Đồng yên mất giá, lao động Nghệ An đi xuất khẩu 3 năm lo không đủ tiền trả nợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Hơn 1 năm vừa qua, người lao động Nghệ An ở Nhật Bản đang gặp rất nhiều khó khăn khi đồng yên lao dốc so với USD và VND. Yên Nhật “rớt giá”, tiền gửi về nước giảm nhanh giá trị, khiến người lao động ở Nghệ An đi 3 năm lo không đủ tiền trả nợ.

bna_van truong 1.jpeg
Lao động Nghệ An làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: Cộng tác viên

Đồng yên lao dốc, lao động sống chật vật

Từ năm cuối năm 2022 đến nay, đồng yên rớt giá, lao động người Nghệ An ở Nhật Bản đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều người đến tháng nhận lương không dám quy đổi tiền để gửi về cho gia đình do tính ra bị “lỗ nặng”. Trong số đó có nhiều người lựa chọn phương án “giữ tiền” chờ đợi đồng yên hồi phục lại mới đổi.

Có thời gian gần 2 năm lao động ở Nhật Bản, chị Nguyễn Thị Trang ở xã Văn Sơn, huyện Đô Lương chuyên làm lĩnh vực chế biến và đóng gói rau, củ, quả ở tỉnh Aomori (Nhật Bản) chia sẻ: Chưa bao giờ người lao động Việt phải đối mặt với tình cảnh khó khăn như hiện nay.

Chi phí sinh hoạt đều leo thang, đắt đỏ, mỗi tháng tiền ăn, tiền sinh hoạt cũng hết khoảng 55.000 yên, khoảng trên 8 triệu đồng. Muốn đi siêu thị cũng phải chờ lúc hàng có khuyến mãi giảm giá, mới dám mua. Làm việc ở Nhật nhưng 1 tháng cũng chỉ gửi về được 15-16 triệu đồng; tính ra vay tiền ngân hàng để đi xuất khẩu lao động nhưng 3 năm có khi không đủ thu hồi vốn.

Theo chị Trang, khoảng hơn 1 năm nữa chị hết hợp đồng và được công ty thông báo gia hạn nhưng chị dự định sẽ về nước, vì nếu ở đây đổ sức làm cả ngày cũng không tích lũy được tiền để gửi về quê nhà.

bna_van truong 2.jpeg
Lao động Nghệ An làm việc vất vả tại Nhật Bản nhưng thu nhập chưa tương xứng do đồng yên mất giá. Ảnh: Cộng tác viên

Anh Nguyễn Tương, ở xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn đang làm ở lĩnh vực cắt gọt kim loại tại tỉnh Kagawa (Nhật Bản) cho biết: Nếu xét chi phí sang Nhật lao động so với các thị trường khác không nhiều, gồm một số loại như: khám sức khỏe, đào tạo, môi giới một ít, hồ sơ, visa, giấy tờ, vé máy bay. Chi phí cho mỗi suất đi khoảng 6.000 - 8.000 USD. Chưa tính chi phí ăn ở, đi lại trong quá trình học tiếng, học nghề và chờ đợi để có đợt bay mất khoảng trên 200 triệu đồng.

Thời hạn cho một lần đi Nhật là 3 năm. Với thu nhập gửi về như hiện tại thì cả kỳ cũng chỉ đủ trả xong nợ đi, không dư đồng nào. Sau khi kết thúc hợp đồng lao động 3 năm, anh Tương cũng không mặn mà gia hạn hợp đồng và chọn cách trở về để lao động tại quê hương.

Một số lao động ở Nhật Bản chia sẻ thêm: Những ai mới qua Nhật Bản cũng phải tích cực “cày” để trả nợ, còn qua lâu rồi, gần hết kỳ hạn lại phải cố gắng cầm cự thêm một thời gian nữa chờ đồng yên tăng trở lại.

Lao động Việt không mặn mà thị trường Nhật

Qua tìm hiểu được biết, thời gian qua, địa bàn Nghệ An có khá nhiều lao động hết hạn hợp đồng với doanh nghiệp Nhật nhưng đã không gia hạn hoặc chuyển đổi visa để tiếp tục làm việc mà chọn về nước, do đồng yên mất giá kỷ lục.

bna_van truong 4.jpeg
Bữa cơm đạm bạc của lao động Nghệ An ở Nhật Bản. Ảnh: Cộng tác viên

Một đơn vị chuyên xuất khẩu lao động thị trường Nhật Bản ở TP. Vinh cho biết thêm: Hiện nay, những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động Nhật Bản rất quan tâm đến tỷ giá đồng Yên, vì điều đó ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Người lao động thời điểm này không còn chuộng thị trường Nhật Bản và họ có so sánh với thị trường xuất khẩu lao động của các nước khác có thu nhập tốt hơn.

Hiện tại, một số địa phương ở Nghệ An có xu hướng lựa chọn sang lao động ở Hàn Quốc hoặc các nước như Hungary, Úc, Đức… vì mức lương cao hơn. Một số lao động đi theo các đường dây không chính thống để sang thị trường các nước châu Âu.

Như tại địa bàn huyện Yên Thành, những năm gần đây số lượng người đi Nhật Bản giảm hẳn, số lao động đi các nước châu Âu khá đông. Ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành chia sẻ: Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn xã Đô Thành chỉ có 4-5 lao động đi Nhật, trong khi đó, có 110 người đi xuất khẩu ở các nước châu Âu. Thời điểm này, toàn xã chỉ có trên 40 lao động ở Nhật, trong khi có trên 1.600 lao động ở các nước châu Âu. Đa số lao động ở các nước châu Âu đều có nguồn thu nhập khá cao.

bna_van truong 3.jpeg
Lao động Nghệ An chuyên lĩnh vực cắt gọt kim loại tại Nhật Bản. Ảnh: Cộng tác viên

Đại diện phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Thành cho biết: Tính đến thời điểm này, toàn huyện Yên Thành có trên 2.500 lao động tại thị trường Nhật Bản, hàng năm chỉ có trên 150 lao động đi Nhật Bản, số người đi lao động xuất khẩu sang thị trường này giảm từ 30-35% so với những năm trước đây. Hiện nay, số lượng lao động đi xuất khẩu ở các nước châu Âu khá nhiều, tuy nhiên, họ không đi theo con đường hợp pháp nên huyện cũng không thể quản lý được.

Bà Đặng Thị Phương Thủy - Phó trưởng Phòng Lao động việc làm và An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam ở Nhật Bản là khá lớn. Tuy nhiên, đối với địa bàn Nghệ An số lượng người tham gia lao động xuất khẩu ở Nhật ngày càng giảm, nguyên nhân là do đồng yên mất giá.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Nghệ An có 2.300 lao động đi Nhật. Hiện nay, trong tổng số 85.000 lao động Nghệ An ở các nước thì Nhật Bản chỉ có trên 20.000 lao động, trong đó, Đài Loan nhiều nhất, với 32.000 lao động, số lao động còn lại chủ yếu đi các nước châu Âu.

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, rà soát các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận thị trường lao động mới, bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động. Vì vậy, người lao động có nhiều lựa chọn, để đi lao động ở thị trường các nước có thu nhập tốt hơn.

Tin mới