Độc đáo dùng xơ tre và vôi hàu trám tàu khủng

(Baonghean.vn) - Để chống nước thấm vào trong tàu thuyền, người dân đã sáng chế ra cách dùng “sơ tre” và vôi hàu để trám vào các khe hở của tàu với độ bền gần chục năm.

Tìm về cơ sở đóng tàu của ông Nguyễn Tiến Xang ở xã Quỳnh Thọ, chúng tôi được ông dẫn tham quan khu vực đóng tàu của gia đình ông. Với hàng chục lao động có tay nghề, trong những năm qua, cơ sở của ông đóng ra hàng chục chiếc tàu to hiện đại. Để hoàn thiện con tàu cần đòi hỏi kỹ thuật cao và tỉ mỉ, đặc biệt là khi tàu hoạt động trên biển không để nước ngấm vào bên trong con tàu.

Do đó, hiện nay cơ sở đóng tàu của ông đã sử dụng kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại là dùng xơ tre kết hợp với vôi hàu và dầu trảu để trám vào khe hở của thuyền.

Công nhân cơ sở đóng tàu của ông Lê Tiến Xang ở xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu). Ảnh Việt Hùng
Công nhân cơ sở đóng tàu của ông Lê Tiến Xang ở xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) trám xơ tre vào các khe hở tàu thuyền. Ảnh :Việt Hùng

Ông Xang cho biết, xơ tre được mua từ Thanh Hóa, Nam Định về; bình quân 1 chiếc tàu to cần khoảng 150 kg, giá 40 nghìn đồng/kg.

“Xơ tre là nguyên liệu tốt nhất để trám vào các khe hở của tàu. Bà con dùng máy cạo xơ tre tạo ra các sợi nhỏ, dài; khi kết hợp với vôi, hóa chất sẽ tạo độ nhuyễn, kết dính cao hơn gỗ vụn. Sử dụng xơ tre có độ bền cao gần cả chục năm”. Ông Xang chia sẻ.

Ngoài xơ tre, người dân còn kết hợp với bột vôi hàu (hàu dưới sông, biển được lấy vỏ xay nhỏ thành bột) và dầu trảu.

Khi chiếc tàu được đóng hoàn thiện, công nhân sẽ dùng vôi hàu trộn đều với dầu trảu (hạt trảu ép ra dầu), sau đó trám 1 lớp bên trong khe hở rồi tiếp đó đóng chặt xơ tre vào giữa; bước tiếp theo sẽ trám thêm 1 lớp vôi hàu trộn dầu trảu bên ngoài thuyền. Khoảng sau 3 ngày, vết trám khô cứng có thể hoạt động dưới nước được.

Nguyên liệu xơ tre, vôi hàu. Ảnh: Việt Hùng Nguyên liệu xơ tre, vôi hàu. Ảnh: Việt Hùng
Nguyên liệu xơ tre, vôi hàu. Ảnh: Việt Hùng

Ông Hồ Văn Hưng - một công nhân trám thuyền cho biết, trong quá trình trộn vôi hàu với dầu trảu nếu không trám nhanh, nguyên liệu sẽ khô cứng nên không có tác dụng; do đó, đòi hỏi phải thao tác nhanh và chính xác.

Với cách làm này, nhiều chiếc tàu to vươn khơi đánh bắt hải sản đều yên tâm không sợ nước biển ngấm vào gây hoen rỉ máy móc, hư hỏng tàu. Hiện nay, nhiều cơ sở đóng tàu trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đều dùng phương pháp này để hàn trám tàu.

Ông Hồ Văn Ngò, chủ cơ sở đóng tàu xã Quỳnh Nghĩa cho biết, mỗi năm cơ sở nhận đóng từ 7-10 chiếc tàu, để trám một chiếc tàu to mất khoảng 30 triệu đồng tiền nguyên liệu gồm xơ tre 150 kg; vôi hàu 400 kg; dầu trảu 200 kg dầu. Những vết trám này có độ bền gần chục năm, sau đó sẽ tiến hành trám lại. Cách làm này được các thế hệ trước truyền lại hơn chục năm nay.

Toàn huyện Quỳnh Lưu có khoảng 1.275 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 695 phương tiện đánh bắt xa bờ, tất cả đều được trám kín khe hở bằng xơ tre. Đối với các phương tiện có công suất nhỏ, ngư dân có thể sử dụng chất liệu nhựa để làm thuyền nên không cần trám xơ tre./.

Việt Hùng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới