Đã đến lúc tìm ‘con đường khác’ giải quyết xung đột Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto tuyên bố đã đến lúc tất cả các nước liên quan đến cuộc xung đột Ukraine bắt đầu tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.

Bộ trưởng Quốc phòng Crosetto lưu ý, trong bối cảnh cuộc giao tranh giữa Moskva và Kiev sắp bước sang năm thứ ba, “điều quan trọng là phải đi theo những con đường dẫn đến một giải pháp chính trị”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh những nỗ lực này phải đi đôi với việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Bộ trưởng Crosetto chỉ ra rằng, mặc dù phương Tây đã thành công trong việc đảm bảo “sự sinh tồn” của Ukraine, nhưng các mục tiêu khác của nước này vẫn chưa được thực hiện.

Ông nói: “Những gì không thể đạt được về mặt quân sự… có thể đạt được bằng cách mở một mặt trận ngoại giao và chính trị để cố gắng đạt được kết quả tương tự thông qua các cuộc đàm phán hòa bình”. Ông Crosetto cũng nhấn mạnh rằng, “những gì tồn tại trước chiến tranh phải được khôi phục, và những gì không thể thực hiện bằng vũ khí phải được thực hiện theo cách khác”.

anh-1-1506.jpg
Ảnh minh họa về xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Italy đưa ra cảnh báo vào đầu tháng 10 rằng, hành vi thù địch giữa Nga và Ukraine khó có thể được giải quyết trên chiến trường. Vào thời điểm đó, ông giải thích “thời gian càng trôi qua, khả năng giúp đỡ Ukraine với những nguồn lực không phải là vô hạn càng giảm đi”, đồng thời chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng mà Kiev gặp phải trong những nỗ lực không thành công nhằm đẩy lùi quân đội Nga.

Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Đức, Aleksey Makeev, phủ nhận việc Berlin đang thúc đẩy Kiev bước vào đàm phán hòa bình với Moskva. Ông đưa ra nhận xét này ngay sau khi tờ Der Spiegel suy đoán một quan chức cấp cao trong chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã chỉ ra rằng, Đức hiện ủng hộ một giải pháp thương lượng.

Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình RRB của Đức, Đại sứ Makeev trả lời một cách tiêu cực khi được hỏi liệu Berlin có đang gây áp lực buộc Kiev phải đạt được thỏa thuận hòa bình với Moskva hay không. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh các cuộc thảo luận như vậy với các quan chức Ukraine cũng không được tổ chức kín.
Trước đó, Der Spiegel cho hay, vào cuối tháng 10, Đại sứ Đức tại Mỹ Andreas Michaelis đã mời một nhóm các chiến lược gia chính sách đối ngoại có tầm ảnh hưởng của Mỹ và các chuyên gia Nga đến dự một bữa tiệc riêng. Ngoài bản thân phái viên Michaelis có mặt, Wolfgang Schmidt, người đứng đầu văn phòng Thủ tướng Scholz, cũng có mặt tại sự kiện này. Theo các phương tiện truyền thông, đứng đầu chương trình nghị sự của cuộc gặp là cuộc thảo luận về tình hình ở tiền tuyến Ukraine và những cách thức khả thi để chấm dứt đổ máu.

Phát biểu với các phóng viên tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận rằng, “một số nhà lãnh đạo cấp cao, nổi tiếng của các nước phương Tây, bao gồm một nhà lãnh đạo phương Tây cụ thể, một nhà lãnh đạo rất nổi tiếng, nhiều lần… thông qua ít nhất 3 kênh khác nhau gửi tín hiệu tại sao chúng ta không gặp nhau và nói về những việc cần làm với Ukraine và an ninh châu Âu". Nhà ngoại giao Nga nói thêm rằng, ông “không muốn và không có quyền nêu tên”. Ông nhắc lại Nga "luôn sẵn sàng thảo luận nghiêm túc về những vấn đề này" và khẳng định chính Ukraine cho đến nay vẫn loại trừ khả năng tương tự./.

Tin mới