Chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn bất cập

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sau năm năm thực hiện với nhiều lần sửa đổi, bổ sung đã tạo nhiều thuận lợi và đáp ứng quyền lợi của người được hưởng. Người lao động (NLÐ) khi bị mất việc làm được hưởng mức trợ cấp, hỗ trợ học nghề cao hơn trước, thời gian đăng ký thất nghiệp cũng được kéo dài hơn... Tuy nhiên, chính sách này vẫn còn một số bất cập.

Người lao động kê khai làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: THU HÀ
Người lao động kê khai làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: THU HÀ
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sau năm năm thực hiện với nhiều lần sửa đổi, bổ sung đã tạo nhiều thuận lợi và đáp ứng quyền lợi của người được hưởng. Người lao động (NLÐ) khi bị mất việc làm được hưởng mức trợ cấp, hỗ trợ học nghề cao hơn trước, thời gian đăng ký thất nghiệp cũng được kéo dài hơn... Tuy nhiên, chính sách này vẫn còn một số bất cập.
Khu vực đăng ký hưởng BHTN, Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Hà Nội có khá đông người đến làm thủ tục. Họ là những công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, những nhân viên văn phòng, cán bộ làm dự án nước ngoài, giáo viên dạy ở trung tâm tiếng Anh... Nhiều người còn lúng túng khi làm thủ tục, hồ sơ hưởng BHTN, nhân viên Trung tâm phải giải thích nhiều lần, mà có người vẫn chưa hiểu rõ. Quả thật, đối với người lao động, việc làm các thủ tục để được hưởng BHTN không đơn giản chút nào. Hồ sơ phải có: đơn đề nghị, bản sao quyết định thôi việc, sổ BHXH có ghi nhận thời gian tham gia BHTN, chứng minh nhân dân, ảnh để làm thẻ ATM, thẻ BHYT. Thủ tục không đơn giản còn bởi nó phụ thuộc nhiều vào trách nhiệm của doanh nghiệp đối với NLÐ. Nhiều trường hợp NLÐ có đóng BHTN, nhưng doanh nghiệp nợ BHXH, cho nên NLÐ không được giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Anh Nguyễn Xuân Hảo, quê ở Thanh Hóa, là nhân viên Công ty TNHH chế biến thực phẩm Phú Hưng cho biết, anh bị mất việc từ 1-1-2014. Rất may là anh thuộc đối tượng được hưởng BHTN. Tuy nhiên, để nhận được trợ cấp thất nghiệp, anh phải mất nhiều thời gian đi lại để làm thủ tục chuyển hưởng BHTN về quê. Theo quy định, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, anh phải trực tiếp đến Trung tâm GTVL tại Hà Nội để đăng ký thất nghiệp, rồi mới làm thủ tục xin chuyển hưởng BHTN về nơi cư trú. Sau đó, anh phải đến Trung tâm GTVL tỉnh Thanh Hóa để làm thủ tục, hồ sơ hưởng BHTN theo quy định. Với mức lương cơ bản để đóng BHXH, BHTN của một công nhân có khởi điểm hệ số bậc thấp nhất là 1,85 nhân với mức lương tối thiểu chung, thời gian hưởng BHTN không quá ba tháng, mức hưởng 60% lương cơ bản, trừ chi phí tàu xe đi lại để làm thủ tục, số tiền còn lại cũng chẳng được bao nhiêu. Cũng vì quy định NLÐ phải trực tiếp đến Trung tâm GTVL nơi NLÐ làm việc trước khi mất việc để làm thủ tục mà có nhiều NLÐ làm việc ở xa quê, cách hơn 1.000 km, khi bị mất việc làm, cũng đành bỏ luôn chế độ trợ cấp thất nghiệp vì không thể quay lại nơi làm việc để làm thủ tục hưởng BHTN và chuyển hưởng BHTN.
Giám đốc Trung tâm GTVL Hà Nội Nguyễn Toàn Phong cho biết: Thời gian qua, số người đến đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm tăng cao, do ảnh hưởng kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, giảm bớt nhân công, một số lao động khác không thể tiếp tục công việc do đơn vị di chuyển đến địa bàn quá xa. Riêng năm 2013, có 27.521 NLÐ đăng ký thất nghiệp, tăng 7,97% so với năm 2012. Từ khi thực hiện chính sách BHTN, các cơ quan ban hành chính sách đã rất tích cực điều chỉnh các văn bản quy định cho phù hợp thực tế. Sau khi Nghị định số 127/2008 hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội về BHTN đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số bất cập. Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 100/2012/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127, kèm theo đó là các thông tư hướng dẫn. Cứ thông tư này ra đời, trong đó có một số quy định chưa phù hợp thực tế, chỉ trong thời gian ngắn lại có thông tư khác sửa đổi, bổ sung. Như Thông tư số 04/2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 32/2010... Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nảy sinh những vấn đề các văn bản chưa điều chỉnh hết hoặc quy định chưa rõ. NLÐ hiểu rằng, họ đóng BHTN, nếu họ mất việc làm thì phải được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm. Nhưng khi làm thủ tục, họ gặp phải những vướng mắc do văn bản quy định chưa rõ, phải tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, cho nên có nhiều bức xúc.
Trưởng phòng BHTN, Trung tâm GTVL Hà Nội Nguyễn Thị Kim Loan cho rằng: Luật BHXH về BHTN và các văn bản hướng dẫn thi hành còn có một số quy định chưa phù hợp với thực tế. Ðó là quy định, doanh nghiệp có sử dụng từ mười NLÐ trở lên, NLÐ giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng thuộc đối tượng tham gia BHTN. Theo quy định này, những doanh nghiệp sử dụng dưới mười NLÐ, NLÐ giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc dưới 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHTN. Thực tế, đây lại là những đối tượng có khả năng mất việc làm cao, cần sự quan tâm hỗ trợ thì lại không được tham gia để hưởng BHTN. Quy định như vậy còn tạo ra sự thiếu bình đẳng trong việc tham gia BHTN. Ðơn cử như trường hợp Văn phòng Ðại diện Black & Veatch International, trụ sở tại 23 Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ðơn vị này tham gia đóng BHTN cho người lao động từ ngày 1-1-2011, khi đó có hơn mười lao động. Ðến tháng 1-2014, họ được thông báo dừng đóng BHTN, lý do đơn vị không đủ số lao động theo quy định. Theo quy định, NLÐ ở đơn vị này sẽ không được hưởng BHTN nếu họ kết thúc hợp đồng lao động mà chưa tìm được việc làm mới. Quy định như vậy gây thiệt thòi cho NLÐ.
Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Lê Quang Trung, cũng thừa nhận rằng, theo chính sách hiện hành, doanh nghiệp có dưới mười lao động không nằm trong đối tượng hưởng BHTN là một quy định không hợp lý. Ông Trung còn cho biết thêm, việc quy định ngành lao động, thương binh và xã hội ra quyết định hưởng BHTN, ngành bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả BHTN làm cho NLÐ phải đi lại giữa hai cơ quan, mất nhiều thời gian, công sức. Ở một số địa phương, việc chi trả BHTN thực hiện hằng tháng, giống như các trợ cấp xã hội khác, như vậy là chưa đúng, vì theo quy định, BHTN phải chi trả theo ngày. Theo Phó cục trưởng Cục Việc làm Lê Quang Trung, những hạn chế, tồn tại của chính sách BHTN hiện hành sẽ được giải quyết khi Luật Việc làm chính thức có hiệu lực (1-1-2015). NLÐ đang mong chờ, hy vọng rằng, khi Luật Việc làm được thực thi, NLÐ sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn và nếu bị thất nghiệp, thì chính sách BHTN thật sự là "phao cứu sinh" giúp họ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Linh hoạt trong việc thông báo tình trạng việc làm
"Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, NLÐ phải trực tiếp (không được ủy quyền) đến Trung tâm GTVL để thông báo tình trạng việc làm, nếu không đúng hẹn, NLÐ sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, là một quy định gây phiền hà cho NLÐ. Trường hợp của tôi, mặc dù nhà không quá xa Trung tâm GTVL, nhưng công việc chạy xe ôm khiến tôi phải di chuyển thường xuyên. Quy định bắt buộc tôi phải trực tiếp đến trung tâm khai báo theo đúng ngày hẹn làm cho tôi mất nhiều thời gian và mất cả cơ hội kiếm sống. Còn có những người ở ngoại tỉnh, họ phải đi lại rất vất vả, tốn kém phí tàu xe, trong khi tiền trợ cấp thất nghiệp cũng không nhiều, chỉ được một vài triệu đồng. Vì thế, tôi kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp linh hoạt trong việc kiểm soát tình trạng việc làm của người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp".
NGUYỄN QUỐC CƯỜNG (Phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội)
Quy định về hưởng trợ cấp một lần chưa phù hợp
"Các trường hợp đang hưởng trợ cấp hằng tháng, nếu có việc làm sẽ được hưởng khoản trợ cấp một lần bằng giá trị còn lại của trợ cấp thất nghiệp. Thực tế, NLÐ hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tìm được việc làm, lúc đó họ trở thành đối tượng không bị thất nghiệp. Vì thế, quy định được chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần là không phù hợp và sẽ góp phần khuyến khích NLÐ lách luật để hưởng BHTN, nhất là các đối tượng NLÐ có trình độ chất lượng cao hoặc có chuyên môn nghiệp vụ mà thị trường lao động đang khan hiếm".
Ðiều kiện hưởng Bảo hiểm Thất nghiệp
"Người thất nghiệp là người đang đóng BHTN mà bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc được hưởng BHTN khi có đủ các điều kiện: Ðã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật... Ðã đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động... Trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động".
Theo NDĐT

Tin mới