Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát phòng tránh rủi ro trong hoạt động của Kho bạc Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước là tất yếu của  cải cách thủ tục hành chính phù hợp với mục tiêu của Chương trình Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan Nhà nước và mục tiêu đến năm 2030 “hình thành Kho bạc điện tử tiến tới Kho bạc số”.

Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước Nghệ An tập trung đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư khi giao dịch với Kho bạc Nhà nước.

bna_ Kho bạc Nhà nước Nghệ An triển khai dịch vụ công trực tuyến..JPG
Kho bạc Nhà nước Nghệ An triển khai dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: P.V

Đến nay, 100% các thủ tục hành chính Kho bạc Nhà nước được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến và 100% các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước có giao dịch với Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện, thị xã thuộc tỉnh Nghệ An tham gia dịch vụ công mức 4.

Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi và giảm thời gian đi lại cho các đơn vị, giảm chi phí hoạt động, hạn chế việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị do hồ sơ trên dịch vụ công được Kế toán trưởng và Thủ trưởng đơn vị ký duyệt bằng chữ ký số, đảm bảo thông tin thanh toán được bảo mật. Đồng thời, trên dịch vụ công cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái như: “Từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”; “Đang xử lý hồ sơ”; “Đã thanh toán hoặc từ chối thanh toán”; “Từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”, điều đó đã góp phần tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của Kho bạc Nhà nước và qua đó các đơn vị chủ động biết được tình trạng, kết quả xử lý hồ sơ thanh toán của đơn vị mình.

Thông qua dịch vụ công điện tử giúp hệ thống Kho bạc Nhà nước đảm bảo được sự minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Khi chuyển từ giao dịch truyền thống (giao dịch trực tiếp) sang giao dịch trên môi trường dịch vụ công yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát cần đặc biệt coi trọng.

Ông Đặng Quang Thung - Trưởng phòng Thanh tra và Kiểm tra Kho bạc Nhà nước Nghệ An cho hay: “Với mục tiêu nâng cao vị thế, vai trò hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra giám sát; xây dựng hệ thống thanh tra, kiểm tra chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Từ năm 2022, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Nghệ An giao Phòng Thanh tra - Kiểm tra tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở khai thác nguồn dữ liệu sẵn có trên các chương trình ứng dụng, kho dữ liệu của KBNN. Từng bước chuyển đổi phương thức kiểm tra truyền thống sang phương thức kiểm tra, giám sát từ xa trên môi trường điện tử, môi trường số; triển khai giám sát hoạt động nghiệp vụ KBNN cấp huyện và 2 phòng nghiệp vụ (Kế toán Nhà nước; Kiểm soát chi) phục vụ công tác đánh giá, kiểm soát, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động KBNN”.

Nội dung kiểm tra giám sát được Kho bạc Nhà nước tập trung vào các tiêu chí: Giám sát trong giai đoạn tiếp nhận và xử lý hồ sơ “Hồ sơ chậm tiếp nhận”; “Hồ sơ chậm thanh toán”; “Hồ sơ từ chối tiếp nhận nhiều lần”; “Hồ sơ từ chối thanh toán nhiều lần” nhằm xác định nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan gắn trách nhiệm của từng giao dịch viên, kế toán trưởng và trách nhiệm của người đứng đầu.

bna_ Kho bạc Nhà nước Nghệ An triển khai dịch vụ công trực tuyến. (2).jpg
Triển khai nghiệp vụ kiểm tra, giám sát hoạt động tại Kho bạc Nhà nước Nghệ An. Ảnh: P.V

Giám sát sau khi giao dịch hoàn thành: Trên cơ sở dữ liệu do Kho bạc Nhà nước Trung ương chuyển về như “Thanh toán trùng hóa đơn chứng từ” nguyên nhân có thể do đơn vị sử dụng ngân sách sơ suất, nhầm lẫn trong việc tập hợp hồ sơ chứng từ để gửi Kho bạc thanh toán hoặc đơn vị sử dụng ngân sách cố tình lập hóa đơn chứng từ trùng để lợi dụng chiếm đoạt tiền ngân sách; “Chênh lệch số tiền trên bảng kê với chứng từ thanh toán” do đơn vị sử dụng ngân sách lập gửi chứng từ, hồ sơ thanh toán qua Kho bạc Nhà nước trên dịch vụ công có chênh lệch tổng số tiền trên bảng kê và tổng số tiền trên chứng từ; “Thanh toán sai tài khoản đơn vị hưởng” nguyên nhân do giao dịch viên sơ suất trong việc hoàn thiện chứng từ yêu cầu thanh toán trên chương trình Tabmis phân hệ quản lý chi sai tài khoản so với chứng từ giấy. Cả 3 trường hợp trên đều tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với Kho bạc Nhà nước, đối với chủ đầu tư và các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước.

Năm 2023 Phòng Thanh tra – Kiểm tra Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã tiến hành 12 cuộc giám sát từ xa trên dịch vụ công. Nhờ thực hiện tốt nhiệm vụ phân cấp thực hiện và đẩy mạnh giám sát tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước nên các đơn vị thuộc và trực thuộc Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã có chuyển biến tích cực, số hồ sơ chậm tiếp nhận, chậm thanh toán, từ chối nhiều lần giảm nhiều; nội dung lý do từ chối tiếp nhận, từ chối thanh toán cơ bản rõ ràng hơn, sử dụng đúng văn phong hành chính công vụ.

Mặt khác, việc mở rộng nội dung giám sát công tác kiểm soát chi , kế toán thanh toán đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch, kịp thời phòng ngừa rủi ro trong hoạt động Kho bạc Nhà nước.

Hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một nhân tố đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công của Chiến lược phát triển của Kho bạc Nhà nước. Thời gian tới, Kho bạc Nhà nước Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát hướng tới một đội ngũ thanh tra, kiểm tra tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính – ngân sách và hoạt động Kho bạc Nhà nước”

Phó Giám đốc Kho bạc Nghệ An Ông Vĩnh Đức

Tin mới