HƯỚNG ĐẾN HỘI THI “HÁT DÂN CA TRONG TRƯỜNG HỌC”

Đôi nét về dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh

(Baonghean.vn)- Ví, giặm được hình thành, phát triển trong lao động và đời sống của người dân Nghệ - Tĩnh, đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014.

10. Về miền ví giặm  -Tôp hát múa - Soạn lời  An Ninh - Dàn dựng  Thanh Hằng - Tập thể nghệ sỹ Đoàn ví giặm..JPG
Ảnh minh họa.

Trong kho tàng văn hóa xứ Nghệ, ví và giặm là hai thể hát dân ca độc đáo của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với những nét riêng không thể lẫn với dân ca của bất cứ vùng miền nào. Ra đời cách đây hàng trăm năm, dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động, nên từng làn điệu, câu hát đều tương ứng với mỗi ngành nghề.

Đây là hai lối hát dân ca không nhạc đệm, được cộng đồng xứ Nghệ sáng tạo ra, ca từ có nội dung đa dạng, phản ánh mọi mặt của cuộc sống.

Nhiều bài hát mang tính giáo dục sâu sắc: kính trọng cha mẹ, chung thủy, nghĩa tình, trung thực, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã. Dân ca ví, giặm được thực hành rộng khắp trong cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Theo kết quả kiểm kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (năm 2013), có 260 làng, trong đó 168 làng ở tỉnh Nghệ An và 92 làng ở tỉnh Hà Tĩnh có người thực hành dân ca ví, giặm.

Ví, giặm có đặc tính địa phương về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát. Các kỹ năng hát đúng tiết tấu, cao độ, trường độ, luyến láy chủ yếu được trao truyền giữa các thế hệ bằng truyền khẩu, trực tiếp từ các nghệ nhân, đảm bảo thể hiện được giọng hát, ngữ điệu của phương ngữ Nghệ - Tĩnh. Ví, giặm được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối, hát cuộc.

Mỗi cuộc hát thường có ba chặng: hát dạo, hát đối và hát xe kết, nổi bật nhất là hát giao duyên.

Ca từ bằng thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể (hát ví), 5 chữ (hát giặm), cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát. Hát ví có âm điệu tự do phụ thuộc vào lời ca, bối cảnh và tâm tính của người hát, âm vực không quá một quãng 8. Hát giặm có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, nhịp 3/4 và 6/8. Hai lối hát này luôn xen kẽ cùng nhau.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Chí Bền, Bùi Quang Thanh, Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013.

2. Hoàng Trọng Canh, Từ địa phương với cấu trúc sóng đôi trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh - Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.

3. Ninh Viết Giao, Tính bác học trong ca từ của dân ca ví, giặm xứ Nghệ - Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.

4. Vũ Ngọc Khánh, Vài nhận xét về dân ca Nghệ Tĩnh, Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh, số 21, 1996, tr.117.

Tin mới