Người mẹ chồng bao dung

(Baonghean) - Cô gái ngồi ở hàng ghế bị hại đã bị người ta lừa bán khi chuẩn bị về làm dâu nhà bà. Bằng cái “uy” của mình, bà đã buộc kẻ phạm tội phải đưa cô trở về khi cô đã trải qua một thời gian nếm đủ ê chề, nhục nhã. Bằng tấm lòng của người mẹ, bà đã đứng ra phân tích những điều hay, lẽ phải, khuyên đứa con trai quên đi mặc cảm, sống trọn nghĩa, vẹn tình.

Khuôn mặt đầy đặn phúc hậu, bà Vi Thị L. tới dự phiên tòa vừa với tư cách là thân nhân bị hại nhưng cũng là người có quyền và nghĩa vụ liên quan tới vụ án mà nạn nhân chính là con dâu bà. Tại phiên tòa, bà đã đứng lên tố cáo hành vi của kẻ buôn người và không tiếc lời khen ngợi cô con dâu chăm chỉ, biết nghe lời. Bà buôn bán ở Thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu), con trai bà mấy lần đi bỏ mối cho mẹ nên có quen biết Hà Thị P. (SN 1992, trú tại xã Đồng Văn, Quế Phong). Chúng nó yêu nhau, bà cũng mừng, mong các con sớm yên bề gia thất. Sau mấy chuyến đi lại, hai gia đình đồng ý cho đôi trẻ nên duyên. “Theo tục lệ của người Thái, người con trai muốn cưới người con gái làm vợ thì phải đi ở rể 1 năm rồi mới được làm đám cưới.

Con trai tôi cũng đi ở rể cho nhà P. Theo kế hoạch thì vào tháng 3/2013, chúng tôi sẽ làm lễ cưới cho các cháu”, bà kể. Dù chưa chính thức cưới xin nhưng P. cũng đã gọi bà bằng mẹ, bà cũng xem cô như con cái trong nhà. Thỉnh thoảng, lúc rảnh rỗi, P. bắt xe từ Quế Phong xuống Quỳ Châu thăm hỏi, phụ giúp bà công việc buôn bán, nhà cửa. Bẵng đi gần 1 tháng, bà không nhận được điện thoại hay thấy cô con dâu tương lai xuống thăm, lòng cũng hơi phân vân. Rồi một hôm, đang ở cửa hàng, bà nhận được cuộc điện thoại từ nước ngoài gọi về. Đầu dây bên kia là giọng P. đang nức nở: “Mẹ ơi, cứu con. Con bị bán sang Trung Quốc làm gái…”.

Thoáng nghe như tiếng sét bên tai, tim bà như thắt lại nhưng rồi bà cũng đủ tỉnh táo để khuyên con bình tĩnh, kể hết sự tình. Thì ra, cô con dâu tương lai của bà bị Mai Thị Lụa (SN 1966, quê quán xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, hiện sinh sống tại xã Đồng Văn, Quế Phong) lừa bán sang Trung Quốc. Trong mấy phút điện thoại ngắn ngủi, P. chẳng kể được gì nhiều nhưng bà cũng mường tượng ra cảnh một cô gái khi đã bị đẩy vào động chứa. Tiếng cầu cứu của đứa con dâu tương lai khiến bà không ngủ được. Rồi bà cùng cậu con trai tìm đến nhà Lụa bắt Lụa phải trả P. về. Sau mấy lần tới tận nhà, phải dùng tới cái “uy” của người mẹ, cái “uy” của người buôn bán lâu năm, Lụa mới chịu nhận việc đưa P. sang Trung Quốc đồng thời gọi điện cho bên kia trả P. về. 

Con dâu bà L. tại phiên tòa.
Con dâu bà L. tại phiên tòa.
Sau một tháng rưỡi nơi đất khách, P bị đưa vào một động mại dâm và phải chịu bao đắng cay tủi nhục. Nhìn P. phờ phạc, xác xơ, bà xót thương lắm nhưng cái tiếng “đi làm cave” thì như vết dao cứa vào tim, nhức nhối. Cậu con trai lắc đầu quầy quậy khi ngày cưới đang đến gần. “Con làm răng mà cưới nó về làm vợ được. Nó đi làm gái, dù không phải tự nó muốn thế nhưng cũng đã qua tay bao nhiêu thằng đàn ông rồi. Con mà lấy nó làm vợ, bạn bè con cười chê, bảo con là thằng đần”. Nó nói với bà như thế. Mà nó nói cũng phải. Đàn ông, bao nhiêu người đã bao dung mà tha thứ cho lỗi lầm đó của người phụ nữ? Dẫu cho cái lỗi đó không phải do người phụ nữ gây ra.
Nhưng bà cũng là phụ nữ, bà thương P. bằng tình thương của một người mẹ dành cho con gái. Mình đã xem nó là con cái trong nhà rồi, nó đau thì mình cũng đau. Giờ không cưới nó về làm dâu thì người đời ai dám lấy nó. Sống ở đời, cái nghĩa, cái tình nó nặng lắm. Bà phân tích, giảng giải cho con: “Vợ chồng sống với nhau đâu chỉ mỗi chuyện trinh tiết. Nó chưa về làm dâu nhà ta nhưng nào có khác dâu con trong nhà. Nó dại dột, bị người ta lừa bán đã phải chịu trăm đường nhục nhã, cơ cực. Mình là đàn ông, phải biết sống bao dung, biết thứ tha, biết quên đi cái lầm lỡ của người ta con ạ”. Bà nói nhiều lắm, toàn những lời rút ruột, rút gan. Mãi rồi thằng con trai cũng hiểu ra. Đám cưới diễn ra đúng như kế hoạch. Ngày cưới, P. quỳ xuống chân bà mà khóc. Bà tin, chịu đủ bầm dập của số phận, P. sẽ biết sống sao cho xứng với tấm lòng và tình yêu thương của mọi người. “Nó ngoan ngoãn, hiền lành lại biết nghe lời, chăm chỉ. Giờ hai vợ chồng nó có một đứa con gái rồi, giống bố như tạc. Nó chăm con cũng khéo”, bà nói về con dâu của mình như thế. 
Trước tòa, bà 3 lần đứng lên tố cáo hành vi của Mai Thị Lụa và bênh vực P. Bà đề nghị tòa buộc Mai Thị Lụa phải chịu trách nhiệm về danh dự, nhân phẩm bị hoen ố của con dâu mình. “Sống với cái tiếng làm “cave” không phải ai cũng đủ dũng khí mà sống tốt. Con dâu tôi ra đường vẫn bị người ta dị nghị, dèm pha, khổ lắm”, bà bảo. 
Sau khi làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, Hội đồng xét xử tuyên phạt Mai Thị Lụa 9 năm tù giam về tội mua bán người, đồng thời phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần, danh dự và nhân phẩm cho P. 5 triệu đồng. Số tiền đó chẳng thấm tháp gì so với những đau đớn mà P phải chịu trong thời gian ở Trung Quốc nhưng bà biết, ít nhất pháp luật cũng đã đòi công bằng và rửa vết nhơ cho đứa con dâu tội nghiệp của mình.
Khang Hòa

Tin mới