Công ty CP Mía đường Sông Con chú trọng chăm sóc mía sau lũ và nâng cấp thiết bị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Ngoài chăm sóc tốt vùng mía nguyên liệu, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con còn chú trọng nâng cấp thiết bị dây chuyền sản xuất tại nhà máy để nâng cao chất lượng sản phẩm đường, đủ sức cạnh tranh với thị trường. 

Tích cực chăm sóc mía sau lũ

Những ngày này, bà con nông dân huyện Tân Kỳ đang tích cực ra đồng chăm sóc mía sau khi nước lũ rút. Một trong những khâu chăm sóc quan trọng là bóc lá già để phòng bệnh và cho cây mía hấp thụ ánh sáng nhiều hơn. Với những diện tích mía trồng muộn, bà con tiến hành cày xả gốc, bón thúc phân.

bna_những ruộng mía trồng muộn, bà con tích cực chăm sóc để đạt năng suất cao. Ảnh Xuân Hoàng.jpg
Bà con nông dân huyện Tân Kỳ chăm sóc mía nguyên liệu. Ảnh: Xuân Hoàng

Bà Nguyễn Thị Mai ở xã Tân Long (Tân Kỳ) cho hay, gia đình bà có 9 sào mía nguyên liệu, trận lũ vừa qua gây ngập hoàn toàn. Sau khi nước rút, một số cây mía bị đổ, gia đình kịp thời dựng lên, đắp đất ém chặt gốc.

“Hiện cây mía đã cao hơn 2m, còn vài tháng nữa là đến ngày thu hoạch, do vậy, gia đình tích cực chăm sóc để đạt năng suất, chất lượng mía cao. Nếu như năm nay nhà máy vẫn thu mua với giá trên 1 triệu đồng/tấn thì người trồng mía có lãi khá”, bà Mai chia sẻ.

Ông Nguyễn Sỹ Hải - cán bộ phụ trách nông vụ, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết: Thời điểm này, cây mía đang giai đoạn vươn đốt. Tuy nhiên, trên một số diện tích đã xuất hiện sâu đục thân và rệp xơ bông trắng. Do đó, để phòng trừ rệp, bà con nông dân cần tiến hành bóc hết lá già để ruộng mía được thông thoáng; cùng đó, theo dõi các sâu, bệnh để sớm xử lý. Nhìn chung năm nay thời tiết khá thuận lợi nên cây mía phát triển ổn định. Trong trận lũ vừa rồi, mặc dù một số diện tích bị ngập nước, nhưng sau khi nước rút, bà con xử lý kịp thời nên không ảnh hưởng.

bna_Mía nguyên liệu đang ở mức giá cao, là động lực để người nông dân “bám” cây mía.jpg
Bóc lá già để ruộng mía thông thoáng, giảm sâu, bệnh và cây mía hấp thụ được nhiều ánh sáng. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Sỹ Hải cũng cho biết thêm: “Hiện nay, ngoài chăm sóc mía, cán bộ nông vụ còn khảo sát tình hình giao thông nội vùng nguyên liệu để tới đây Công ty tiến hành tu sửa giao thông để phục vụ cho vụ thu hoạch mía niên vị 2023 – 2024. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, năm nào công ty cũng đầu tư 1 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Mục đích của công ty là đảm bảo giao thông thuận tiện để phương tiện vào tận ruộng chở mía, giảm chi phí cho bà con”.

Nâng cao chất lượng sản phẩm đường

Xác định nâng cao sản phẩm đường là sự sống còn của nhà máy và giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định từ cây mía, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con đã và đang đầu tư nâng cao công nghệ dây chuyền sản xuất.

bna_Những năm gần đây, Công ty CP mía đường Sông Con đẩy mạnh cơ giới hoá vào sản xuất mía nguyên liệu. Ảnh Xuân Hoàng.jpg
Những năm gần đây, Công ty CP Mía đường Sông Con đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nguyên liệu. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết: Nâng cao chất lượng sản phẩm đường là một trong những chiến lược phát triển của đơn vị. Năm trước, công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng lắp đặt nồi nấu đường công nghệ mới và nay tiếp tục cải tiến hệ thống sấy của đường để nâng kích thước hạt và giảm độ ẩm của đường. Trên thị trường hiện nay, nhiều sản phẩm đường có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt; việc công ty không ngừng nâng cao sản phẩm, nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đủ sức cạnh tranh với thị trường.

Cũng theo ông Quý, mấy năm gần đây, thị trường đường ổn định ở mức cao, do đó, giá mía nguyên liệu cũng được công ty thu mua với giá cao, trên 1 triệu đồng/tấn. Đây là cơ hội để người dân bám cây mía, ổn định đời sống.

“Nếu đến vụ thu hoạch, đường vẫn giữ giá cao như hiện nay thì mía nguyên liệu sẽ vẫn được thu mua với giá như năm trước. Tuy nhiên, thị trường có thể thay đổi nên công ty chưa thể khẳng định được giá mía tới đây như thế nào”, ông Nguyễn Bá Quý chia sẻ.

bna_9 (1).jpg
Dây chuyền sản xuất đường của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con. Ảnh: Xuân Hoàng

Cũng như các năm trước, vụ ép niên vụ 2023 – 2024 của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con sẽ thu mua mía nguyên liệu cho bà con vào đầu tháng 12. Hiện nay, vùng nguyên liệu của công ty vẫn giữ ổn định gần 5.000 ha, trong đó, hơn 3.500 ha trên địa bàn huyện Tân Kỳ, còn lại là các huyện Đô Lương, Yên Thành, Anh Sơn, Con Cuông…

Các giống mía được trồng chủ yếu là KK3 và LK92-11. Đây là 2 giống mía cho năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được nắng hạn, đã được đưa vào trồng trên đất Tân Kỳ nhiều năm nay. Để vùng mía nguyên liệu không ngừng tăng năng suất, sản lượng, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con tiếp tục tuyển chọn những giống mía mới có tiềm năng để dần thay thế các giống cũ.

Niên vụ mía 2023 – 2024, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con hỗ trợ bà con nông dân 7.000 tấn bùn mía đã qua xử lý và cho vay trả sau khoảng 2.000 tấn phân bón các loại. Cùng đó, công ty còn trồng thử nghiệm giống mía mới K95-51 vừa được nhập từ Thái Lan về (giống mía này trồng ở Thái Lan cho năng suất trên 140 tấn/ha). Trong vụ ép vừa rồi, công ty đầu tư 5 tỷ đồng lắp đặt nồi nấu đường công nghệ cao của Ấn Độ để nâng cao chất lượng đường thương phẩm.

Tin mới