Để hệ thống bảo tàng ở Nghệ An có sức hấp dẫn

(Baonghean) - Trên địa bàn Nghệ An hiện có 3 bảo tàng lớn: Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng tổng hợp và Bảo tàng QK4. Đây là nơi lưu giữ những kỷ vật, hiện vật có giá trị to lớn minh chứng cho truyền thống yêu nước của nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giáo dục thế hệ trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện hệ thống các bảo tàng vẫn còn nhiều bất cập, chưa có sức hấp dẫn đối với nhân dân và khách du lịch.

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là nơi trưng bày chuyên đề về sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc khi Đảng ta mới ra đời, đó là cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931. Đây cũng là một trong ba bảo tàng được thành lập sớm nhất trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ hoạt động, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trở thành một thiết chế văn hóa nổi bật trong hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa xứ Nghệ. Ngoài sưu tầm được gần 15.000 hiện vật, tài liệu, trong đó có 1/3 là tài liệu, hiện vật gốc, Bảo tàng đã lập hồ sơ xếp hạng và đã có 47 di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm khoa học, thi tìm hiểu về Xô Viết Nghệ Tĩnh, xuất bản được nhiều công trình nghiên cứu, tài liệu khoa học… Nỗ lực về mọi mặt để phục vụ công tác tìm hiểu, tham quan của du khách, thế nhưng thực tế  Bảo tàng vẫn chưa  có sức hút du khách khi về với Nghệ An.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh cho biết: “Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh đã 18 năm chưa được đầu tư đổi mới, cơ sở vật chất chưa theo kịp thời đại, nghệ thuật trưng bày còn theo lối cổ điển nên sức hấp dẫn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tàng còn thụ động, chưa đổi mới, sáng tạo trong cách thuyết minh, trong xây dựng nội dung trưng bày tại chỗ cũng như lưu động. Mô hình bảo tàng hiện đại phải là trung tâm giải trí đa dạng, không chỉ phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu mà còn là nơi vui chơi với các loại hình nghệ thuật phong phú… Điều này, Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh chưa thể vươn tới…”.

Bên cạnh Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng tổng hợp Nghệ An là nơi gìn giữ, bảo tồn, giới thiệu toàn bộ đất nước, con người, lịch sử, văn hoá và các hoạt động liên tục và tiêu biểu của nhân dân Nghệ An từ xưa đến nay. Năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án nâng cấp trưng bày lại toàn bộ hệ thống bào tàng nội ngoại thất có tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng, dự kiến đến 2013 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thế nhưng, do kinh phí cấp nhỏ giọt nên bảo tàng mới chỉ bước đầu hoàn chỉnh một số phần ngoại thất.

Với trên 20.000 kỷ vật, hình ảnh, tư liệu trên các lĩnh vực hoạt động của tập thể, cá nhân quân và dân Quân khu 4, Bảo tàng Quân khu 4 đã trở thành “địa chỉ đỏ” của nhiều đoàn tham quan là các cựu chiến binh ở các tỉnh, các em học sinh, sinh viên tìm hiểu lịch sử. Thế nhưng, điều mà cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 vẫn còn trăn trở đó là hiện số lượng kỷ vật kháng chiến được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu chưa nhiều so với tiềm năng còn lưu giữ trong nhân dân; lượng khách đến với Bảo tàng còn ít. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là hệ thống trưng bày ít được đổi mới, chưa hấp dẫn; cơ sở vật chất chưa được đầu tư xứng tầm. Trong khi một số bảo tàng trong nước có hệ thống trưng bày bằng công nghệ điện tử có ánh sáng, âm thanh hấp dẫn thì tại Bảo tàng Quân khu 4 phòng trưng bày còn khá đơn giản; hơn nữa sự phối hợp giữa bảo tàng với các bảo tàng khác và các đoàn thể, trường học chưa cao... Để khắc phục, thời gian qua Bảo tàng đã kết nghĩa với Thành đoàn Vinh để có trách nhiệm trong giáo dục thế hệ trẻ; phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh nói chuyện truyền thống đồng thời phối hợp với các bảo tàng trong nước tổ chức các cuộc triển lãm, đồng thời phối hợp với các công ty lữ hành, các bảo tàng trong tỉnh liên kết xây dựng các tuor du lịch văn hoá lịch sử nhằm thu hút đông đảo du khách tới tham quan.

                         Học sinh Lào thăm quan Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Để hệ thống bảo tàng thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, hệ thống bảo tàng rất cần sự đầu tư đúng mức cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá; cần có sự gắn kết và phối hợp giữa bảo tàng với những đơn vị làm du lịch. Về phần mình, các bảo tàng cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên - những người thổi hồn cho bảo tàng. Bên cạnh đó, cần thiết kế nhiều tờ rơi và ấn phẩm giới thiệu chi tiết về bảo tàng để du khách chủ động hơn trong việc tìm hiểu chủ đề mà họ quan tâm chứ không phải lệ thuộc quá nhiều vào hướng dẫn viên, thuyết minh viên.

Thanh Thủy

Tin mới