Đầu tư thủy lợi cho cây trồng cạn: Hiệu quả cao, khó nhân rộng?

(Baonghean) - Nghệ An đang trải qua những đợt nắng nóng khốc liệt. Nắng hạn gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp. Trong tình hình đó, ở nhiều địa phương trong tỉnh có các mô hình tưới cho cây trồng cạn hiệu quả, bảo vệ được cây trồng khỏi hạn hán, đồng thời duy trì hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình hiệu quả
Chúng tôi tìm về trang trại cam của ông Nguyễn Hữu Bình ở xóm 15, xã Đồng Thành (Yên Thành). Trời nắng như đổ lửa, trong khi cỏ cây ven đồi đều héo quắt, trang trại cam của ông Bình vẫn xanh ngắt. Đang chỉ đạo anh em công nhân tưới cam, ông Bình cho biết: Năm nay nắng nóng “vượt ngưỡng,” các ao tự nhiên đều khô cạn, tôi đã phải  đi “dò” mạch nước và khẩn cấp làm được 4 giếng khoan. Tuy nhiên, do diện tích cam rộng, nước giếng khoan không đáp ứng nổi, tôi lại đi tìm “mạch” nước ở xung quanh núi và đào 3 ao sâu từ 5 - 7 mét, rồi cho đặt máy bơm công suất lớn chạy xăng đấu nối với đường ống phi 70 để bơm tưới cho cam 3 - 4 năm tuổi. Loại máy bơm nhỏ (chạy điện) lấy nước từ giếng khoan tưới cho các diện tích cam mới trồng; chỉ tưới vào buổi sáng 3 - 4 tiếng đồng hồ, mỗi đợt tưới kéo dài 10 ngày để đất có độ ẩm.
Tưới cam tại trang trại ông Nguyễn Hữu Bình, xóm 15, xã Đồng Thành (Yên Thành). 	Ảnh: V.T
Tưới cam tại trang trại ông Nguyễn Hữu Bình, xóm 15, xã Đồng Thành (Yên Thành). Ảnh: V.T
Ông Bình cũng cho biết, chi phí bơm khá tốn kém, phải mua máy nổ, máy bơm điện cùng hệ thống đường ống to, nhỏ dài trên 3.000m, trị giá trên 200 triệu đồng; mỗi đợt bơm có khoảng 10 lao động phục vụ, tiền dầu, tiền điện, tiền nhân công... hết khoảng 40 - 45 triệu đồng/đợt bơm. Trời nắng nóng, cộng với gió Lào,  nên ông Bình đã phải bơm tới đợt thứ 3, và có thể  bơm 4 - 5 đợt nữa để đối phó với nắng hạn. Cách ông “hạ” nhiệt cho cam khá sáng tạo: dùng rơm, rạ rải xung quanh gốc cam 1 - 2 tuổi và các diện tích cam mới trồng rồi tưới nước lên, vừa giữ độ ẩm lâu, giảm được các đợt tưới. Ông Bình chia sẻ thêm: Riêng xã Đồng Thành hiện có trên 60 ha cam của 6 hộ gia đình, chi phí đầu tư trồng cam là khá cao, trên 300 triệu đồng/ha, nếu nắng hạn không có hệ thống tưới người trồng cam dễ lâm vào phá sản. Vì vậy rất cần được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để người trồng cam khoan giếng ngầm, đầu tư hệ thống máy bơm, vòi bơm...
Quỳ Hợp có khá nhiều mô hình áp dụng công nghệ tưới cam nhỏ giọt phát huy hiệu quả trong thời điểm khô hạn. Về vườn cam của ông Bùi Ngọc Ánh ở xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp thấy cam vẫn tươt tốt. Mô hình tưới nhỏ giọt của ông Ánh khá hiện đại, nguồn nước từ 2 giếng khoan được bơm thẳng lên bể nước chứa rộng 200 m3 đã được lắp đặt hệ thống ống dẫn nước chính gồm van xả khí, bộ lọc, đồng hồ đo áp lực  được nối với nguồn nước và lắp đặt cố định. Các nhánh tưới bố trí dọc theo hàng cây bằng đường ống nhựa. Đường ống đục lỗ nhỏ, đục từ 1,2,3,4 lỗ tùy khoảng cách các loại cây trồng. Hệ thống tưới nhỏ giọt tập trung chủ yếu ở phần bộ rễ cây trồng, vì vậy xung quanh gốc cam luôn giữ được độ ẩm; nắng nóng như năm nay tưới hơn 4 giờ/ngày.
Ông Ánh cho hay: “Năm 2012 gia đình tôi đã đầu tư áp dụng tưới nhỏ giọt cho 2 ha cam theo công nghệ của Israel trị giá trên 120 triệu đồng. Công nghệ tưới nhỏ giọt có ưu điểm là kiểm soát được độ ẩm và chủ động thời điểm tưới cho cây cam, tiết kiệm được 30% lượng nước, 80% công tưới so với tưới trực tiếp gốc như trước đây, 90% công bón, 50% lượng phân vô cơ cần bón cho cây cam. Năng suất cam cao vượt trội, đạt từ 20 - 25 tấn/ha/năm”. Thấy được hiệu quả từ công nghệ tưới nhỏ giọt, từ đầu năm 2015 gia đình ông Ánh tiếp tục đầu tư trên 150 triệu đồng để tưới thêm 2 ha cam nữa. 
Mô hình tưới mía nhỏ giọt của gia đình anh Dương Đình Tấn ở Nghĩa Xuân - Quỳ Hợp cũng rất hiệu quả. Nương mía xanh tốt của gia đình anh Tấn nằm trên đồi, anh cho hay: “Đường ống dẫn nước chạy bám theo từng hàng mía, nước được chảy ra từ những lỗ nhỏ đục từ đường ống thấm sâu vào từng gốc mía. Chỉ cần cho máy nổ là tất cả hệ thống nước đều hoạt động tưới nhỏ giọt khắp cả diện tích. Từ khi áp dụng hệ thống này năng suất mía tăng đột biến. Trước đây năng suất mía chỉ đạt cao nhất 55 - 60 tấn/ha, nay nhờ tưới nhỏ giọt đạt năng suất 100 - 110 tấn mía/năm”. Mỗi gốc mía được cung cấp 1 lít nước/giờ, thời điểm nắng nóng tưới 5 ngày/lần. Đặc biệt hệ thống này có thể cung cấp nước, phân bón đến đúng vùng rễ tích cực với liều lượng nhỏ, vừa đủ để cây trồng hấp thu hết thông qua hệ thống máy bơm, van, đường ống dẫn nước, đường ống nhỏ giọt. Anh Tấn lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt từ năm 2013 với trị giá trên 250 triệu đồng tưới cho 4 ha mía, hiệu quả tưới trong mùa nắng nóng mang lại là rất lớn. Trong năm 2014 anh Tấn tiếp tục đầu 270 triệu đồng để lắp thêm hệ thống tưới nhỏ giọt phục vụ cho trên 4 ha cam. 
Ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: Quỳ Hợp có trên 6.500 ha mía, nhưng đến thời điểm này  mới chỉ có 4 mô hình tưới nhỏ giọt cho cam, mía. Sản xuất cam, mía ở Quỳ Hợp đang thiếu tính ổn định và bền vững do tình trạng khan hiếm nước. Trong khi nông dân sử dụng nguồn nước còn lãng phí, chưa đầu tư, ứng dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, chưa sử dụng bón phân hợp lý, là những nguyên nhân chính dẫn đến chi phí tăng, rủi ro tăng và lợi nhuận giảm. Vì vậy, tưới nhỏ giọt sẽ giúp sản xuất cây trồng bền vững, tiết kiệm được 30-40% nước tưới so với phương pháp tưới truyền thống, tiết kiệm 30 - 40% lượng phân bón so với bón phân thủ công, giảm trên 90% chi phí nhân công tưới và bón phân. 
Hiện nay, ở xã Quỳnh Vinh (Quỳnh Lưu) cũng đã có một số hộ liên kết lại, vận dụng thêm đầu tư của Nhà nước xây dựng được một hệ thống tưới khoa học; một số xã của huyện Nghĩa Đàn như Nghĩa Bình, Nghĩa Hội, Nghĩa Mỹ… sau khi có hệ thống kênh mương từ hồ Sông Sào, người dân dùng máy bơm, hoặc tận dụng máy cày đa chức năng có lắp thêm hệ thống bơm để phía dưới tưới cho lúa, phía trên tưới cho cây mía. 
Tháo gỡ khó khăn
Ứng dụng tưới cho cây trồng, đặc biệt là tưới cho những cây trồng hiệu quả kinh tế cao đã cho thấy lợi ích lớn đối với người đầu tư, nhất là trong thời tiết nắng nóng như mùa hè năm nay. Hệ thống tưới phù hợp địa hình đồi thoải ở vùng Phủ Quỳ, dễ lắp đặt và vận hành bảo dưỡng. Chi phí đầu tư khoảng gần 60 triệu đồng/ha, thời hạn sử dụng tối thiểu là 10 năm, nhiều nhà nông có thể ứng dụng được. Thế nhưng, vấn đề thủy lợi cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn là một vấn đề nan giải.
Xã Thanh An (Thanh Chương) có 440 ha chè. Những năm qua, hầu như năm nào cũng cố diện tích chè héo do nắng hạn. Năm nay, tình hình hạn hán gay gắt hơn trong khi nguồn nước tưới không có đã làm nhiều diện tích chè có nguy cơ khó phục hồi. Theo bà Trần Thị Kim Ngân - Trưởng ban Nông nghiệp xã thì “Hầu hết chè của Thanh An đều nằm ở trên đồi cao và dốc nên vấn đề tưới cho chè dù có tính đến cũng rất khó. Bên cạnh đó, nguồn nước lại rất khó khăn”. Chính vì vậy, hầu hết chè của Thanh An chỉ trông chờ vào nước trời. 
Toàn huyện Thanh Chương hiện có khoảng 4.400 ha chè, phân bổ ở 14 xã, chủ yếu nằm ở vùng đồi núi, độ dốc cao và nhiều vùng xa khu dân cư, xa nguồn nước hồ đập, sông suối; người dân chưa có điều kiện để đầu tư hệ thống tưới (khoảng 50 triệu đồng/ha). Những năm gần đây, có một số mô hình tưới phun được đưa vào ở các xã Thanh Đức, Thanh Mai, nhưng hầu như không phát huy được tác dụng do nguồn nước khó khăn. Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đức  cho biết: Cuối năm 2014, xã được Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ 2 máy tưới chè theo hình thức tưới phun sương trị giá 50 triệu đồng/máy. Nguồn nước có thể lấy từ Sông Giăng, khi hạn có thể hút nước từ sông, giếng vào bồn nhựa để tưới. Nhưng từ khi được đưa về đến nay, các hộ dân chủ yếu chỉ dùng vào việc phun thuốc BVTV do cấu tạo máy bất tiện, nếu có đưa vào cũng chỉ sử dụng được ở diện tích khoảng 20 ha ở các xóm  địa hình bằng phẳng. 
Nghệ An có diện tích các loại cây trồng cạn khá lớn và những năm qua đã hình thành được những vùng trồng tập trung như chè ở Thanh Chương, Anh Sơn, mía ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, cam ở Quỳ Hợp, Yên Thành... Qua kiểm chứng, năng suất chè sẽ tăng 30 - 35% nếu được tưới lần đầu, năng suất mía cũng tăng rất mạnh, có thể đạt mức 160 - 170 tấn/ha, trong khi năng suất bình quân của tỉnh hiện chỉ ở mức trên 60 tấn/ha. Hiện nay, dù tỉnh đã rất cố gắng trong thực hiện chính sách về thủy lợi cho cây trồng cạn, diện tích được tưới vẫn còn rất khiêm tốn. Theo quy định tại Quyết định số 87 của tỉnh ngày 17/11/2014, tỉnh sẽ hỗ trợ 40% công trình được quyết toán do cấp có thẩm quyền (thiết bị và vật tư) tưới nhỏ lẻ cho cây công nghiệp (chè, cà phê, mía), cây ăn quả (cam, dứa), và cỏ trồng tập trung có quy mô từ 1 ha trở lên như giếng đào, giếng khoan, máy bơm nhỏ di động, ống tưới; đồng thời hỗ trợ 40% giá trị công trình (nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng) cho một hồ đập nhỏ để tạo nguồn nước tưới. Nhưng thực tế, chính sách này chưa được người dân hưởng ứng. Nguyên nhân do địa hình nơi thì không phù hợp, nơi thì không có nước, đồng thời diện tích mía, chè hầu hết trải rộng nên đầu tư lớn, người dân không đủ năng lực. 
Ông Nguyễn Hữu Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: “Nếu trước đây, hầu như chỉ có các nông, lâm trường, doanh nghiệp “xin” chính sách hỗ trợ của tỉnh, thì vài, ba năm gần đây, ngày càng có nhiều hộ dân tham gia chương trình này. Tuy nhiên, khó  khăn  nữa là nguồn ngân sách của tỉnh dành cho chương trình này chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu”. Giải pháp thủy lợi được coi là hiệu quả nhất hiện nay cho các loại cây trồng cạn, theo nhiều chuyên gia ngành Nông nghiệp, đó là thúc đẩy phong trào tưới tiết kiệm, khoa học. Trước hết, diện tích trồng cây phải được quy hoạch lại theo hướng tập trung ngay từ quy mô hộ gia đình trở đi, để người dân có điều kiện và hào hứng đầu tư. Hệ thống tưới này đòi hỏi suất đầu tư khá lớn nhưng thường trong đó, Nhà nước đã hỗ trợ 40%, về lâu dài, cho hiệu quả rất cao. Ngoài tưới nước, có thể kết hợp phun phân bón, thuốc BVTV, thuốc kích thích mà không gây độc hại cho người phun;  lượng nước được tiêu thụ cũng ít hơn 20 - 30% so với tưới thường, năng suất sau khi được tưới cao hơn hẳn.
V.Trường - P.Hương

Tin mới