Cựu chiến binh Nghệ An kể về kỷ niệm ở chiến trường Điện Biên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tập sách “Chiến sĩ Điện Biên Phủ Diễn Châu” (phát hành năm 2009) thực sự là tư liệu quý của các chiến sĩ Điện Biên, giúp đời sau hiểu rõ hơn những gian khổ và anh dũng, vinh quang của những người làm nên chiến thắng.

Nội dung cuốn sách khá phong phú, có nguồn tư liệu về Chiến thắng Điện Biên Phủ trên báo chí; có tình cảm của hậu thế với mảnh đất Điện Biên. Đặc biệt, tôi thực sự ấn tượng ở phần nội dung “Ký ức Điện Biên”, là những dòng ghi chép về kỷ niệm không thể nào quên trên đường hành quân và chiến đấu của những người trực tiếp ra chiến dịch.

Những mẩu ký ức nếu tách rời nhau sẽ là những “mảnh vụn”, nhưng khi được sắp xếp thành chuỗi sẽ tạo nên bức tranh sinh động về cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta ở chiến trường Điện Biên. Mỗi mẩu chuyện là một nét vẽ trong bức tranh đa sắc màu, lôi cuốn người đọc tìm về một thời vẻ vang, oanh liệt.

bna_1.jpg
Tập sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ Diễn Châu". Ảnh: Công Kiên

Trong cuốn sách này, cựu chiến binh Trần Xuân Châu (xã Diễn Hạnh) có bài “Hành quân xa…”, kể lại câu chuyện hành quân từ Nghệ An ra Điện Biên với bao gian khổ, hiểm nguy nhưng dào dạt niềm vui. Bộ đội ta hành quân bộ ngót hàng nghìn cây số, vượt qua đèo cao, suối sâu, vực thẳm, đá tai mèo, những đoàn quân trùng trùng điệp điệp vẫn vượt dốc băng lên phía trước.

Những người lính trẻ vừa hành quân, vừa kể chuyện rôm rả, đọc thơ và hát hò sôi nổi: “Đường lên Tây Bắc xa xa/Khó khăn khắc phục vượt qua hiểm đèo/Đường lên Tây Bắc chập chùng/Hoa ban nở trắng khắp thung, khắp đồi/Anh thương noọng lắm noọng ơi/Ngày mai chiến thắng về xuôi với mình”.

Còn cựu chiến binh Lê Việt Hải (xã Diễn Lâm) nhớ mãi đêm vượt bến Âu Lâu (Yên Bái), bà con dân bản đưa chè tươi ủ nóng và sắn luộc bốc khói mời đoàn quân dừng bước. Rồi những chiếc đò nan qua sông, lúc chia tay cô lái đò khẽ nói: “Các anh đi mạnh giỏi, khi về lại tìm đò em nhé!”.

2.jpg
Lực lượng dân công vận chuyển lương thực chi viện chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Tiếp tục hành quân, trong đêm tối hàng trăm chiến sĩ gắng hết sức lực kéo những khẩu pháo nặng nề, nhích từng nấc vượt núi cao. Pháo được ngụy trang bằng lá cây, lính pháo binh, công binh, bộ binh ra sức theo tiếng hò, kéo pháo nhích dần. Nghĩ tới giờ nổ súng vào khu trung tâm của đợt tổng công kích đã tới, lòng băn khoăn mong cho mình luôn khỏe mạnh để được chứng kiến phút giây lịch sử trọng đại.

Trong bài “Không cho chúng nó thoát”, cựu chiến binh Quang Phiệt (xã Diễn Hoa) kể lại giờ phút quân ta tổng tiến công vào khu trung tâm chỉ huy địch ở Mường Thanh chiều 7/5/1954.

Thế quân ta mạnh như nước vỡ bờ, ta đánh đến đâu địch kéo cờ trắng ra hàng tới đó. Cả cánh đồng Mường Thanh cờ trắng của địch đã được chuẩn bị từ trước lũ lượt từ mặt đất chui lên như những vành khăn tang trắng dưới bộ mặt cúi gằm rầu rĩ…

Ở Hồng Cúm, sau loạt bắn trả của địch, lập tức hỏa lực pháo 105 của quân ta từ các trận địa bắn cấp tập vào cứ điểm này. Hầm cố thủ của chúng bị bật tung, khói lửa mù mịt, tiếng địch la hét hoảng loạn và hô nhau tháo chạy. Kỷ niệm về cuộc chiến cuối cùng nơi chiến trường xưa mãi mãi khắc sâu vào ký ức người lính - ký ức về một thời tuổi trẻ xông pha.

Chiến trường Điện Biên Phủ vô cùng ác liệt, cuộc chiến luôn trong tình thế một mất, một còn. Nhưng qua bài “Nắm cơm nhân ái” của cựu chiến binh Nguyễn Hùng Tân (xã Diễn Hạnh) chúng ta sẽ thấy được vẻ đẹp tình nhân ái của những người lính Việt Nam.

Sau một trận chiến đấu, đơn vị ông Tân nghỉ ngơi, lau chùi lại súng đạn chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo. Chiều hôm đó vừa lắp xong quy lát vào ổ súng, ông Tân đang ngắm khẩu súng trường trung chính trên tay bỗng dưng ngoài cửa hầm xuất hiện một tên lính địch.

Đầu và mặt tên địch quấn băng gần kín, nó nghiêng người chống tay bò lết trong đường hào ngập ngụa nước. Một chiến sĩ tên Quắc từ bên ngách hầm chui ra nheo mắt nhìn nó rồi hất hàm hỏi dõng dạc bằng tiếng Anh. Tên địch trả lời nó người Angeri, đang ở Triều Tiên thì bị đẩy sang đây chiến đấu.

3.jpg
Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của ta tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries. Ảnh tư liệu

Một vài chiến sĩ trừng mắt nhìn và định lấy báng súng đánh nhưng anh Quắc ngăn lại nói nó là kẻ cùng khổ, bị bắt đi lính đánh thuê. Phần lớn mọi người đều nghĩ nó đáng thương hơn đáng ghét.

Biết nó đang rất đói, các chiến sĩ của ta lấy cho một nắm cơm, hai mắt nó ướt nhòe chớp lệ, cúi xuống nhai nắm cơm ngon lành. Ăn xong, nó nhìn mọi người như muốn nói lời cảm ơn vì nắm cơm thân tình và nhân ái.

Tập sách “Chiến sĩ Điện Biên Phủ Diễn Châu” chứa đựng niềm tự hào của hơn 600 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong của vùng quê này đã từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua tập sách, họ đã ghi lại những việc mình làm, đã góp sức, góp máu xương làm nên chiến thắng để giáo dục cho các thế hệ./.

Tin mới