Đào tạo kỹ năng để không bị mất việc bởi công nghiệp 4.0

Nhiều chuyên gia về lao động cho rằng, nhiều nghề sẽ mất đi và được thay thế bởi những công việc mới trước tác động của cuộc cách mạng tự động hóa. Vì vậy, các trường có thể lựa chọn mô hình đào tạo theo chiều rộng để người lao động có đủ năng lực chuyển đổi công việc.

Trong một cuộc hội nghị gần đây tại TPHCM về đào tạo nhân lực cho công nghiệp 4.0, các chuyên gia giáo dục cho rằng với cuộc cách mạng số này, ranh giới giữa các ngành học không còn rõ ràng như trước đây mà có sự hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy, chương trình đào tạo cần có sự thay đổi, bổ sung hợp lý các phần kiến thức.

Lao động nữ, đặc biệt trong những ngành nghề thâm dụng lao động, dễ bị mất việc trước sức ép tự động hóa
Lao động nữ, đặc biệt trong những ngành nghề thâm dụng lao động, dễ bị mất việc trước sức ép tự động hóa
Khi xây dựng chương trình đào tạo, các trường đại học lẫn trường nghề phải tính toán sự hài hòa giữa các môn học. Nghĩa là phải cung cấp cho sinh viên một số kỹ năng để ra trường có thể làm việc được và vẫn có nền tảng kiến thức căn bản vững chắc, không bị đào thải bởi cơn lốc khoa học công nghệ.

Hồi tháng 4 năm ngoái, cuộc đối thoại toàn cầu “Tương lai công việc là tương lai mà chúng ta muốn" do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), quy tụ các nhà kinh tế hàng đầu thế giới, các lãnh đạo các quốc gia và các trường đại học để bàn về tương lai của thị trường lao động trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Theo bản báo cáo tóm tắt các kiến nghị diễn ra trong hai ngày của sự kiện, các nhà kinh tế cho rằng, kỹ năng là chìa khóa quan trọng để đảm bảo người lao động không bị đứng bên lề thị trường việc làm trước sự thay đổi do cách mạng công nghệ tạo ra. Tiến bộ về công nghệ sẽ làm gián đoạn thị trường lao động và làm thay đổi tất cả các loại hình công việc hiện nay, cách thức mà công việc đó được vận hành. Do đó, kỹ năng người lao động cần có để thích ứng với nhu cầu tuyển dụng cũng sẽ thay đổi theo. Điều này nhấn mạnh vai trò của các trường đào tạo và các nhà hoạch định chính sách.

Các trường đại học, trường đào tạo nghề cần phải theo kịp tốc độ thay đổi công nghệ, qua đó thay đổi lại chương trình đào tạo nhằm cung cấp cho người lao động những kỹ năng mềm cần thiết như giao tiếp, sáng tạo, làm việc nhóm; kỹ năng quản lý, kỹ năng quản trị doanh nghiệp… đây là những kỹ năng mà máy móc khó lòng thay thế được và giúp người lao động dễ dàng chuyển đổi từ ngành này sang ngành khác.

Ngoài ra, các trường cũng nên đào tạo cho sinh viên và người lao động các kỹ năng và tin học, số hóa, kỹ năng lập trình máy tính và khoa học máy tính, cũng như khả năng tương tác với máy móc. Đây có thể là những kỹ năng phổ biến xuyên suốt hầu hết các công việc trong tương lai.

Nhiều ý kiến cho rằng, đào tạo nghề nên được thực hiện theo hướng cung cấp các kỹ năng rộng thay vì những kỹ năng hẹp chỉ phục vụ cho một vị trí công việc nhất định, những vị trí có thể thay đổi hoặc biến mất trong tương lai.

Tin mới