Doanh nghiệp còn gặp khó khi tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Để giúp nền kinh tế phục hồi và vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, từ tháng 5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/NĐ-CP về gói hỗ trợ 2% lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy có nhiều vướng mắc khiến doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận.

Khách hàng vay vốn tại Phòng Giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Ảnh: Nguyễn Hải

Khách hàng vay vốn tại Phòng Giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Ảnh: Nguyễn Hải

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Hiệu quả chưa tương xứng với nỗ lực

Thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN, tiếp đó, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 3769/UBND-KT ngày 27/5/2022 hướng dẫn triển khai.

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh Nghệ An và các ngân hàng thương mại tổ chức đăng tải và giải đáp các nội dung liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2%; đồng thời yêu cầu các ngân hàng kịp thời triển khai đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, đúng quy định, đối tượng, mục đích, ngăn ngừa rủi ro, trục lợi chính sách; không hạ chuẩn, nới lỏng các điều kiện tín dụng trong quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất.

Trên cơ sở theo dõi và làm việc thực tế, định kỳ hàng tuần, hàng tháng hoặc đột xuất, Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh Nghệ An cập nhật tiến độ, kết quả thực hiện... để có các chỉ đạo kịp thời.

Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, để triển khai hiệu quả, đúng đối tượng, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Nghệ An còn chủ động phối hợp cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn rà soát, nắm tình hình để chỉ đạo các ngân hàng xem xét xử lý kịp thời, thỏa đáng cho các doanh nghiệp; báo cáo NHNN Việt Nam về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do Khu Kinh tế Đông Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Sở Công thương triển khai. Ảnh: Nguyễn Hải

Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do Khu Kinh tế Đông Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Sở Công thương triển khai. Ảnh: Nguyễn Hải

Vào tháng 10/2022, NHNN Chi nhánh đã phối hợp với Sở Công thương, Ban quản lý KKT Đông Nam tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, với sự tham dự của 39 ngân hàng thương mại, đại diện hiệp hội doanh nghiệp và 140 doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh để tiếp nhận và lắng nghe những phản ánh của các doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, nhất là Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.

Từ đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp có nguyện vọng và đủ điều kiện được hỗ trợ theo đúng quy định.

Tính đến 30/4/2023, sau hơn 11 tháng triển khai, doanh số cho vay lũy kế được hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh đạt hơn 418 tỷ đồng; dư nợ được hỗ trợ là 227 tỷ đồng tại 10 Chi nhánh ngân hàng thương mại với 32 khách hàng; số tiền đã hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình là gần 2,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% tại Nghệ An đã bộc lộ vướng mắc, bất cập. Bản chất gói hỗ trợ lãi suất này hướng tới các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh bị “tổn thương” nhưng điều kiện phải là “có khả năng phục hồi” nên các ngân hàng khó xác định, đánh giá.

Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp vay theo USD hoặc ngành nghề kinh doanh không thuộc các ngành, lĩnh vực được quy định thì cũng không được hỗ trợ theo Nghị định 31.

Ngoài ra, doanh nghiệp chưa cung cấp đủ hồ sơ chứng từ, ví dụ như không xuất được hóa đơn VAT để chứng minh mục đích sử dụng vốn, khách hàng là hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ thì không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; phương án kinh doanh không khả thi...

Trong khi các doanh nghiệp nội đang "loay hoay" với các dự án nhà ở xã hội thì doanh nghiệp FDI là Công ty Lux share - ICT tại KCN VSIP Nghệ An 1 đã hoàn thành khu nhà ở cho công nhân và chuyên gia ở và thuê. Ảnh: Nguyễn Hải

Trong khi các doanh nghiệp nội đang "loay hoay" với các dự án nhà ở xã hội thì doanh nghiệp FDI là Công ty Lux share - ICT tại KCN VSIP Nghệ An 1 đã hoàn thành khu nhà ở cho công nhân và chuyên gia ở và thuê. Ảnh: Nguyễn Hải

Mặt khác, theo một số doanh nghiệp, thực chất gói hỗ trợ lãi suất không lớn, chỉ là 2% trong tổng số lãi mà doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vay vốn phải trả nhưng quy định yêu cầu cung cấp hồ sơ, thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và nếu cần, các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào làm việc là điều ít doanh nghiệp nào muốn.

Cũng vì lý do này mà Công ty CP xi măng Sông Lam ban đầu làm hồ sơ hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% với số tiền vay trên 400 tỷ đồng, tương đương số tiền hỗ trợ lãi suất trên 100 triệu đồng, nhưng sau khi làm thủ tục khá rườm rà nên xin rút hồ sơ về và không vay nữa.

Sau 1 năm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/CP, cả nước giải ngân được 330 tỷ trong tổng số 40.000 tỷ đồng. Trước đó, do có nhiều vướng mắc nên Ngân hàng Nhà nước từng đề xuất sửa đổi Nghị định 31 theo hướng tạo điều kiện triển khai thuận lợi hơn nhưng dự kiến cũng chỉ giải ngân ở mức 2.345 tỷ đồng, còn tới 37.521 tỷ đồng dự kiến không giải ngân hết.

Đại diện Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh Nghệ An chia sẻ
Đối tượng mua lại các nhà chung cư cũ sau cải tạo cũng được tiếp cận gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Hải

Đối tượng mua lại các nhà chung cư cũ sau cải tạo cũng được tiếp cận gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Hải

Bó hẹp đối tượng vay gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng

Mong đợi của thị trường trong quá trình thảo luận, đưa ra gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng là không chỉ doanh nghiệp, nhà đầu tư mà người có thu nhập ổn định và mức trung bình khi xây dựng nhà ở sẽ được tiếp cận gói tín dụng này với lãi suất thấp từ 1,5-2% so với lãi vay thông thường.

Thế nhưng, khi Nghị quyết 33/NQ-CP ban hành và sau đó là Văn bản số 2308/NHNN của Ngân hàng nhà nước thì chỉ những người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hoặc chủ đầu tư dự án cải tạo, xây lại chung cư cũ… theo phê duyệt của ngành xây dựng mới được vay vốn.

Quy định trên khiến không ít khách hàng thất vọng. Văn bản số 2308 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành ngày 1/4 nhưng đến ngày 20/4/2023, Bộ Xây dựng mới có văn bản 1551/BXD-PLN về việc hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, trong đó, ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư. Danh mục này công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các Ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Khu nhà ở cho công nhân của Công ty CP Trung Đô xây dựng năm 2014. Ảnh: Nguyễn Hải

Khu nhà ở cho công nhân của Công ty CP Trung Đô xây dựng năm 2014. Ảnh: Nguyễn Hải

Anh Vũ Ngọc Nhân - một công nhân KCN VSIP hiện thuê nhà tại địa bàn Hưng Tây, Hưng Nguyên chia sẻ: Kể cả khi danh mục dự án được thông qua thì với mức lương trung bình chỉ từ 6-8 triệu đồng/lao động/tháng; nếu tính cả 2 vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng và mỗi căn nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp có giá từ 7-10 triệu/m2, lãi suất 8,2%/năm và hỗ trợ lãi suất chỉ 5 năm thì rất khó tiếp cận và vay thì khó để trả nợ.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: Hiện Sở Xây dựng đang trình UBND tỉnh thẩm tra, phê duyệt danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn được vay vốn theo Nghị quyết số 33/NQ- CP nên tại Nghệ An chưa có dự án nào đủ điều kiện duyệt thụ hưởng và chưa phát sinh dư nợ theo gói 120.000 tỷ đồng.

Khu đất xây dựng nhà ở xã hội tại Nghi Xá, KCN Nam Cấm của Công ty địa ốc Kim Thi đã hoàn thành thủ tục thu hồi, đền bù và mặt bằng nhưng tiến độ xây dựng công trình còn chậm. Ảnh: Nguyễn Hải

Khu đất xây dựng nhà ở xã hội tại Nghi Xá, KCN Nam Cấm của Công ty địa ốc Kim Thi đã hoàn thành thủ tục thu hồi, đền bù và mặt bằng nhưng tiến độ xây dựng công trình còn chậm. Ảnh: Nguyễn Hải

Tháo gỡ rào cản, tăng cơ hội tiếp cận vốn

Để tháo gỡ khó khăn liên quan đến lĩnh vực bất động sản, sau khi ban hành văn bản số 359/NGA-THKS ngày 4/4/2023 triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP, ngày 25/4/2023, Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Nghệ An tiếp tục ban hành Văn bản số 474/NGA-THKS về việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, trong đó bao gồm gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đến các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết.

Tuy vậy, theo đại diện một ngân hàng thương mại tại Khu vực Bắc Nghệ An, cũng như gói vay hỗ trợ 2% lãi suất của Nghị định số 31/2022, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng vấp phải khó khăn về đảm bảo điều kiện thủ tục nên các ngân hàng thương mại và khách hàng đều gặp khó. Để tháo gỡ, phải mở rộng đối tượng hoặc chuyển đổi nguồn sang chính sách hỗ trợ khác phù hợp hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Dũng - Giám đốc Công ty CP địa ốc Kim Thi chia sẻ: Mặc dù rất mong được tiếp cận với gói vay lãi suất ưu đãi 120.000 tỷ đồng nhưng mức lãi suất 8,7%/năm và ưu đãi trong 3 năm đầu nên phải cân nhắc.

Điều kiện thuê nhà của công nhân tại KCN Bắc Vinh khá chật chội, khó khăn nên nhu cầu vay vốn để thuê, mua nhà ở để cải thiện điều kiện ăn ở và an cư là rất lớn. Ảnh tư liệu

Điều kiện thuê nhà của công nhân tại KCN Bắc Vinh khá chật chội, khó khăn nên nhu cầu vay vốn để thuê, mua nhà ở để cải thiện điều kiện ăn ở và an cư là rất lớn. Ảnh tư liệu

Mới đây, để tháo gỡ khó khăn và người lao động thu nhập thấp được tiếp cận nguồn vốn vay mua và thuê nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 486/QĐ -TTg ngày 10/5, theo đó, từ 10/5/2023 đến 31/12/2024, người vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng chính sách được hưởng lãi suất 4,8%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Nghệ An, tính đến 31/3/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản trên địa bàn Nghệ An 22.670 tỷ đồng, chiếm 8,3% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn, tăng 3,26% so với cuối năm 2022. Trong đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Nghệ An có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản lớn nhất với 1.750 tỷ đồng, chiếm 8% dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn.

Tin mới