư xi măng, dân bỏ công và vật liệu đến nay đã hư hỏng xuống cấp 80%. Vì thế, người dân địa phương hàng năm đều tích cực khắc phục bằng cách đắp đất bao phủ bờ kênh, nhưng nguồn nước vẫn thất thoát, vào mùa nắng thường bị hạn hán cục bộ, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Ngoài ra, gần 100 km kênh đất (kênh nhánh) dẫn nước vào ruộng do dân đảm nhận nạo vét, hiện cũng xuống cấp nặng, song nhờ chuyển đổi ruộng đất vừa qua hệ thống kênh đất đã được tu bổ, nâng cấp.
Ông Nguyễn Xuân Vinh – Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm chia sẻ: Cái khó cho HTX năm nay là bất cập trong việc cấp bù thủy lợi phí, từ năm 2012 trở về trước, nguồn cấp bù thủy lợi phí kịp thời, tạo điều kiện cho HTX ngay từ đầu vụ để tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi. Năm 2013, mới cấp được 2/3 số kinh phí, khiến HTX thiếu vốn để tu bổ kênh mương và trả tiền điện. Bên cạnh đó, năm 2013, Công ty Thủy lợi Nam thu 40% kinh phí tạo nguồn trong tổng số tiền cấp bù thủy lợi phí, nhưng đầu năm không có kế hoạch thông báo, đến giữa năm mới có chủ trương này, khiến HTX bị động do nguồn kinh phí đã được đầu tư mua máy trạm bơm và tu bổ kênh mương, nay phải đi vay để trả, rất khó khăn về nguồn vốn.
Nông dân Nghi Lâm ra quân làm giao thông thuỷ lợi nội đồng gắn với dồn điền, đổi  thửa.
Nông dân Nghi Lâm ra quân làm giao thông thuỷ lợi nội đồng gắn với dồn điền, đổi thửa.
Tại xã Nghi Hoa, công tác thủy lợi được chính quyền địa phương và nhân dân chú trọng, toàn xã đang tập trung dồn điền, đổi thửa kết hợp chỉnh trang đồng ruộng, với tổng khối lượng đã đào đắp được 17.000m3. Hiện, từ hệ thống kênh cấp 2 trở lên khoảng 14km đã bê tông hóa xong, trong đó một số tuyến được làm từ năm 2007, nay xuống cấp, xã đang tu sửa. Đối với hệ thống kênh đất sẽ được nạo vét toàn bộ các tuyến mương tưới tiêu, đảm bảo đưa cơ giới vào đồng ruộng thuận lợi, nhân dân rất phấn khởi. Vụ xuân 2014, xã Nghi Hoa dự kiến sản xuất hơn 235 ha lúa, 28,6 ha màu. Với sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong công tác thủy lợi nội đồng, tin tưởng sau đợt chỉnh trang đồng ruộng, nạo vét kênh mương đồng bộ này sẽ đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho sản xuất vụ xuân đạt hiệu quả tốt.
Ông Ngô Ngọc Hoan- quyền Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Nghi Lộc cho biết: Xí nghiệp Thủy lợi huyện quản lý 8 hồ chứa, 5 trạm bơm, hiện nay mực nước các hồ đạt ngang với cao trình của tràn, đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới cho vụ đông xuân 2013 - 2014. Tuy nhiên, các hồ chứa do thời gian xây dựng quá lâu nên đã xuống cấp, 3 hồ nguy hiểm gồm hồ Nghi Công, hồ Khe Xiêm, hồ Khe Làng, công trình có hiện tượng thẩm thấu, xuống cấp nghiêm trọng. Tuyến kênh chính 34 km, trong đó 20km kiên cố hóa nhưng chỉ 5 km phát huy được, còn 15 km xuống cấp nặng. Đồng thời 14 km kênh đất vùng hồ cũng bị sạt lở do thiên tai.
Trước thực trạng này, để đảm bảo phục vụ tưới tiêu trên địa bàn, Xí nghiệp thường xuyên khắc phục sự cố sạt lở nhưng sau mỗi mùa mưa bão các công trình lại bị hư hỏng. Thêm vào đó hệ thống kênh nội đồng do địa phương quản lý đã xuống cấp nặng, chưa duy tu bảo dưỡng thường xuyên, gây thất thoát nước nhiều, sau khi nước bơm từ kênh chính xuống kênh cấp 1, cấp 2, do hệ thống kênh mương không đảm bảo nên nước chảy tràn từ ruộng này sang ruộng khác, rất lãng phí nước. Vào mùa hè, Xí nghiệp thủy lợi huyện phải bơm nước thường xuyên, rất tốn chi phí tiền điện.
Từ thực tế cho thấy hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Nghi Lộc, nhất là hệ thống tiêu úng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất do các tuyến kênh bị bồi lắng, sạt lở chưa được khắc phục. Nhiều xã chưa tập trung huy động nhân dân nạo vét, đào đắp kênh mương thủy lợi nội đồng để giữ trữ nước sản xuất cũng như tiêu úng kịp thời khi có lũ lụt xảy ra. Việc huy động nhân dân tham gia nạo vét, tu bổ công trình thủy lợi còn ít, thậm chí một số xã còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, hoặc sử dụng kinh phí cấp bù thủy lợi phí để triển khai nên hiệu quả không cao.
Kế hoạch sản xuất vụ xuân 2014 của huyện Nghi Lộc gồm 7.400 ha lúa, 3.600 ha lạc, 1.000 ha ngô và 500 ha rau màu. Theo đó, thủy lợi đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất là vô cùng quan trọng, nhưng với thực trạng hạ tầng thủy lợi như trên sẽ khó khăn không nhỏ trong việc tưới tiêu, khó đảm bảo năng suất, sản lượng từ các loại cây trồng đã cơ cấu. Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, sau các cơn bão từ số 8  - 12, các công trình thủy lợi trên địa bàn bị hư hỏng nhiều, huyện đang tập trung tu sửa hệ thống kênh mương cấp 1, hồ đập, trạm bơm ở Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Diên, Nghi Thuận… với tổng kinh phí dự kiến khoảng 15 tỷ đồng.
Huyện tăng cường phối hợp với Công ty Thủy lợi Nam để sửa chữa các công trình trọng điểm nhằm đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất vụ xuân và các vụ tiếp theo. Huyện Nghi Lộc tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng kênh mương thủy lợi như hỗ trợ 25% giá trị công trình kênh mương các loại. Đồng thời lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước như chương trình cấp bù thủy lợi phí, Nghị định 42 của Chính phủ về hỗ trợ hạ tầng đất trồng lúa, kết hợp huy động sức dân cùng làm thủy lợi nội đồng.
Quỳnh Lan

Tin mới