Củng cố pháp lý, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng

Củng cố pháp lý, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các tổ chức tín dụng trên địa bàn Nghệ An đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, trong đó tập trung củng cố pháp lý, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Cần thiết sửa đổi

Luật Các tổ chức tín dụng đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm triển khai, các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động của tổ chức tín dụng tồn tại một số vướng mắc với các luật khác: Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã; một số nghiệp vụ của tổ chức tín dụng chưa được quy định tại luật gây khó khăn trong việc thực hiện, ví dụ như: hoạt động ngân quỹ, hoạt động giao đại lý thanh toán…

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng. Ảnh: Thu Huyền

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng. Ảnh: Thu Huyền

Luật Các tổ chức tín dụng được ban hành từ năm 2010, cho đến nay, các Luật liên quan đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… Do đó, một số quy định tại Luật các tổ chức tín dụng cần xem xét sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất với các quy định của các Luật nói trên.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 10 chương, 200 điều quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản, xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Ngân hàng Chính sách thực hiện theo quy định của Chính phủ. Dự thảo Luật kế thừa Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành và bổ sung 1 chương về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An, việc góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hệ thống, phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Qua đó, góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng…

Giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Thu Huyền

Giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Thu Huyền

Đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng

Mới đây, tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An tổ chức, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến quan trọng. Các ý kiến tập trung vào các quy định về tổ chức quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng; quy định về hoạt động ngân hàng điện tử và các quy định bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; quy định về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; quy định quản lý, đóng, mở các tài khoản ngân hàng…

Đại diện các ngân hàng nhấn mạnh vấn đề quyền và trách nhiệm của người vay phải được quy định rõ ràng chính xác trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, phải chi tiết trách nhiệm của người vay để tránh việc né tránh trách nhiệm và dễ xử lý vấn đề nợ xấu của ngân hàng...

Chẳng hạn, Điều 93, Khoản 4 và Khoản 5 tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng. Về nội dung này, ông Lê Hồng Quảng - Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Vinh góp ý: Khách hàng có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết, hoàn trả nợ gốc, lãi, phí đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận. Khách hàng có nghĩa vụ phối hợp với tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm về các thông tin do khách hàng cung cấp trong quá trình kiểm tra, giám sát việc sử dụng khoản cấp tín dụng của khách hàng. Tổ chức tín dụng có quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng, yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và cung cấp tài liệu chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn.

“Tôi kiến nghị sửa đổi theo hướng bỏ quy định về nghĩa vụ kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay mà chỉ quy định kiểm tra, giám sát vốn vay là quyền của tổ chức tín dụng và việc sử dụng vốn vay đúng mục đích phải là nghĩa vụ và trách nhiệm của bên đi vay. Trên thực tế, việc thực hiện kiểm tra sử dụng vốn vay đối với toàn bộ các khoản vay, đặc biệt là các khoản vay giá trị nhỏ qua kênh điện tử, khoản vay thấu chi, các khoản vay được bảo đảm đầy đủ bằng tài sản có tính thanh khoản cao… không khả thi. Theo xu hướng mới, tổ chức tín dụng nên được chủ động quy định hoạt động kiểm tra sử dụng vốn vay phù hợp với từng loại hình khách hàng, mục đích, giá trị khoản vay cũng như các mô hình cảnh báo được xây dựng với mục tiêu đảm bảo an toàn vốn vay của tổ chức tín dụng” - ông Quảng đề nghị.

Quy định về hoạt động ngân hàng điện tử và các quy định bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng là vấn đề đặt ra hiện nay. Ảnh: Thu Huyền
Quy định về hoạt động ngân hàng điện tử và các quy định bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng là vấn đề đặt ra hiện nay. Ảnh: Thu Huyền

Góp ý vào Điều 93, Khoản 5 nội dung dự thảo quy định tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và cung cấp tài liệu chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn; ông Lê Hồng Quảng - Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Vinh đề nghị: Với Điều 93, Khoản 5 dự thảo quy định: Tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng báo cáo việc sử dụng vốn vay và cung cấp tài liệu chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn. Tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung: tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng báo cáo việc sử dụng vốn vay và cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh. Đề nghị thêm cụm từ “dữ liệu” để phù hợp với việc cấp tín dụng thông qua phương tiện điện tử.

Tại Mục a, Khoản 2, Điều 93 của dự thảo, xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay, cần quy định rõ khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống có mức giá trị nhỏ là bao nhiêu để các tổ chức tín dụng dễ thực hiện các quy định của Luật.

Bà Lê Thị Mộng Lý - Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Nghệ An đề xuất

Liên quan đến quy định hạn chế cấp tín dụng ở Điều 126 của dự thảo: TCTD không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng sau: người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng đó; bà Lý cho rằng, cần bỏ nội dung này, bởi số lượng người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng là khá lớn, khi đây là nghiệp vụ lớn của ngân hàng. Trong công tác phê duyệt cấp tín dụng đã được tách bạch các khâu, đảm bảo không xung đột lợi ích, vì vậy, người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng cũng chỉ là 1 vị trí nghiệp vụ như các nghiệp vụ khác: đề xuất tín dụng, giải ngân, giao dịch viên…

Nhiều ý kiến cho rằng cần tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý tranh chấp tài sản, rút gọn xử lý nợ xấu. Trong ảnh: Một hộ dân ở xã Nghi Phú, Thành phố Vinh thế chấp bất động sản vay vốn Ngân hàng VPbank nhưng hiện chưa xử lý được. Ảnh: Thu Huyền
Nhiều ý kiến cho rằng cần tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý tranh chấp tài sản, rút gọn xử lý nợ xấu. Trong ảnh: Một hộ dân ở xã Nghi Phú, Thành phố Vinh thế chấp bất động sản vay vốn Ngân hàng VPbank nhưng hiện chưa xử lý được. Ảnh: Thu Huyền

Đặc biệt, vấn đề xử lý nợ xấu thu hút sự quan tâm của nhiều ngân hàng. Ông Trần Văn Đức - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Agribank chi nhánh Nghệ An chia sẻ: Xử lý nợ xấu là vấn đề cấp chi nhánh rất trăn trở. Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2017. Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng, trao cho ngân hàng quyền xử lý tài sản; các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết. Qua đó, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cần bổ sung luật hóa tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cơ hội xử lý tranh chấp tài sản, rút gọn xử lý nợ xấu…

Đại diện các ngân hàng cho rằng, cần có hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch để bảo vệ bên cho vay, bên nhận bảo đảm trong các trường hợp bên vay không có khả năng trả nợ hoặc chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các tổ chức tín dụng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An cho biết, vấn đề giáo dục tài chính, cảnh báo rủi ro đang được ngân hàng chấn chỉnh, khắc phục. Quan điểm, mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo là phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

Tin mới