Đề xuất 9 nhóm giải pháp phát triển hợp tác xã góp phần xây dựng nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tại hội thảo, Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp đã nêu những thành quả tích cực cũng như một số tồn tại, hạn chế của hợp tác xã hiện nay, đồng thời đề xuất 9 nhóm giải pháp phát triển hợp tác xã giai đoạn 2024 - 2030. 

Sáng 18/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng, đề xuất phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

bna_hoi thai 2.jpg
Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Đổi mới và phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là một trong những nội dung quan trọng trong nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng phát triển.

Theo báo cáo của Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp (Hội Khoa học và Kỹ thuật nông nghiệp - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 688 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 126 hợp tác xã so với năm 2019; trong đó, 420 hợp tác xã hoạt động hiệu quả (tăng 146 hợp tác xã so với năm 2019), chiếm 61,3% số hợp tác xã toàn tỉnh.

bna_hoi thao 1.jpg
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Qua khảo sát cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 215 hợp tác xã có các dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho thành viên (tăng 19 hợp tác xã so với năm 2019); đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, có tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng; có trên 45 hợp tác xã nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản.

Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực trên, song kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thể của tỉnh, kinh tế tập thể phát triển không đồng đều trên các lĩnh vực, vùng miền, một số ngành kinh tế quan trọng như thủy sản, trang trại, lâm nghiệp, ngành nghề nông thôn ít phát huy được vai trò của hợp tác xã.

Bộ máy quản lý của hợp tác xã vẫn còn nhiều bất cập, thiếu năng động, yếu về năng lực quản trị, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế, các hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả bền vững để nhân rộng trên địa bàn chưa nhiều.

bna_Các sản phẩm OCOP của Nghệ An trưng bày và quảng bá đến người tiêu dùng tại TP Vinh.jpg
Nhiều sản phẩm OCOP của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh được trưng bày và quảng bá tiêu thụ tại các hội chợ thương mại. Ảnh: Xuân Hoàng

Để tiếp tục đổi mới, phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất một cách hiệu quả, bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2024 - 2030, Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp đề xuất 9 nhóm giải pháp. Cụ thể, giải pháp về thông tin tuyên truyền; phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; cơ chế chính sách; phát triển cơ sở hạ tầng, logistics; tổ chức sản xuất; sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và nguồn lực thực hiện; giải pháp về nâng cao, phát huy vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội.

bna_Bên cạnh những đám cà chua đã đến kỳ thu hoạch, vẫn còn những đám cà chua chưa leo giàn.jpg
Nông dân xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu sản xuất cà chua vụ Đông. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại hội thảo, có 7 tham luận tập trung làm rõ thực trạng phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chia sẻ những kinh nghiệm để hoạt động hợp tác xã có hiệu quả...

Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận những tham luận của các đại biểu và quá trình điều hành của các hợp tác xã để đạt được thành quả trong những năm qua. Tuy nhiên, để hợp tác xã hoạt động có hiệu quả cao hơn nữa, thì yếu tố quan trọng hàng đầu là con người, nguồn lực về tài chính, đất đai, cơ chế chính sách... Do đó, thời gian tới các hợp tác xã cần khắc phục những khó khăn, vướng mắc để góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới./.

Tin mới