Đầu ra khó khăn, gần 15.000 tấn hải sản ở Nghệ An tồn kho

(Baonghean.vn) - Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều loại thủy hải sản tại Nghệ An như cua, ghẹ, tôm, mực, cá đốm, cá thu… giảm giá từ 25-30 %, nhiều kho đông lạnh đã chất đầy hàng hải sản chưa tiêu thụ được.
Bà con ngư dân Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai đưa hải sản từ tàu thuyền lên bờ. Ảnh: Văn Trường
Bà con ngư dân Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai đưa hải sản từ tàu thuyền lên bờ. Ảnh: Văn Trường

Ông Lê Hội Hưng - Chủ nhiệm HTX tác xã Đoàn Kết - tại xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) cho biết: HTX có 10 kho đông lạnh chủ yếu cấp đông các mặt hàng hải sản, mực, cá thu, cá đốm... với trữ lượng trên 700 tấn. Số lượng hàng cấp đông của HTX lâu nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên từ khi dịch bùng phát, hàng hải sản rất khó tiêu thụ. Thời gian qua chính quyền địa phương tạo điều kiện như cấp các thủ tục giấy tờ cần thiết, kết nối với các tư thương một số tỉnh miền Trung và phía Bắc để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ chậm, mỗi ngày chỉbán được từ 2 - 3 tấn hải sản, giá bán giảm so với ngày bình thường là 25 - 30%.

Một số ngư dân ở phường Quỳnh Lập chia sẻ: Giá hải sản tại bến cảng giảm mạnh, trước đây cá thu thường có giá bán từ 160 nghìn đồng/kg nhưng hiện tại chỉ còn 130 nghìn đồng/kg; mực loại I giá 300.000 đồng/kg nay chỉ còn 180.000 - 200.000 đồng/kg …

Ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều kho đông ở Nghi Tân (Cửa Lò) gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Thu Huyền
Ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều kho đông ở Nghi Tân (Cửa Lò) gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Thu Huyền

Thị xã Hoàng Mai có trên 1.000 tàu thuyền khai thác hải sản, bình quân mỗi tháng khai thác từ 3.500 - 4.000 tấn hải sản các loại. Trên địa bàn có 70 kho đông, hiện đang còn tồn gần 5.000 tấn hải sản.

Trước tình hình đó, Thị xã rà soát kế hoạch sản xuất, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh để có kế hoạch thu mua hải sản cho các tàu thuyền đi biển về. Tạo điều kiện cho các bạn hàng tỉnh khác vào thu mua hải sản chấp hành đúng quy trình chống dịch. Tuy nhiên do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên số lượng hải sản tiêu thụ chậm, mỗi ngày ước tính tiêu thụ khoảng từ 15 - 20 tấn hải sản.
Tình hình tương tự ở địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tình trạng tồn kho đông đang còn khá nhiều. Chủ một kho đông xã Tiến Thủy, Quỳnh Lưu cho biết: Các thị trường lớn là Đà Nẵng, và một số tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt nên phần lớn bạn hàng đã ngưng buôn bán. Kho cấp đông của gia đình hiện đang còn tồn khoảng trên 200 tấn hải sản, hiện nay chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh với số lượng rất ít ỏi.
Hải sản tồn kho, nhiều kho đông không còn chỗ trữ hàng. Ảnh: Thu Huyền
Hải sản tồn kho, nhiều kho đông không còn chỗ trữ hàng. Ảnh: Thu Huyền

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, hiện toàn huyện có 40 kho đông với tổng công suất trên 2.000 tấn. Số lượng hàng hải sản tồn trong các kho trên 1.500 tấn. Huyện đã tạo điều kiện cho các xe “luồng xanh” đi qua chốt thu mua hải sản cho ngư dân, tuy nhiên hiện nay rất ít xe về mua hải sản. 

Ông Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm: Nghệ An hiện có 288 kho đông, tập trung ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò; có gần 15.000 tấn hải sản các loại đang tồn kho. Khó khăn nhất hiện nay là các kho cấp đông trên địa bàn tỉnh hầu hết đều đã đầy hàng, vì vậy việc mua hải sản tích trữ cho ngư dân khai thác càng khó khăn.

Để giải quyết khó khăn trên, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ngành liên quan, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối để đưa hải sản vào tiêu thụ tại các siêu thị Big C, Vinmart… trên địa bàn Nghệ An. Liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh thu mua hải sản cho các kho đông. Ứng dụng và đẩy mạnh phát triển các hình thức tiêu thụ hải sản qua các loại hình phân phối bán lẻ online…

Tin mới