Di sản không bị mất giá của Hồ Xuân Hương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Với Hồ Xuân Hương, các cấm kỵ tồn tại dường như chỉ để cho bà vi phạm, và bà đã thực sự vi phạm cấm kỵ bằng thiên tài nghệ thuật của mình.
Bà chúa thơ Nôm. Tranh của họa sĩ Bá Siếu

Bà chúa thơ Nôm. Tranh của họa sĩ Bá Siếu

Hồ Xuân Hương là ai? Với câu hỏi này, dường như các nhà sưu tầm, các nhà văn bản học, các nhà nghiên cứu văn hóa và các nhà phê bình văn chương Việt Nam từ lâu đã có câu trả lời xác quyết. Cứ đọc lại các ông Hoa Bằng, Dương Quảng Hàm, Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Xuân Hãn, Trần Thanh Mại, Nguyễn Đức Bính, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Lộc, Văn Tân, Xuân Diệu, và đặc biệt là Đào Thái Tôn, thì đủ rõ.

Tuy nhiên, nhân thân Hồ Xuân Hương - cái lịch sử đời tư ấy, từ gia cảnh, học vấn, các mối quan hệ xã hội, cho đến những giai thoại được truyền tụng trong dân gian - dù có cụ thể, chi tiết mấy đi chăng nữa thì cũng không sao “bạch hóa” được một điểm mờ trong văn học sử Việt Nam trung đại: có hay không một Hồ Xuân Hương như thế trên đời, là chính danh tác giả của tất cả những bài thơ Nôm nghịch phách phi thường mà lâu nay người ta vẫn cho là “của Hồ Xuân Hương”? Nhiều người nghĩ là không. Ví như Đỗ Lai Thúy, khi ông đưa ra nghi vấn: “Hồ Xuân Hương chỉ là cái mặt nạ nữ nhân để cho những nho sỹ đực trút vào đấy những ẩn ức?”. Hay Trần Ngọc Vương, khi ông cho rằng Hồ Xuân Hương là: “Sự nổi loạn nặc danh, phản ánh nhu cầu của một số đông nào đó, rộng hơn, nhu cầu giải phóng cảm xúc của xã hội”.

Thoạt tiên, tôi biểu đồng tình với những phủ định này, nhưng vương vấn một mối lo: nếu là như vậy, thì cái nội dung mang màu sắc đấu tranh nữ quyền - một trong những giá trị lớn, rất thường được nhắc đến - của thơ Hồ Xuân Hương chẳng hóa ra đều phá sản hết?

Do vậy, cuối cùng tự bản thân tôi đành phải làm một cuộc thỏa hiệp: quả có một nữ sĩ Hồ Xuân Hương thật như thế trên đời, là tác giả của một ít bài thơ Nôm bị các nhà đạo đức nghiêm khắc kết án “dâm tục” - ông Trương Tửu từng bảo rằng Hồ Xuân Hương là một thiên tài hiếu dâm đến cực độ - và cũng có nhiều tác giả khác sẵn sàng chấp nhận vô danh hóa, tình nguyện trao tác phẩm của mình vào khối các bài thơ ngập trời xác thịt tênh hênh, dưới cái tên chung là “thơ Nôm Hồ Xuân Hương”.

Quân tử dùng dằng. Chất liệu tổng hợp, họa sĩ: Minh Châu

Quân tử dùng dằng. Chất liệu tổng hợp, họa sĩ: Minh Châu

Đồng thuận với giả thuyết này, chúng ta sẽ dễ chấp nhận rằng thơ Nôm Hồ Xuân Hương, nói sao mặc lòng, là thơ của một nữ tác giả vô cùng kỳ lạ, một hiện tượng đặc dị của văn hóa văn học Việt Nam, và cả thế giới nữa.

Người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương không phải là cô tiểu thư e lệ “êm đềm trướng rủ màn che, tường đông ong bướm đi về mặc ai”. Trong một mức độ rõ nét, đó là hình bóng của chính tác giả. Nàng can đảm, dạn dĩ. Biết rằng mình có tài năng, có quan hệ bằng hữu – và đó cũng thật là điều mới lạ - với rất nhiều anh tài ở nhiều vùng, nàng hy vọng, đợi chờ một thứ hạnh phúc xứng đáng. Người phụ nữ lạ lùng đó, như một du khách, để lại dấu chân mình trên nhiều danh lam thắng cảnh, táo bạo và tự tin đề thơ khắp nơi. Ở những địa danh nàng qua, vạn vật trở nên rạo rực, căng đầy sức sống, thậm chí tràn ra ngoài khuôn khổ thông thường. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam có một tác giả, lại là tác giả nữ, dám nhìn thế giới qua lăng kính phồn thực học”. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương đã viết như thế về thơ Hồ Xuân Hương trong chuyên luận “Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam” (NXB Đại học Quốc gia, tái bản, 1999).

Nhận định này, nhất là cái ý tưởng Hồ Xuân Hương “dám nhìn thế giới qua lăng kính phồn thực học”, sẽ nhận được sự hô ứng và làm cho rõ hơn, sâu hơn nữa ở chuyên luận “Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực” của Đỗ Lai Thúy, một nghiên cứu căn bản dựa trên lý thuyết hội hóa trang của M. Bakhtin (NXB Văn học, tái bản, 2010).

Đỗ Lai Thúy khẳng định trong phần “Đôi lời thưa trước” của công trình này: “Theo chiều lịch đại, thơ Hồ Xuân Hương được coi như là tinh thể của một nền “văn hóa dâm tục”, văn hóa này lại là kết quả của lễ hội mà hạt nhân của nó là tục thờ cúng phồn thực nở rộ vào thời đại Hồ Xuân Hương và còn lại nhiều dư sinh cho đến tận ngày nay. Tục thờ cúng phồn thực, đến lượt nó, lại bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực, một tín ngưỡng vào loại cổ sơ nhất của nhân loại. Đặc điểm của tín ngưỡng này là cái thiêng (sacré) và cái tục (profane) là một, trong thiêng có tục trong tục có thiêng. Bởi vậy, trong cái nhìn hòa đồng nguyên thủy này, thơ Hồ Xuân Hương không còn là dâm tục nữa, mà là những biểu tượng của sự sùng bái sinh sôi nảy nở, sức sống, sự trường tồn của con người và vạn vật”.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tranh: Hồ Thiết Trinh

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tranh: Hồ Thiết Trinh

Phân tích, nhận định đến như vậy thì phải nhận là uyên áo, thấu triệt. Nhưng theo tôi, nó chỉ có ý nghĩa đối với giới nghiên cứu chuyên sâu mà thôi, còn với người đọc bình thường thuộc mọi thế hệ, họ đã và sẽ tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương theo một cách vô tư hồn nhiên hơn nhiều. Thử đặt câu hỏi rằng tại sao, vì những lý do gì mà quảng đại công chúng phổ thông lại thích đọc, thích truyền tai nhau - trong nhiều trường hợp là kèm theo những cái cười vỡ ra sướng khoái hoặc những cái đỏ mặt thẹn thùng - các bài thơ của Hồ Xuân Hương đến thế?

Câu trả lời thích đáng nhất: là vì chúng, phần lớn các bài thơ ấy, đều nhằm nói chuyện cái dâm cái tục, đều cố ý hướng người ta nghĩ đến những hình ảnh cái dâm cái tục. Cho cụ thể hơn, ta có thể diễn đạt như thế này: dù là mô tả, bình luận về sự vật, hiện tượng hay hoạt động nào đi chăng nữa (miếng trầu hôi, đồng tiền hoẻn, bánh trôi, cái quạt, quả mít, ốc nhồi, giếng nước, động, hang, khe, kẽm, đánh đu, đánh trống, dệt cửi, tát nước, móc kẽ rêu, thả nạ ròng ròng...) thì ở thơ Hồ Xuân Hương, hình ảnh về những sự vật, hiện tượng hay hoạt động ấy chỉ là hình ảnh bề nổi, nhạt, và mang nghĩa phụ mà thôi. Còn mang nghĩa chính, chiếm toàn bộ bề sâu và đậm đặc niềm khoái lạc văn bản, chính là hình ảnh của sinh thực khí nam nữ, của những bộ phận gợi dục trên thân thể phụ nữ, và của hoạt động tính giao. Hãy cứ đọc thử vài bài:

Một lỗ sâu xâu mấy cũng vừa

Duyên em dính dán tự ngàn xưa

Vành ra ba góc da còn thiếu

Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa

Mát mặt anh hùng khi tắt gió

Che đầu quân tử lúc sa mưa

Nâng niu ướm hỏi người trong trướng

Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?

(Cái quạt I)

Trời đất sinh ra đá một chòm

Nứt ra đôi mảnh hỏm hòm hom

Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn

Luồng gió thông reo vỗ phập phòm

Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm

Con đường vô ngạn tối om om

Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc

Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm

(Hang Cắc Cớ)

Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau

Con cò mấp máy suốt đêm thâu

Hai chân đạp xuống năng năng chắc

Một suốt đâm ngang thích thích mau

Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả

Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau

Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ

Chờ đến ba thu mới dãi màu

(Dệt cửi)

Hồ Xuân Hương. Tranh: Học Hà

Hồ Xuân Hương. Tranh: Học Hà

Theo cách phân loại thơ Hồ Xuân Hương của Phạm Thế Ngũ trong “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên” thì bài “Cái quạt I” thuộc mục “Những bài vịnh vật”, bài “Hang Cắc Cớ” thuộc mục “Những bài vịnh cảnh”, và bài “Dệt cửi” thuộc mục “Những bài vịnh việc”. Nhưng dù là bài gì thuộc mục nào thì tình hình cũng vẫn thế: không mấy ai, trừ những người ngây thơ nhất, lại chú ý vào những đối tượng mà nhan đề bài thơ chỉ dẫn. Độc giả biết thừa ra rằng bài thơ “Cái quạt” không cốt để kể chuyện cái quạt, bài thơ “Hang Cắc Cớ” không cốt để kể chuyện hang Cắc Cớ, bài thơ “Dệt cửi” không cốt để kể chuyện dệt cửi, và rất nhiều bài thơ khác của Hồ Xuân Hương cũng đều như vậy. Là vì, cái thế giới quan phồn thực học của nhà thơ đã phủ trùm lên tất cả và thấm sâu vào tất cả.

Nhìn vào bất cứ sự vật, hiện tượng hay hoạt động nào, dù chúng có bình thường hoặc tầm thường tới đâu, Hồ Xuân Hương cũng thấy ra được hình ảnh của sinh thực khí nam nữ, hình ảnh của hoạt động tính giao, tức là cái bắt đầu cho sự thỏa mãn và thú vui tình dục, sự truyền giống, sự sinh nở, và sự sống bất tận ở trên đời. Những cái đó, trong quan niệm đạo đức chính thống ở thời đại của Hồ Xuân Hương (Nho giáo) - và trong quan niệm đạo đức chính thống ở nhiều thời đại sau đó cũng vậy - đều bị xem là nhảm, là bậy, là dâm tục, và buộc phải chịu sự chế định nghiêm khắc của các cấm kỵ (tabou).

Nhưng điều trớ trêu đầy thú vị là, với Hồ Xuân Hương, các cấm kỵ tồn tại dường như chỉ để cho bà vi phạm, và bà đã thực sự vi phạm cấm kỵ bằng thiên tài nghệ thuật của mình: phát huy tận độ những khả năng biểu nghĩa thần sầu của tiếng nói dân tộc để tạo ra những biểu tượng lấp lửng hai mặt, tức là tạo ra những nứt gãy, những vực thẳm, những cơn địa chấn, những hỏa diệm sơn chết người bên trong cái vỏ an toàn và vô tội.

Đỗ Lai Thúy là nhà nghiên cứu đã chứng minh được điều đó một cách khá thuyết phục. Và ông có lý để tuyên bố: “Các nhà nghiên cứu trước cho thơ Hồ Xuân Hương hoặc là dâm tục hoặc là không dâm tục. Vượt qua lối tư duy theo lối loại trừ ấy, tôi chứng minh thơ nữ sỹ vừa là dâm tục vừa là không dâm tục. Lập tức người đọc có sự thích khoái của việc ăn quả cấm mà lại không sợ bị trừng phạt” (Đỗ Lai Thúy, sđd).

Hãy chú ý tới cụm từ “ăn quả cấm mà lại không sợ bị trừng phạt”. Nó có liên hệ với một ý trước đó của Xuân Diệu, khi ông viết về Hồ Xuân Hương: “Thơ Hồ Xuân Hương là thứ thơ không chịu ở trong cái khuôn khổ thông thường, một thứ thơ muốn lặn thật sâu vào sự vật, vào những đáy rất kín thẳm của tâm tư, những đáy rất kín thẳm ấy không phải là lạc lõng, cô đơn, cá nhân chủ nghĩa, mà trái lại, được hàng vạn hàng vạn người đồng tình, thông cảm” (Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, NXB Văn học, 1987). Nói một cách dễ hiểu: thơ Hồ Xuân Hương “được hàng vạn hàng vạn người đồng tình, thông cảm” là vì chúng vừa là dâm tục vừa là không dâm tục, và nhờ thế chúng khiến cho “người đọc có sự thích khoái của việc ăn quả cấm mà lại không sợ bị trừng phạt”.

Chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tranh: Tạ Tâm

Chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tranh: Tạ Tâm

Trong khoảng gần 50 bài thơ thuộc khối “thơ Nôm Hồ Xuân Hương” có một bài khá lạ, nhan đề “Thân phận đàn bà”. Ta hãy cùng đọc:

Hỡi chị em ơi có biết không

Một bên con khóc một bên chồng

Bố cu lổm ngổm bò trên bụng

Thằng bé hu hơ khóc dưới hông

Tất tả những là thu với vén

Vội vàng nào những bống cùng bông

Chồng con cái nợ là như thế

Hỡi chị em ơi có biết không?

Tôi nói rằng bài thơ này khá lạ, là bởi vì nó không biểu tượng lấp lửng hai mặt, nó không “vừa là dâm tục vừa là không dâm tục” như những bài thơ Hồ Xuân Hương khác. Nó là bài thơ than thân, mà ở đó, người phụ nữ than với thiên hạ nỗi bận rộn chồng con thì ít, sung sướng kể chuyện ái ân với “bố cu” thì nhiều. Nó là sự mô tả trực diện, sống động đến mức nhà nghiên cứu Đặng Thanh Lê từng cho rằng “hết sức trâng tráo và rất đáng nghi vấn”.

Nhưng theo tôi, đó là quan điểm đánh giá phản ánh sự quy thuận cấm kỵ đạo đức chính thống về tình dục. Tôi chia sẻ quan điểm đánh giá cởi mở, khai phóng của Đỗ Lai Thúy về bài thơ: “Đây là những hình ảnh đặc tả đến nghịch dị (grotesque) gây sự tức cười. Người đàn bà được phóng to, còn người đàn ông và thằng bé thì bị thu nhỏ lại khiến cho từ “thằng bé” được hiểu theo một nghĩa khác. Đồng thời sự khuếch đại cái bụng của người đàn bà, sự rộng bụng, để nói lên tấm lòng mênh mông của người phụ nữ. Và người phụ nữ ấy trở thành “bà mẹ Thiên nhiên”, “bà mẹ Tạo vật” (chữ của Xuân Diệu), phù hợp với cái nhìn phồn thực, coi cơ thể người phụ nữ như là thiên nhiên, đồi núi, sông ngòi” (Đỗ Lai Thúy, sđd).

Từ một phía khác, cách phân tích ấy khiến cho tôi phải từ Hồ Xuân Hương mà nghĩ đến Francois Rabelais, tác giả của “Gargantua và Pantagruel”, đến Giovanni Boccaccio, tác giả của “Mười ngày”, và nhiều nhà nhân văn chủ nghĩa khác. Những con người kiệt xuất ấy luôn biết cách bỡn cợt với các cấm kỵ văn hóa và chủ nghĩa đỏ mặt nông cạn để làm vút lên những tụng ca ca ngợi vẻ đẹp của thân xác con người, sự thuần khiết của những nhu cầu bản năng và mỹ học của nhục cảm. Hồ Xuân Hương và những bài thơ Nôm “dâm tục” của bà chính là sự tiếp nối vào cái truyền thống nhân văn vĩ đại ấy.

Và đó là di sản không bao giờ bị mất giá của Hồ Xuân Hương.

Tin mới