Cuộc chạy đua càng lúc càng tăng nhiệt

(Baonghean) - Chính phủ Na Uy vừa qua cho phép hơn 300 lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú tại một căn cứ quân sự ở miền Trung nước này, bắt đầu từ tháng 1/2017 tới đây. Đáng chú ý, lực lượng này được bố trí cách biên giới với Nga chỉ khoảng 1.000 km. Ngay lập tức, phía Nga đã có những phản ứng về động thái này. Cuộc chạy đua răn đe lẫn nhau giữa Nga và các nước phương Tây đang nóng từng ngày.

Na Uy quay lưng, Nga phật lòng

Dư luận đặc biệt chú ý bởi đây là lần đầu tiên binh sỹ nước ngoài được đồn trú trên lãnh thổ Na Uy kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Bởi Na Uy được đánh giá là nước thuộc khối NATO nhưng lại có quan hệ khá tốt với Nga. Nhìn lại năm 1949, trước khi gia nhập NATO, Na Uy đã trấn an Nga bằng tuyên bố không cho phép các binh sỹ nước ngoài đồn trú nếu nước này không bị đe dọa tấn công.

Thế nhưng với động thái mới nhất, dường như Na Uy không còn nhớ đến lời trấn an này. Thậm chí, trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Ine Eriksen Soereide khẳng định, Mỹ là “đồng minh quan trọng nhất” và Na Uy mong muốn phát triển mối quan hệ song phương này. Không chỉ vậy, ông Soereide nêu rõ, nền quốc phòng của Na Uy phụ thuộc vào sự củng cố liên minh, do đó việc các đồng minh phối hợp với lực lượng của Na Uy là hết sức quan trọng đối với an ninh của nước này.

Chính phủ Na Uy đã cho phép hàng trăm quân Mỹ đồn trú tại nước này từ đầu năm 2017 tới đây. Ảnh: Reuters
Chính phủ Na Uy đã cho phép hàng trăm quân Mỹ đồn trú tại nước này từ đầu năm 2017 tới đây. Ảnh: Reuters

Tuyên bố trên nhằm trả lời cho “sự ngạc nhiên” của phía Nga khi cho rằng, Nga không tạo ra mối đe dọa đối với Na Uy. Có nghĩa với Na Uy, an ninh quốc gia trong bối cảnh mới dù chưa có nguy cơ hiện hữu nhưng vẫn phải có sự chuẩn bị kỹ càng.

Theo đó, 330 lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ được bố trí luân phiên đến đồn trú tại căn cứ Vaernes gần thành phố Trondheim, miền Trung Na Uy, cách biên giới Na Uy - Nga ở vùng Bắc Cực 1.000 km. Lực lượng này dự kiến sẽ tham gia vào các hoạt động huấn luyện và diễn tập dưới nhiều điều kiện thời tiết và hoàn cảnh ở Bắc Cực. Tất nhiên, quyết định của Na Uy đã khiến Nga không hài lòng.

Cuộc chiến “nắn gân”

Sau động thái của Na Uy và Mỹ, Đại sứ quán Nga đã bày tỏ thái độ bất bình và có những động thái “đáp lễ”. Những ngày qua, tàu sân bay Nga đã xuất hiện rầm rộ hướng tới Syria, phô trương lực lượng dọc bờ biển châu Âu. Theo các phương tiện truyền thông, Tổng thống Nga Putin đã phái hai chiến hạm được cho là trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân tới biển Baltic.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg sau đó bày tỏ lo ngại rằng, nhóm tàu của Nga “rất có thể sẽ hỗ trợ các hoạt động quân sự ở Syria”. Trước đó hồi đầu tháng, Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận, Nga đã triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M tới tỉnh Kaliningrad - vùng lãnh thổ thuộc Nga nhưng nằm giữa Ba Lan và Litva.

Tàu sân bay Kuznetsov của Nga được cho là đang trên đường hướng tới Syria. Ảnh: Express.
Tàu sân bay Kuznetsov của Nga được cho là đang trên đường hướng tới Syria. Ảnh: Express.

Trong khi đó về phía Mỹ và NATO, không chỉ sẵn sàng cho quân đồn trú tại Na Uy, khối này ngày 26/10 cũng nhóm họp tại Brussels để thảo luận chi tiết về kế hoạch tăng sự hiện diện quân sự dọc theo sườn phía Đông. Theo đó sẽ triển khai lực lượng luân phiên tại Baltic và Ba Lan vào đầu năm tới như một phần của nỗ lực ngăn chặn sự tăng cường hiện diện của Nga.

Mỹ hy vọng các nước châu Âu gồm có Pháp, Đan Mạch, Italy và các đồng minh khác, sẽ thực hiện cam kết đóng góp 4 nhóm chiến đấu với khoảng 4.000 binh sĩ cho kế hoạch này. 4 nhóm này sẽ do Mỹ dẫn đầu cùng các lực lượng của Đức, Anh và Canada triển khai tại Ba Lan, Litva, Estonia và Latvia.

Mâu thuẫn khó lành

Có thể nói, công cuộc chạy đua răn đe lẫn nhau chưa bao giờ dừng lại giữa Nga và các nước phương Tây, kể từ khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi năm 2014. Từ đó, mối quan hệ giữa Nga và NATO rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Gần nhất, cuộc đối đầu này đã được châm ngòi trở lại vào tháng 7 năm nay, khi NATO tuyên bố sẽ triển khai thêm binh sĩ đến Ba Lan và các nước Baltic để đối phó với Nga. Những động thái này được cho là xuất phát từ những căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine và Syria thời gian qua. 

Trong bối cảnh hai cuộc khủng hoảng này vẫn rơi vào bế tắc, đặc biệt cuộc chiến tại Syria vẫn đang vô cùng khốc liệt thì cuộc chạy đua cảnh cáo lẫn nhau vẫn chưa thể dừng lại giữa Nga và các nước phương Tây.

Thậm chí theo các chuyên gia quân sự Na Uy, động thái Mỹ đưa quân đồn trú đến nước này có thể tạo ra “vùng đối đầu” như thời Chiến tranh lạnh trong lịch sử. Với những xung đột lợi ích mới và cuộc cạnh tranh vị trí địa chiến lược mạnh mẽ như hiện nay, nguy cơ xảy ra xung đột là không thể loại trừ. Lúc đó, kịch bản xấu nhất sẽ vô cùng tồi tệ với tất cả các bên.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới