Điều tra chống bán phá giá: Quyết định đúng

Việt Nam đã gia nhập WTO, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là quyền hợp pháp. Song, đã từ lâu, Việt Nam rất ít sử dụng biện pháp này.

Ngày 2/7/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4460/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam. Trước đó, ngày 6/5/2013, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tiếp nhận hồ sơ hợp lệ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng nêu trên của Công ty TNHH POSCO VST và Công ty CP inox Hòa Bình.

DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc kiện bán phá giá

Quyết định của Bộ Công Thương là hoàn toàn đúng đắn. Bởi, Việt Nam đã gia nhập WTO, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là quyền hợp pháp. Song, đã từ lâu, Việt Nam rất ít sử dụng biện pháp này.Trong khi đó, hiện tượng hàng nhập khẩu của nước ngoài đang bán phá giá tại thị trường Việt Nam vẫn xảy ra, ảnh hưởng lớn tới sản xuất trong nước.

Ngày 29/4/2004, Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã được ban hành.

Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh này. Đó là hai văn bản pháp lý quan trọng nhất điều chỉnh việc chống bán phá giá ở Việt Nam, quy định rất rõ về trình tự, thủ tục của việc điều tra chống bán phá giá và thời hạn của từng bước trong quá trình giải quyết vụ việc. Theo quy định của Pháp lệnh và cam kết quốc tế, điều quan trọng nhất mà DN khởi kiện và cơ quan điều tra cần thực hiện là điều tra, tập hợp tư liệu, chứng cứ để chứng minh rằng: Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa bán phá giá từ một nước đã vượt quá 3% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam hoặc tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa bán phá giá từ nhiều nước đáp ứng điều kiện quy định đã vượt quá 7% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam. Ngoài ra, DN khởi kiện, cơ quan điều tra phải làm việc với các bên liên quan về nhiều vấn đề khác.

Trong việc kiện bán phá giá, chúng ta gặp một khó khăn lớn là phải có chứng cứ về tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam.

Vụ kiện chưa được điều tra thì nhiều DN sản xuất có sử dụng inox làm nguyên liệu đầu vào đã có văn bản phản đối. Song, nếu các DN đó không chứng minh được hai DN đã nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng các biện pháp chống bán phá giá không phải là đại diện cho ngành sản xuất trong nước thì việc điều tra vẫn tiến hành bình thường.

Khó có thể kết luận là các DN Việt Nam thắng hay thua. Tuy nhiên có thể thấy rằng, trong việc kiện bán phá giá, chúng ta gặp khó khăn lớn là phải có chứng cứ về hàng hóa nhập khẩu chiếm tỷ trọng vượt quá 3% (trường hợp hàng hóa được nhập khẩu từ một nước) hoặc vượt quá 7% (trường hợp hàng hóa được nhập khẩu từ nhiều nước) tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong không ít trường hợp, tổng hợp số lượng hàng nhập khẩu vào Việt Nam ít hơn 3%, bởi một số lượng lớn hàng nhập khẩu tiểu ngạch đã không được quản lý, cập nhật. Điều này xảy ra phổ biến đối với hàng nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Lào về Việt Nam.

Một khó khăn nữa là chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong những vụ kiện bán phá giá. Song, dù thành công hay không, khởi kiện và điều tra hành vi bán phá giá là việc làm cần thiết để qua đó chúng ta sẽ có kinh nghiệm trong việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xử lý những vụ chống bán phá giá tiếp theo.

Theo baocongthuong -P.H

Tin mới