Dịch vụ đòi nợ được kiểm soát như thế nào?

(Baonghean) - Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một loại hình kinh doanh nhạy cảm bậc nhất trong thị trường tài chính, tiền tệ. Những cuộc vỡ nợ do tín dụng đen, hay đơn thuần là tín dụng dân sự phức tạp dẫn đến vi phạm hình sự đã dấy lên một nhu cầu đưa dịch vụ kinh doanh đòi nợ vào khuôn khổ của thị trường. 

Đánh giá tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ của Bộ Tài chính cho thấy, theo báo cáo của 43 địa phương trong cả nước đến hết năm 2015, có 3 địa phương có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn hoạt động. Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện cấp giấy chứng nhận an ninh, trật tự cho 34 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Trong quá trình hoạt động, 18 cơ sở đã ngừng và tạm ngừng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả, khó khăn về nhân sự, thu hồi mặt bằng..., còn lại 16 cơ sở đang hoạt động gồm: 9 công ty cổ phần, 5 công ty trách nhiệm hữu hạn, 2 chi nhánh với tổng số lao động là 239 người. Thành phố Đà Nẵng có 4 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ là 6,5 tỷ đồng. Tỉnh An Giang có 1 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn hoạt động.

Các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Hải Dương, Tiền Giang, Sóc Trăng, Khánh Hòa... đã có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nay không còn hoạt động, số lượng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ ngày càng thu hẹp. 

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Về kết quả kinh doanh, đa số các doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã dần đi vào nề nếp, các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật, công khai minh bạch các hoạt động nhận nợ, thu hồi nợ và đã hạn chế bớt các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không đủ tiêu chuẩn và hoạt động theo kiểu “xã hội đen”.

Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh các doanh nghiệp đạt thấp vì đây là ngành nghề đặc thù, còn khá mới mẻ đối với Việt Nam, trình độ quản lý, nghiệp vụ thu hồi nợ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thấp.

Nguyên nhân chính của các hạn chế là do các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn chưa thực hiện đúng các quy định tại Nghị định 104, chủ yếu vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ và vi phạm về an ninh trật tự xã hội. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước còn mờ nhạt, chỉ khi xảy ra các vụ việc thì lực lượng công an mới tham gia xử lý để ổn định an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, tại Nghị định 104, trách nhiệm Bộ Công an chưa được quy định, lực lượng công an lại không có thẩm quyền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Do đó, đòi hỏi phải có quy định rõ ràng hơn để kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đồng thời cần nâng cao vai trò của lực lượng công an nhân dân trong việc quản lý nhà nước đối với hoạt động này do chỉ có lực lượng công an mới có đủ lực lượng, phương tiện và nghiệp vụ để đưa hoạt động này vào nề nếp.

Đối với điều kiện về vốn, trước đây, Nghị định 104 quy định điều kiện về vốn đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tối thiểu là 2 tỷ đồng, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có cơ sở vật chất tối thiểu khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 không còn có quy định về vốn pháp định, vì vậy với đa số ngành nghề, vốn không còn là một điều kiện kinh doanh (trừ một số ngành đặc biệt như ngân hàng, chứng khoán...).

Đối với điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và người lao động các DNKD dịch vụ đòi nợ: Nghị định 104 quy định người quản lý và người lao động các DNKD dịch vụ đòi nợ phải đảm bảo điều kiện về tư pháp (có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không có tiền án) và điều kiện về năng lực chuyên môn (có trình độ học vấn từ đại học, trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh). Qua quá trình thực hiện Nghị định 104 cho thấy, tương tự hoạt động kinh doanh của các DN thuộc các ngành nghề khác, năng lực chuyên môn của người quản lý và người lao động các DNKD dịch vụ đòi nợ chỉ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của chính DN, mà không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các DN khác cũng như đến nền kinh tế, nên không cần thiết phải quy định điều kiện về năng lực chuyên môn của người quản lý và người lao động trong các DNKD dịch vụ đòi nợ.

Có thể thấy, để đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào hoạt động tốt, cần phải cân nhắc kỹ các hệ thống quy định pháp luật cho loại hình này. Đồng thời, khi đưa vào thực tiễn, cần có sự chuẩn bị về phối hợp hành động, thì mới điều hành được thị trường nợ nói chung, dịch vụ đòi nợ nói riêng.

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới