Độc đáo làng chuyên săn 'tôm bay' ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có một ngôi làng chuyên tham gia săn bắt "tôm bay". Vào chính vụ thu hoạch lúa cũng là lúc hàng trăm người của làng có mặt trên khắp các cánh đồng trong tỉnh để kiếm thêm thu nhập.

Đến mùa thu hoạch lúa, “tôm bay” (hay còn gọi là châu chấu) sinh trưởng và tập trung rất nhiều trên các cánh đồng lúa. Năm nào cũng vậy, vào thời điểm này, hàng chục gia đình ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) tỏa đi khắp mọi nơi để giăng bẫy, săn bắt châu chấu.

Dọc theo tuyến tỉnh lộ 537B đi xuống các xã bãi dọc ở Quỳnh Lưu, dưới những cánh đồng, người dân xã Quỳnh Thanh đang hì hục đặt lưới giăng bẫy để săn bắt loại côn trùng này.

Người dân xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) giăng bẫy bắt châu chấu. Ảnh: Việt Hùng.
Người dân xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) giăng bẫy bắt châu chấu. Ảnh: Việt Hùng.

Ông Nguyễn Văn Tài, người dân xã Quỳnh Thanh cho biết: "Một năm 2 vụ thu hoạch lúa nên người dân trong làng đều tận dụng thời cơ này để săn bắt châu chấu, kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày, bình quân một gia đình 3 lao động trong nhà đi khắp các xã trong và huyện để giăng bẫy, bắt châu chấu.

Từ đầu mùa đến nay thương lái thu mua với giá rất cao nên mỗi ngày gia đình tôi thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng. Nếu chịu khó đi xa, khoản thu nhập này kéo dài hết cả tháng, không nghề gì có thể thu nhập cao hơn mà trong khi đó vừa bảo vệ được mùa màng".

Cách đó một vài cánh đồng, một nhóm người cũng ở xã Quỳnh Thanh đang đuổi bắt châu chấu ở xứ đồng Quỳnh Yên. Họ giăng lưới thành khung dài hàng trăm mét trên ruộng, sau đó có 2 người cầm hai đầu dây thừng vừa đi vừa đuổi châu chấu bay tiến về khung bẫy đã giăng.

Bị đánh động, "tôm bay" ẩn lấp dưới các gốc rạ lập tức bay tiến về trước bẫy. Lúc này người dân nhanh chóng gấp lưới lại và thu được thành quả. Anh Hồ Văn Thành vui mừng kể thành quả: “Lượt đuổi bắt này mỗi lần được khoảng 5 kg châu chấu, tính ra tiền thì khoảng 600.000 đồng; trong buổi sáng chúng tôi quyết tâm đánh được 3 - 4 lượt như thế này mới về nhà”.

Khi bẫy đã giăng, người dân dùng dây thừng rượt đuổi để châu chấu tiến về bẫy. Ảnh: Việt Hùng
Khi bẫy đã giăng, người dân dùng dây thừng rượt đuổi để châu chấu tiến về bẫy sau đó và gom châu chấu về một nơi. Ảnh: Việt Hùng

Theo chia sẻ của người dân đi săn bắt châu chấu, năm nay châu chấu ít hơn các năm về trước nên sản lượng đánh bắt cũng giảm, nhưng thương lái thu mua với giá cao. Như năm ngoái, vào thời điểm này, giá nhập "tôm bay" từ 70.000 - 80.000 đồng/kg thì năm nay tăng lên 140.000 đồng/kg (mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay). Riêng đối với loại nhỏ hơn giá có thể lên tới 200.000 đồng/kg (loại này thương lái thu mua để nhập cho cơ sở chế biến thức ăn cho chim).

Tận dụng thời điểm bà con đang thu hoạch lúa, người dân ở làng Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) vượt hàng chục cây số đi các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Yên Thành, Diễn Châu.. để săn bắt châu chấu. Vào khoảng cuối chiều hàng ngày, hàng tạ "tôm bay" được bà con mang về nhập cho 2 cơ sở thu mua ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) và phường Quỳnh Thiện (T.X Hoàng Mai) và họ có ngay "thóc thật". 

Ông Nguyễn Văn Tài, người dân xã Quỳnh Thanh cho biết, vào mùa thu hoạch lúa, bà con địa phương có mặt ở nhiều nơi trong và ngoài huyện để săn bắt châu chấu. Từ một vài người đi săn, đến nay toàn xã có hàng trăm người theo nghề và công việc này đã gắn bó với người dân suốt hơn 10 năm nay. 

Từng nhóm người đi săn bắt châu chấu đều là người thân trong một gia đình, những lúc nông nhàn, họ sắp xếp thời gian đi khắp các xứ đồng để săn bắt.

Để có dụng cụ đánh bắt, người dân sắm cho mình 1 - 2 bộ lưới dày mắt dài hàng trăm mét và những chiếc gậy để làm khung bao vây. Chi phí cho một bộ đồ nghề đi săn bắt châu chấu khoảng 1 - 2 triệu đồng nhưng có thể sử dụng được 3 - 4 năm.

Khi hỏi về kinh nghiệm để săn được nhiều châu chấu, anh Hồ Văn Thành ở Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) chia sẻ, công việc này ngoài cần sự chịu khó và kiên trì thì bà con cần khai thác được vùng nào châu chấu nhiều. Hiện này bà con đang đánh theo kinh nghiệm đi thăm dò dưới đồng ruộng nếu thấy châu chấu bay nhiều thì lập tức tập hợp mọi người lại để giăng bẫy; quan trọng nhất vẫn là cách đặt bẫy làm sao đúng hướng để châu chấu bay vào.

Tôm bay được mang đến nhập cho các điểm thu mua. Ảnh: Việt Hùng
Tôm bay được mang đến nhập cho các điểm thu mua. Ảnh: Việt Hùng

Châu chấu sẽ được các cơ sở thu mua rửa sạch, đóng vào thùng xốp ướp lạnh gửi đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Châu chấu là loại côn trùng chuyên phá hoại hoa màu của bà con nông dân nay lại được xem là đặc sản của đồng quê. Chính điều này khiến giá “tôm bay” đắt trong thời gian này.

Theo tìm hiểu tại chợ Chúc Sơn (Hà Nội), sau khi tôm bay được nhập từ Nghệ An ra thì giá bán còn tăng lên. Loại châu chấu còn chân và cánh có giá 200.000 - 250.000 đồng/kg. Loại cắt cánh sạch sẽ có giá 300.000 đồng. Tuy có giá cao nhưng được bắt vào đúng vụ, lại an toàn nên món đặc sản này được người sành ăn ở phố thị hoặc các nhà hàng tìm mua về chế biến món ăn./.

Tin mới